07/03/2014 - 21:16

Nước xa khó cứu lửa gần

Phát biểu trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 6-3, Thứ trưởng Ngoại giao William Burns cho biết Nhà Trắng đang bàn việc làm thế nào sử dụng nguồn khí đốt thiên nhiên dồi dào của nước này để giải quyết mối đe dọa an ninh năng lượng đối với Ukraina và cả châu Âu để không bị Nga tiếp tục "bắt chẹt". Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker đã chất vấn ông Burns với đại ý: Hãy nói rõ xem nguồn năng lượng ấy của chúng ta có hỗ trợ được cho Ukraina và động viên Liên minh châu Âu (EU) sẵn lòng trừng phạt Nga hay không? Quan chức ngoại giao tự tin đáp: "Chắc chắn rồi".

Tuy nhiên, việc các chính trị gia của Đồi Capitol nhận thức khác nhau khiến chiến lược xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ có thể trì trệ kéo dài. Cùng ngày 6-3, hạ nghị sĩ Cory Garder của đảng Cộng hòa cùng một số thành viên Ủy ban thương mại và năng lượng Hạ viện đã trình dự luật xúc tiến xuất khẩu LNG tới Ukraina và các nước Đông Âu, trong khi thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Edward Markey công bố báo cáo cho rằng nước Mỹ không nên lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraina để biện hộ cho việc thúc đẩy mở rộng xuất khẩu khí thiên nhiên, bởi điều đó hiện thời chẳng giúp được gì cho chính quyền lâm thời tại Kiev cả.

Bộ Năng lượng Mỹ đã phê chuẩn 6 dự án xuất khẩu LNG kể từ năm 2011 và đang xem xét hơn 20 dự án nữa, nhưng Ủy ban điều tiết năng lượng liên bang chỉ mới đồng ý cho triển khai một dự án. Nếu hết thảy dự án được phê duyệt thì tổng lượng khí đốt xuất khẩu hàng ngày của Mỹ sẽ cao hơn lượng khí đốt mà Nga đang cung cấp cho Ukraina và EU.

Có điều, chuyến tàu xuất khẩu khí đốt đầu tiên của Mỹ có thể phải đợi đến ít nhất vào năm 2017 và thậm chí lâu hơn nếu công tác mua sắm thiết bị và xây dựng cảng vận chuyển LNG rất tốn kém chưa kịp đầu tư. Vả lại, theo ông Markey, Washington không kiểm soát các công ty xuất khẩu LNG tư nhân nên đâu thể lôi kéo họ vào trò chơi chính trị với Mát-xcơ-va.

Trong dài hạn, Mỹ hy vọng có thể trở thành nước sản xuất và cung cấp khí đốt quan trọng nhất cho các đồng minh châu Âu trong trường hợp khẩn cấp, nhưng trước mắt nguồn khí đốt của Nga là không thể thay thế. Có câu "nước xa khó cứu lửa gần" nên Mỹ không dễ trấn an được Ukraina và cựu lục địa về vấn đề nguồn cung khí đốt cả trong hiện tại lẫn tương lai.

KIẾN HÒA (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết