Từ chỗ còn bỡ ngỡ với thương mại điện tử, những năm gần đây, nông dân Kiên Giang đã biết cách đưa nông sản bán trên các sàn thương mại điện tử, giúp đặc sản quê nhà ngày càng vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.
![Nông sản Kiên Giang lên sàn thương mại điện tử](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250207/images/8-1(1).webp)
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh và Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Felix ký kết thỏa thuận hợp tác đưa sản phẩm của Kiên Giang lên sàn thương mại điện tử.
Vừa loay hoay bên số thịt trâu vừa được ướp gia vị chuẩn bị đem phơi, ông Nghiêm Văn Phúc, Chủ cơ sở khô trâu, khô bò Ba Phúc, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành thỉnh thoảng lại "nghía" điện thoại rồi nhắc vợ trả lời khách mua khô trên sàn thương mại điện tử. Ông Phúc cho biết: "Hai tháng nay tập tành bán hàng trên sàn thương mại điện tử Felix do Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh kết nối, có nhiều khách mới ngoài tỉnh tìm mua khô. Mới xem thấy có 1.032 lượt người xem, 839 người thích sản phẩm của mình nên vui lắm. Sản lượng khô năm nay bán ra tăng hơn 30% so với lúc chỉ bán tại nhà".
Không chỉ người dân ở ngã ba Chợ Đình, xã Vĩnh Điều, thực khách xa gần cũng nghiện miếng khô trâu, khô bò của vợ chồng Ba Phúc nhờ được làm từ thịt tươi mới xẻ, ướp thêm chút gừng tươi, nước mắm, tiêu, ớt, đường cát khi nướng hoặc chiên đều làm ngây ngất cả những thực khách khó tính. Đây cũng là sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Ông Phúc cho hay, từ ngày đưa sản phẩm khô trâu, khô bò lên sàn thương mại điện tử kinh doanh, vợ chồng ông đã thay đổi rất nhiều để hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm theo góp ý của khách hàng. "Nhờ đưa lên sàn mà nhận được nhiều góp ý từ khách hàng để ngày càng hoàn thiện hơn. Chẳng hạn như phải thay hộp nhựa bấm kim ghim thành bịch hút chân không để khách tiện bảo quản lâu ngày và vận chuyển đi xa. Có khách còn nhắn tin khen, khoe hình ảnh bàn ăn có món khô của Ba Phúc làm mình thấy được tiếp thêm động lực. Khách mua qua sàn thương mại ít nhiều gì tôi cũng gói gửi, hy vọng được khách ủng hộ nhiều hơn", ông Phúc nói.
Sau lần được tập huấn về thương mại điện tử, chị Nguyễn Khoa Luyên, Phó Giám đốc kinh doanh Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hùng, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao hạ quyết tâm phải đưa trái măng cụt của quê nhà giới thiệu đến mọi người. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, vùng đất Vĩnh Hòa Hưng Bắc trở thành nơi phát triển các loại cây ăn trái đặc sản, đặc biệt là cây măng cụt. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hùng là đầu mối tập hợp nông dân trong vùng trồng cây măng cụt của huyện Gò Quao với sản lượng cung ứng ra thị trường hơn 100 tấn/năm. Chị Luyên nói: "Trước tôi chỉ bán hàng qua mạng xã hội, nay có thêm sàn thương mại điện tử hy vọng sẽ giúp măng cụt của người dân, sản phẩm vừa được chứng nhận OCOP 3 sao, bán được nhiều và có giá hơn".
Với mục tiêu trở thành "cánh tay nối dài" giúp nông dân đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử, từng bước góp phần thay đổi hình thức mua, bán, xây dựng và thúc đẩy môi trường "chợ số", năm 2024 vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn về thương mại điện tử cho gần 500 cán bộ, hội viên, nông dân. "Không chỉ hỗ trợ kỹ thuật, cách thức sử dụng, vận hành đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, các đơn vị chủ quản các sàn thương mại điện tử còn hỗ trợ miễn phí chủ thể từ chụp ảnh, viết thông tin, cách sử dụng của từng sản phẩm đưa lên sàn đảm bảo đúng quy định", ông Lâm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh cho biết.
Kể từ sau đại dịch, phương thức giao dịch trên sàn thương mại điện tử ngày càng vượt trội với sự chủ động tham gia của các chủ thể gồm nông dân, hợp tác xã, các cấp, các ngành, địa phương. Hiện nay một số sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của các chủ thể trong tỉnh như mắm Tám Dô, tiêu Ngọc Hòa (Giồng Riềng), khô Hiểu Phát, nước mắm Khoa Đăng (Phú Quốc), gạo lúa mùa Tư Việt (Châu Thành)… được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh qua hệ thống Bách hóa Xanh, Co.opmart, WinMart, các cửa hàng OCOP trong tỉnh. Ngoài ra, các đơn vị, sở, ngành của tỉnh còn phối hợp các đơn vị đưa một số sản phẩm kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Amazon, Shopee, Buudien.vn, Felix.store…
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Felix, cho biết: "Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng lớn về nông nghiệp và du lịch. Trong năm 2024, qua các cấp hội nông dân trong tỉnh phối hợp công ty tạo tài khoản thương mại điện tử cho 16.564 tài khoản, setup 75 gian hàng với 230 sản phẩm lên sàn, tập trung chủ yếu là các sản OCOP, sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Qua đó giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho nông sản Kiên Giang đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, thúc đẩy kết nối giao thương tiêu thụ trong nước và xuất khẩu".
Bài, ảnh: AN LÂM