09/10/2012 - 20:11

Nuôi dưỡng thành công trứng và tinh trùng từ tế bào gốc

Giải Nobel Y học năm 2012 đã xướng tên nhà khoa học Anh John B. Gurdon và nhà khoa học Nhật Bản Shinya Yamanaka với công trình nghiên cứu mang tính đột phá của họ về tế bào gốc. Điều này chứng tỏ lĩnh vực tế bào gốc đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng y học của loài người.

Các nhà khoa học Nhật Bản khẳng định chuột sinh ra từ trứng và tinh trùng làm bằng tế bào gốc có thể sinh ra những con chuột con bình thường. Ảnh: Los Angeles Times 

Tế bào gốc có thể trở thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể từ máu đến xương, dây thần kinh hay lớp da bên ngoài. Trong thành tựu gần đây nhất, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) cho biết họ đã thành công khi sử dụng tế bào gốc của chuột tạo ra trứng và tinh trùng, có thể cho ra đời những con chuột con khỏe mạnh và bình thường. Nếu thành tựu đó có thể lặp lại ở người, mà các nhà khoa học lạc quan rằng nó sẽ xảy ra, kỹ thuật mới có thể giúp những người bị tổn thương cơ quan sinh sản, các cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ trung niên có cơ hội được làm cha, mẹ.

Trong báo cáo được đăng tải trên tạp chí khoa học danh tiếng Science của Mỹ, nhóm chuyên gia cho biết họ đã sử dụng các tế bào gốc từ phôi thai của chuột để tạo ra các tế bào là nguyên bào của trứng và tinh trùng. Đầu tiên, họ đã tiến hành cấy ghép tinh nguyên bào (tiền thân của tinh trùng) vào tinh hoàn của những con chuột vô sinh để chúng phát triển thành tinh trùng – thành tựu đã gây tiếng vang lớn khi được công bố trên tạp chí Cell hồi năm ngoái. Gần đây, họ mới cho ra đời trứng chuột làm từ tế bào gốc. Tuy nhiên, quá trình tạo ra trứng lại yêu cầu phức tạp hơn vì những tế bào trứng đòi hỏi phải chứa các yếu tố di truyền và các tế bào biểu mô để hỗ trợ cho quá trình phát triển phôi thai. Do đó, nhóm nghiên cứu đã cẩn trọng kết hợp noãn nguyên bào (tiền thần của trứng) với tế bào buồng trứng trích từ phôi thai để nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm thành "buồng trứng mới" và cấy vào chuột cái. Sau 4 tuần, các nhà khoa học tách lấy noãn chín và tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm cùng với tinh trùng đã tạo ra trước đó. Trứng đã thụ tinh sau cùng được cấy vào chuột mẹ thay thế.

Tiến sĩ Mitinori Saitou, thành viên nhóm nghiên cứu phấn khởi cho biết những trứng tạo thành từ tế bào gốc "trông bình thường và có thể sinh ra những chuột con khỏe mạnh". Phát biểu với hãng tin BBC, cộng sự của ông là Tiến sĩ Katsuhiko Hayashi nói rằng mục đích của nghiên cứu là nhằm mở ra hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn nếu được áp dụng trên người. Tuy nhiên, "phương pháp này chưa thể ngay lập tức áp dụng đối với các tế bào gốc của con người, không chỉ vì một số lý do khoa học, mà còn liên quan đến vấn đề đạo đức trong y học", Tiến sĩ Hayashi nhận định. Theo ông, mức độ hiểu biết của khoa học về tiến trình phát triển của trứng vẫn còn quá hạn chế, kèm theo đó là những nghi ngại xung quanh vấn đề sức khỏe ở những đứa trẻ sau này. Do đó, họ cần nhiều thời gian nghiên cứu thêm, một mặt để hoàn thiện kỹ thuật trên động vật, mặt khác để xã hội suy xét và từng bước chấp nhận điều này.

Mặc dù vẫn còn một chặng đường khá dài để đi từ thí nghiệm đến áp dụng trên con người, nhưng các khoa học gia trên thế giới đánh giá rất cao thành quả các nhà khoa học Nhật Bản đã đạt được. Theo Tiến sĩ George Q. Daley, chuyên gia hàng đầu về tế bào gốc tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ), nghiên cứu đã có bước tiến phi thường, vì trong các thí nghiệm trước, trứng có rất ít cơ hội sống sót sau giai đoạn nguyên bào. Không chỉ vậy "điểm đặc biệt của nghiên cứu là những thực thể sinh ra đều khỏe mạnh và có chức năng sinh sản bình thường", Tiến sĩ Allan Pacey từ Hiệp hội sinh sản Anh và Đại học Sheffield nhận xét.

VI VI (Theo BBC, Los Angeles Times)

Chia sẻ bài viết