15/02/2018 - 11:11

Nước Mỹ dưới thời Donald Trump 

Tỉ phú New York Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20-1-2017 sau khi bất ngờ đánh bại đối thủ nặng ký đảng Dân chủ Hillary Clinton. Vậy sau một năm, nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đã thay đổi như thế nào kể từ khi xứ cờ hoa đón chào vị tổng tư lệnh mới?

Kinh tế khởi sắc

Có thể nói trong 1/4 đầu nhiệm kỳ, chính quyền Donald Trump chưa có dấu ấn lập pháp nào đáng kể, trong khi Nhà Trắng liên tiếp xáo trộn do thay đổi nhân sự cấp cao và bị ảnh hưởng từ chiến dịch điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Song, nền kinh tế số 1 thế giới năm 2017 chứng kiến sự phục hồi nhanh hơn dự báo dù hứng chịu hai đợt bão lịch sử với thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ USD. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý sau cao hơn quý trước và đạt gần 4% vào quý IV, cao hơn nhiều so với mức trung bình 1,8% trong 8 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.

Phản ánh sự lạc quan của giới doanh nghiệp và đầu tư, thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt khởi sắc với chỉ số S&P 500, Dow Jones liên tục lập kỷ lục mới và đạt mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức thấp nhất 17 năm qua (4,1%), số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong quý III cũng giảm xuống thấp nhất trong 44 năm. Lạm phát duy trì quanh 2% trong khi tiền lương cơ bản được nâng lên.

Cuối năm 2017, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 1,25% -1,5%, từ mức thấp kỷ lục mọi thời đại 0-0,25% được áp dụng trong gần 10 năm sau khủng hoảng tài chính 2008-2009. Việc tăng lãi suất thể hiện sự tin tưởng vào “sức khỏe” kinh tế Mỹ giữa lúc người dân đang chờ tác động thật sự từ đợt cải cách thuế do Tổng thống Trump đề xuất nhằm kích thích tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm.

Lòng dân chia rẽ

Tuy kinh tế bắt được tín hiệu lạc quan, nhiều quyết sách của chính quyền cũng gây phản ứng trái chiều trong dư luận, kể cả kế hoạch giảm thuế trị giá 1,5 ngàn tỉ USD mà ông Trump xem là “chiến thắng lịch sử cho người dân Mỹ”. Dù đảng Cộng hòa coi đây là giải pháp cốt lõi đem lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu, hỗ trợ lao động và kiến tạo việc làm, phe phản đối ngược lại cho rằng cải cách thuế chỉ làm lợi cho người giàu, những công ty lớn, tăng tình trạng thâm hụt ngân sách và nới rộng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Theo New York Times, 1% những người giàu nhất nước Mỹ (thu nhập tối thiểu 730.000 USD/năm) sẽ hưởng tới 50% lợi ích từ kế hoạch cắt giảm thuế, với mức thu nhập sau thuế tăng trung bình 8,5%. Riêng Tổng thống Trump “đút túi” 15 triệu USD. Trong khi đó, người thu nhập từ 150.000 - 300.000 USD/năm phải đợi tới năm 2027 mới được hưởng lợi khi thu nhập của họ bắt đầu tăng nhẹ.

Tụ tập bên ngoài Nhà Trắng phản đối việc xóa sổ chương trình hỗ trợ 800.000 người nhập cư không giấy tờ hợp pháp (DACA). Ảnh: newsobserver

Tụ tập bên ngoài Nhà Trắng phản đối việc xóa sổ chương trình hỗ trợ 800.000 người nhập cư không giấy tờ hợp pháp (DACA). Ảnh: newsobserver

Ngoài vấn đề thuế khóa, nỗ lực của chính quyền Trump nhằm thay thế, xóa bỏ “di sản” của người tiền nhiệm, chẳng hạn Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare), chính sách bảo hộ nhập cư  DACA, chính sách kiểm soát súng đạn... cũng gây chia rẽ trong lòng nước Mỹ. Đáng chú ý là tranh cãi bùng nổ dữ dội sau sắc lệnh di trú cấm công dân 6 nước có đa số người dân theo đạo Hồi vào Mỹ.

Nước Mỹ “mất điểm”

Có thể thấy thứ bị tổn hại nhiều nhất kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng là quyền lực mềm của nước Mỹ. Cam kết tranh cử “Nước Mỹ trên hết” với quan điểm cứng rắn chống toàn cầu hóa đã được Tổng thống Trump từng bước thực hiện. Trong đó, ông ưu tiên các hoạt động song phương thay vì đa phương. Điều này được minh chứng bằng hành động rút Washington khỏi các tổ chức và hiệp ước quốc tế.

Cụ thể, ông Trump đã tiến hành tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ với Mexico và Canada mà ông cho là “thỏa thuận tồi tệ”. Những đồng minh truyền thống khác của Mỹ như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc thậm chí Liên minh châu Âu (EU) cũng lần lượt chịu sức ép từ Washington khi Tổng thống Mỹ công khai lên án tình trạng thâm hụt thương mại. Đáng nói là chỉ 2 ngày sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp đầu tiên rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết dưới thời Obama.

Với chủ nghĩa bảo hộ mà Tổng thống Trump theo đuổi, các chuyên gia cho rằng kinh tế Mỹ sẽ đảm bảo được các lợi ích của mình, nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi bởi nó khiến Washington trở thành “người ngoài” trong cuộc chơi thương mại toàn cầu. Theo Giáo sư kinh doanh quốc tế Pavida Pananond (Thái Lan), tác động lớn nhất trong quyết định rút lui của Mỹ còn nằm ở nhận thức về vai trò lãnh đạo của cường quốc số 1 thế giới, đặc biệt trước yếu tố Trung Quốc. Thậm chí, hủy bỏ TPP còn bị cho là chính sách thất bại nhất của Mỹ bởi thỏa thuận này có ý nghĩa vượt ra ngoài việc giúp tăng cường thương mại quốc tế.

Ngoài thương mại, Tổng thống Trump còn lần lượt rút Mỹ khỏi các thỏa thuận và tổ chức quốc tế, chẳng hạn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), Hiệp ước Di trú Toàn cầu... Các quyết định này được cho là thỏa mãn chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, nhưng Washington sẽ để vuột mất vị thế lãnh đạo trên trường quốc tế, theo cảnh báo của cựu Tổng thống Obama. Chưa hết, nước Mỹ dưới thời ông Trump còn đảo ngược một phần chính sách với Cuba và có thể là Iran khi từ chối xác nhận Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký kết với các cường quốc hồi năm 2015. Diễn biến này dấy lên quan ngại Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận với Iran – động thái được dự báo khiến Trung Đông “nóng lên” và hơn hết là tổn hại nghiêm trọng khả năng đàm phán với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Thời điểm cuối năm 2017, ông Trump còn làm điều chưa vị Tổng thống Mỹ nào từng tiến hành, đó là tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và lên kế hoạch chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thánh địa này. “Quả bom” Jerusalem không chỉ khiến Trung Đông dậy sóng, mà còn làm giảm uy tín của Mỹ và hủy hoại tiến trình hòa bình ông Trump đang tìm cách theo đuổi.

Nói tóm lại, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đang dần biến đổi với dấu hiệu tích cực về kinh tế nhưng vai trò của Washington trên toàn cầu dường như đang mờ nhạt dần. Có thể, chính sách của Tổng thống Trump chiều lòng cử tri Mỹ nhưng không loại trừ việc Washington rút khỏi thế giới đa phương sẽ khiến Mỹ suy yếu, thậm chí làm thay đổi trật tự thế giới thiết lập sau Thế chiến thứ hai bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc. Trước mắt, hộ chiếu Mỹ đã từ vị trí “quyền lực” nhất thế giới năm 2015 tụt xuống hàng thứ 6 vào năm 2017, chỉ ngang với hộ chiếu Canada, Ireland và Malaysia.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết