27/11/2009 - 09:16

Ông Ahmadinejad khuấy động "sân sau" của Mỹ

Mối quan hệ ngày càng khắn khít giữa Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (phải) và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Ảnh: AP

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Brazil, Bolivia và Venezuela, 3 quốc gia vùng Nam Mỹ vốn được coi là “sân sau” của Washington. Ngoài mục đích tìm kiếm sự hậu thuẫn chính trị, ông Ahmadinejad còn mang về nhiều hợp đồng kinh tế hết sức quan trọng.

Tại Venezuela, trạm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Nam Mỹ của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, Iran và Venezuela đã ký kết 70 thỏa thuận hợp tác mới trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và năng lượng. Đáng kể là thỏa thuận thành lập công ty liên doanh khai thác các mỏ vàng và kẽm tại Venezuela và ngân hàng phát triển chung có vốn điều lệ lên tới 200 triệu USD. Hãng hàng không Iran Mahan Air cũng sẽ được mở đường bay trực tiếp giữa Tehran và Caracas, trong khi một công ty năng lượng Iran sẽ nghiên cứu xây dựng nhà máy thủy điện tại Venezuela. Dịp này, lãnh đạo hai nước cũng đã làm lễ khai trương một quỹ đầu tư có trụ sở tại Caracas với số vốn ban đầu 400 triệu USD và dự kiến sẽ nâng lên 1 tỉ USD vào cuối năm 2010. Đây là một trong số 270 thỏa thuận sẵn có mà hai nước đã đạt được trong vòng 4 năm qua và đang bắt đầu triển khai thực hiện. Một trong những thỏa thuận quan trọng khác mà hai nước đạt được hồi tháng 9 năm nay, nhân chuyến thăm Tehran của Tổng thống Hugo Chavez, thuộc lĩnh vực năng lượng, theo đó Venezuela sẽ xuất khẩu 20.000 thùng dầu/ngày cho Iran và có thể tham gia khai thác mỏ khí đốt thiên nhiên ở Iran, trong khi Tehran cam kết giúp Venezuela khai thác mỏ uranium dùng sản xuất năng lượng hạt nhân. Trước đó, hai bên đồng ý lập các dự án trồng lúa, xây dựng nhà máy chế biến lương thực, nhà máy xi-măng, nhà máy lắp ráp xe hơi, máy kéo, sản suất chất dẻo, nhà máy lọc dầu...

Tại Bolivia ngày 24-11, Tổng thống Ahmadinejad và người đồng cấp Evo Morales đã ký thỏa thuận cho phép Iran nghiên cứu và phát triển Lithium, một dạng kim loại nhẹ được dùng để sản xuất pin công suất cao dùng cho điện thoại di động, máy tính, xe ô-tô chạy điện... Trữ lượng Lithium ở Bolivia đứng đầu thế giới và chiếm 50% trữ lượng toàn cầu. Một ngày trước đó, trong chuyến Brazil lần đầu tiên của người đứng đầu chính quyền Iran kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, các nhà lãnh đạo hai nước đã ký 13 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, khoa học, thể thao và văn hóa.

Trên lĩnh vực chính trị nhạy cảm, điểm chung của cả Brazil, Bolivia và Venezuela là ủng hộ quyền được phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran. Thế nên, dù ông chủ Nhà Trắng Barack Obama ngày 22-11 có viết thư “nhắc nhở” Tổng thống Brazil Lula da Silva về lập trường của Mỹ phản đối chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, nhưng vị tổng thống được coi là ôn hòa này vẫn khẳng định không thay đổi quan điểm nhất quán của mình và chỉ thúc giục Tehran giải quyết tranh cãi với phương Tây bằng thương lượng hòa bình. Trong khi đó, chính quyền Bolivia và Venezuela tuyên bố muốn hình thành liên minh với Iran để chống lại chủ nghĩa bá quyền. Ông Chavez gọi Tổng thống Ahmadinejad là “một chiến sĩ đấu tranh chống đế quốc, một tấm gương của lòng quả cảm và kiên định cho nền tự do của Iran”.

KIẾN HÒA
(Theo AP, AFP, Dow Jones, Xinhua, Bloomberg)

Mối quan hệ ngày càng khắn khít giữa Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (phải) và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết