17/01/2023 - 08:26

Nông nghiệp Cần Thơ hướng đến mục tiêu đạt mức tăng trưởng cao 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Năm qua, các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ duy trì, phát triển khá tốt và đã đạt được mức tăng trưởng khá cao. Song, sản xuất nông nghiệp vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, phức tạp của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và giá cả nhiều loại vật tư đầu vào ở mức cao. Ðể tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao, đòi hỏi ngành Nông nghiệp cần có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

Trồng nấm đông trùng hạ thảo tại Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa ở huyện Phong Ðiền.

Duy trì đà tăng trưởng cao

Năm qua, các chỉ tiêu quan trọng của sản xuất nông nghiệp đều đạt và vượt so với kế hoạch. Tốc độ tăng tổng sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng 2,49%. Trong năm, công nhận 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100% kế hoạch, nâng tổng số xã nông thôn mới nâng cao tại thành phố lên 22/36 xã và có 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 89,5%, vượt 0,5% so với kế hoạch. Thành phố đã mở rộng diện tích liên kết theo chuỗi giá trị nông sản tăng thêm 3.000ha đối với lúa và tăng 205ha đối với cây ăn trái, vượt so với kế hoạch. Có trên 17.800 hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký giới thiệu nông sản trên sàn thương mại điện tử, vượt 5,9 lần so với kế hoạch. Công nhận 51 sản phẩm OCOP (kế hoạch 20-25 sản phẩm), nâng tổng số sản phẩm OCOP của thành phố lên 92 sản phẩm, gồm 58 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao. Tổng diện tích gieo trồng và sản lượng lúa, cây trồng hằng năm, cây ăn trái và nuôi thủy sản, cũng như tổng đàn gia súc gia cầm đều thực hiện đạt vượt từ 1-20% so với kế hoạch. Tổng diện tích sản xuất 3 vụ lúa đạt 216.385ha, vượt 5% kế hoạch, với sản lượng hơn 1,36 triệu tấn, vượt 10% so với kế hoạch. Diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 17.346ha, vượt 11% kế hoạch, sản lượng thu hoạch hơn 205.000 tấn, vượt 20% kế hoạch. Tổng diện tích cây ăn trái đạt 24.589ha, vượt 1% kế hoạch, với sản lượng 194.507 tấn, vượt 17% kế hoạch. Tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 9.111ha, vượt 7% kế hoạch, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt 235.737 tấn, vượt 7% kế hoạch…

Phát huy kết quả đạt được, năm 2023 ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đề ra mục tiêu tăng trưởng (GRDP) khu vực nông lâm, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,2-2,5%. Trong năm công nhận 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 91%. Diện tích sản xuất lúa cả năm đạt 204.430ha, với sản lượng trên 1,22 triệu tấn, sản xuất cây hằng năm đạt 14.375ha, với sản lượng 153.000 tấn. Diện tích nuôi thủy sản đạt 8.300ha, với sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 214.000 tấn… Ngành Nông nghiệp thành phố xác định tiếp tục bám chặt các định hướng, quy hoạch phát triển ngành và các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Trung ương và thành phố giao để tập trung thực hiện tốt. Nỗ lực hướng đến phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, tuần hoàn giảm phát thải, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.

Tháo gỡ các khó khăn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành NN&PTNT thành phố. Tại hội nghị này, nhiều đại biểu cho rằng, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt đã và đang tiếp tục tạo nhiều thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp khó do biến đổi khí khậu, thời tiết cực đoan và diễn biến phức tạp của nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, đặc biệt là giá nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng cao, đầu ra nhiều loại nông sản chưa ổn định. Ðể đạt được mức tăng trưởng cao trong nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông dân tháo gỡ kịp thời các khó khăn, nhất là cần kéo giảm giá vật tư nông nghiệp. Ðồng thời, tăng cường công tác thông tin về thời tiết và thị trường để nông dân chủ động trong sản xuất, tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo hướng sạch, ứng dụng công nghệ cao và gắn kết với doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ðẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, tạo điều kiện để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Út Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Ðiền, cho biết: "Năm 2023, huyện tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng cho cây ăn trái và chuẩn hóa sản xuất các loại cây trồng vật nuôi đạt theo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường để thuận lợi trong kết nối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Thời gian qua, huyện được sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều từ Sở NN&PTNT thành phố trong xây dựng mã số vùng trồng cho vườn cây ăn trái và hỗ trợ kết nối nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu".

Theo ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, năm qua, sản xuất nông nghiệp tại quận phát triển khá tốt, các mô hình sản xuất hiệu quả và mô hình nông nghiệp chất lượng cao được nhân rộng phát triển gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phù hợp… Tuy nhiên, hiện việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản của nông dân vẫn còn gặp khó và giá vật tư cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân. Ðể tháo gỡ các khó khăn này, ngoài sự nỗ lực của địa phương, rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng của thành phố và Trung ương.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu Sở NN&PTNT thành phố cùng các cơ quan chuyên môn thuộc Sở và địa phương cần nhìn nhận, đánh giá kỹ từng khó khăn, hạn chế do khách quan và chủ quan để đề ra giải pháp phù hợp và kịp thời. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp và thu nhập của nông dân.

Chia sẻ bài viết