24/04/2012 - 21:09

Nước uống tiệt khuẩn có tiệt khuẩn?

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh, học sinh lo ngại khi nghe thông tin nước uống tiệt khuẩn ở các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn TP Cần Thơ chưa đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh. Bởi, một số trường chậm hoặc “quên” thay thiết bị lọc nước định kỳ . Trong khi đó, lãnh đạo ngành giáo dục, cán bộ quản lý ở các trường cho rằng, chi phí bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị máy lọc nước gặp khó khăn. Sự thật ra sao?

Học sinh Trường Tiểu học Giai Xuân 1 (huyện Phong Điền) đang uống nước đã qua hệ thống máy lọc nước tiệt khuẩn. 

Theo ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)TP Cần Thơ, nước uống, nhà vệ sinh là nhu cầu bức thiết của con người, nhất là nhu cầu của học sinh, giáo viên ở các trường mầm non và phổ thông. Vì thế, nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe tốt cho học sinh, từ năm 2007 đến 2009, UBND TP Cần Thơ đã đầu tư Dự án Nhà vệ sinh và hệ thống nước uống tiệt khuẩn cho trên 400 điểm trường mầm non, phổ thông trên địa bàn TP Cần Thơ, với kinh phí 30 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Ông Khiếm cho rằng, việc triển khai dự án này đã rút dần khoảng cách giữa học sinh nông thôn, thành thị, bởi tất cả học sinh đều được thụ hưởng môi trường sư phạm lành mạnh.

Thực tế cho thấy, hầu hết phụ huynh, học sinh đều đồng tình hưởng ứng dự án trên. Khi chúng tôi đến Trường THCS Giai Xuân (huyện Phong Điền), có nhiều học sinh đến uống nước đã qua hệ thống máy lọc nước tiệt khuẩn. Cô Huỳnh Thị Kim Tuyến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Giai Xuân, cho biết: “Không chỉ học sinh mà cả giáo viên ở trường đều uống nước này. Theo tôi, chất lượng nước uống tốt vì đã qua hệ thống máy nước tiệt khuẩn, bởi nước không phải đun sôi mà uống trực tiếp từ máy. Định kỳ hằng năm, trường thay thiết bị lọc 1 lần nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh”.

Không chỉ có ở Trường THCS Giai Xuân mà còn có một số trường ở huyện Phong Điền, như: Tiểu học Giai Xuân 1, Mầm non Giai Xuân, THCS Trường Long,... cũng đều được thụ hưởng dự án này. Cô Trần Thị Thanh Hà, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Trường Long, cho biết: “Từ khi Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phong Điền trang bị máy lọc nước và xây dựng nhà vệ sinh đã giúp học sinh, giáo viên có điều kiện sinh hoạt tốt hơn”. Trường hiện có trên 600 học sinh, hầu hết đều có sử dụng nước uống tiệt khuẩn. Em Trần Thị Thúy Kiều, học sinh Trường THCS Trường Long, nói: “Em cũng có uống nước tại trường, nhưng uống ở ngoài quán nhiều hơn”.

Theo chỉ đạo của ngành giáo dục thành phố, từ tháng 3-2009 đến tháng 10-2010, ngành GD&ĐT huyện Phong Điền đã thực hiện Dự án Nhà vệ sinh và hệ thống nước uống tiệt khuẩn, nhằm xóa sạch các điểm trường không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh xuống cấp. Ngành giáo dục huyện đã thực hiện 3 đợt xây dựng nhà vệ sinh: đợt 1 (840 triệu đồng), đợt 2 (650 triệu), đợt 3 (trên 900 triệu đồng) ở trên 30 điểm trường mầm non đến THCS. Thầy Nguyễn Bá Tòng, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Phong Điền, cho biết: “Trước kia, điều kiện sinh hoạt, ăn uống của học sinh, giáo viên hết sức khó khăn. Nhiều lúc giáo viên, học sinh có nhu cầu đi vệ sinh phải nhờ nhà người dân. Việc triển khai dự án này đã giải quyết nhu cầu bức thiết của học sinh, giáo viên, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường, nhất là đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên”. Tuy nhiên, thầy Tòng cũng cho rằng, vẫn còn một số điểm trường chưa sử dụng nhà vệ sinh, máy lọc nước hiệu quả.

Có thể nói, việc lắp đặt hệ thống nước uống tiệt khuẩn đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bởi chi phí bình quân để trang bị máy lọc nước tiệt khuẩn khoảng 40 triệu đồng/ máy- là số tiền không nhỏ đối với các trường, nhất là các trường vùng ven thành phố, còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ quản lý ở các trường mầm non và phổ thông, khó khăn hiện nay ở các trường là thay thiết bị lọc nước định kỳ. Nếu thay cả lõi lọc (4 lõi) và thiết bị lọc nước bằng tia cực tím thì chi phí bình quân khoảng 7 triệu đồng. Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nói: “Khó khăn hiện nay của các trường, nhất là các trường vùng ven thành phố là vấn đề kinh phí bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị máy lọc nước. Bởi khoản chi này không nằm trong ngân sách hoạt động của các trường. Trong khi đó, các trường trong nội ô thành phố có thể tìm kinh phí bằng nguồn xã hội hóa giáo dục”.

Chính những khó khăn trên mà nhiều giáo viên, cán bộ quản lý các trường thường trông cậy vào phía công ty bảo hành máy đến thay thiết bị lọc nước. Vì thế một khi chậm hoặc không thay thiết bị, liệu nước uống có đảm bảo an toàn cho sức khỏe? Về vấn đề này, kỹ sư Huỳnh Phước Lợi, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, nói: “Không thể phủ nhận tiện ích từ việc tổ chức nước uống tiệt khuẩn ở các trường, bởi học sinh, giáo viên có thể uống nước mà không cần đun sôi. Vì nước đã qua hệ thống lõi lọc, qua thiết bị lọc bằng tia cực tím, đảm bảo nước tiệt khuẩn cho học sinh trước khi uống. Nhưng, nếu máy lọc nước không được bảo quản tốt, thiết bị lọc không được kiểm tra định kỳ, máy hư,... thì nguồn nước sẽ không đảm bảo an toàn. Học sinh uống vào dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột”.

Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, hằng năm, ngành y tế đều phối hợp với ngành giáo dục kiểm tra nguồn nước uống tại các điểm trường trên địa bàn TP Cần Thơ. Các trường có trang bị hệ thống máy lọc nước tiệt khuẩn (lắp đặt mới) thì phải lấy mẫu nước để ngành y tế thành phố kiểm tra, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm lý hóa và vi sinh nước do Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cấp); còn nếu kiểm tra, thay thiết bị lọc định kỳ thì trung tâm y tế dự phòng quận, huyện kiểm tra, định kỳ 2 lần/ năm. Chi phí cho kiểm tra, cấp giấy chứng nhận là 160.000 đồng cho lần thay định kỳ; 300.000 đồng/ lần thay mới thiết bị đầu tiên. Theo ông Lợi, các nhà sản xuất khuyến cáo nên thay thiết bị lọc nước 1 lần/ 1 năm, tuy nhiên còn tùy công suất sử dụng, nguồn nước để lọc... mà thời gian bảo dưỡng thiết bị lọc nước sẽ khác nhau. Ông Lợi cũng lưu ý: “Các trường nên ngưng sử dụng nước uống tiệt khuẩn, nếu nhận thấy máy lọc nước chưa an toàn, có như vậy mới đảm bảo sức khỏe cho học sinh”.

Theo ông Trần Trọng Khiếm, dự kiến cuối tháng 4-2012, ngành giáo dục sẽ kiểm tra, chấn chỉnh lại việc thực hiện dự án nhà vệ sinh và hệ thống nước tiệt khuẩn ở các điểm trường; chỉ đạo các trường cần có ý thức bảo quản nhà vệ sinh, hệ thống máy lọc nước tiệt khuẩn. Đồng thời ngành đang chờ ý kiến từ Bộ GD&ĐT để mở lối ra trong việc tìm nguồn kinh phí xã hội hóa giáo dục. Ông Khiếm nhấn mạnh: “Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, ngành tiếp tục chỉ đạo các trường cần định kỳ thay thiết bị lọc nước và phải qua kiểm nghiệm, đánh giá của ngành y tế. Những điểm trường chưa trang bị được hệ thống nước sạch uống, thì nhà trường vận động học sinh mang theo chai nước uống hoặc phải nấu nước uống để đảm bảo sức khỏe cho học sinh”.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết