11/01/2020 - 19:24

Nước trong cuộc xung đột toàn cầu 

Báo cáo của Viện Thái Bình Dương về các cuộc xung đột liên quan tới nước cho thấy, 466 trong số 926 cuộc xung đột liên quan tới nước được sử sách ghi lại đã xảy ra trong thập kỷ qua.

Phụ nữ Ấn Độ lấy nước tại một hồ trơ đáy.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia từ 6 tổ chức quốc tế đã cho ra mắt một hệ thống cảnh báo sớm gọi là WPS (Water, Peace và Security) nhằm giúp dự đoán các cuộc xung đột tiềm ẩn liên quan đến nước đang tăng vọt trên toàn cầu. Theo Guardian, công cụ này kết hợp các biến số môi trường như lượng mưa, sự mất mùa với các yếu tố chính trị, kinh tế và xã hội để dự đoán nguy cơ xung đột bạo lực liên quan đến nước trước một năm.

THÁI LAN KÊU GỌI NGƯỜI DÂN ÍT TẮM VÌ KHAN HIẾM NƯỚC

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha mới đây kêu gọi người dân khóa vòi nước và tắm ít hơn để đối phó với nạn hạn hán ở miền Bắc và miền Trung nước này. Nội các Thái Lan cũng đã đồng ý chi 3 tỉ baht (khoảng 99 triệu USD) để khoan và lấy nước ngầm nhằm giảm tình trạng hạn hán vốn được dự báo tồi tệ hơn trong vài tháng tới.

Đến nay, WPS đã dự đoán các cuộc xung đột có khả năng xảy ra vào năm 2020 tại Iraq, Iran, Mali, Nigeria, Ấn Độ và Pakistan và hiện tập trung vào việc xác định các điểm nóng xung đột trên khắp châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á.

Peter Gleick, nhà khoa học môi trường và là đồng sáng lập Viện Thái Bình Dương, cảnh báo khủng hoảng nước là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt và sẽ là yếu tố làm gia tăng cuộc xung đột toàn cầu. Trả lời câu hỏi liệu sẽ nổ ra “chiến tranh nước” trong tương lai gần, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ này cho biết mối lo ngại hàng đầu của ông hiện nay là bạo lực liên quan tới sự khan hiếm nước ngày càng gia tăng, trong bối cảnh nước hầu như liên quan đến mọi vấn đề mà con người quan tâm, gồm sức khỏe con người và sinh thái, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và năng lượng.

Theo ông Gleick, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nước đã gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với con người và thiên nhiên. Theo đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của hệ thống cung cấp nước, làm thay đổi lượng mưa, làm tăng tình trạng hạn hán và lũ lụt. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng nhu cầu về nước do nhiệt độ tăng, trong khi thay đổi chất lượng nước dẫn đến xung đột hoặc bạo lực gia tăng đối với tài nguyên nước trên toàn thế giới. “Ngay cả khi không có biến đổi khí hậu, nhu cầu về nước cũng gia tăng do dân số ngày càng tăng, nền kinh tế ngày càng phát triển. Cùng với đó là nhiều nguồn nước bị ô nhiễm, sự lãng phí của con người và công nghiệp. Mặt khác, nước được phân bổ không đồng đều trên thế giới, có nơi khô nơi ẩm ướt” - ông Gleick nói thêm.

Chuyên gia này khuyến nghị, để giữ nguồn nước an toàn, chính phủ các nước cần đáp ứng các nhu cầu cơ bản về nước và vệ sinh an toàn; thiết lập tiêu chuẩn về chất lượng nước để bảo vệ sức khỏe con người và sinh thái; tham gia vào nỗ lực toàn cầu nhằm cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu và khiến cho các vấn đề khác trở nên xấu đi; hợp tác với các cơ quan chức năng, nỗ lực thiết lập mối quan hệ ngoại giao để chia sẻ nguồn nước...

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi năm 2019, khoảng 2 tỉ người sống ở các quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, 2,2 tỉ người không tiếp cận được các dịch vụ cung cấp nước uống an toàn, trong khi hơn một nửa dân số toàn cầu thiếu các dịch vụ vệ sinh an toàn. LHQ dự báo có tới 5 tỉ người có thể gặp phải tình trạng thiếu nước vào năm 2050.

HOÀNG NAM (Theo Turkish Press, Guardian)

Chia sẻ bài viết