08/08/2015 - 15:39

Nước mưa mùa cũ

Ở quê, người dân thường dùng lu sành trữ nước mưa cho mùa nắng hạn. Những chiếc lu sành được đặt thành một dãy sau hè thường đậy bởi những cái nắp lợp bằng lá dừa nước để hạn chế nước bay hơi vào mùa nắng đầy. Nước mưa được cất công hứng từ mái nhà chảy theo những máng xối làm bằng thiếc hay lá dừa nước, cuối máng bao giờ cũng là miếng vải mùng lọc cặn. Người quê thường không hứng nước từ những cơn mưa đầu mùa, mà chọn những cơn mưa lớn, nước ngon ngọt.

Người quê cất công hứng và chứa nước mưa chứ chưa uống vội. Chờ vài mươi ngày nước mưa lắng cặn, trong văn vắt, để càng lâu độ ngọt tinh khiết càng cao. Người quê thường chọn những trái bí đao mum tầm vừa già vỏ đã bám đầy lớp phấn trắng, bỏ vào lu sành, mỗi lu vài trái nhỏ. Trái sẽ bắt đầu phân hủy lắng xuống đáy lu sành với những giọt nước mưa ngọt, mát dịu. Mỗi sáng nội lại khề khà bên ấm trà bốc khói nghi ngút, thưởng thức món trà hương sen pha với nước mưa như một thú vui tao nhã cùng những người bạn già.

Nước mưa mùa cũ dùng vào những ngày nắng hạn, làm dịu đi cái nắng nóng như thiêu như đốt của trời. Buổi trưa chỉ cần một ca nước mưa sống múc thẳng từ lu sành, uống ừng ực. Nước mưa mùa cũ còn là món lót dạ của mấy chị em nhà nghèo đến trường buổi sáng. Nội đã nhìn đám cháu uống ca nước mưa mùa cũ ban sáng mà nước mắt chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ.

Tôi giờ trở thành người của phố, nhưng mỗi lần về quê, lại chạy ra hàng lu sành uống từng ngụm nước mưa mùa cũ. Nội cứ nhắc: "Có nước nấu chín trong nhà, uống nước lạnh đau bụng đó con". Tôi cười chống chế: "Quen bụng rồi nội ơi". Tôi vẫn nhớ nước mưa thơm mùi lá cũ trên nóc nhà da diết, nhớ những chiều dầm mưa hứng nước của nội và tôi. Đó là mùi của nơi tôi cất tiếng khóc chào đời với chuỗi ngày dài nắng hạn chợt dịu mát vị ngọt lịm, trong vắt nước mưa mùa cũ….

Nguyễn Hoàng Nhân

Chia sẻ bài viết