26/01/2021 - 09:26

Nỗi lo “virus bất bình đẳng” 

Ngày 25-1, tổ chức chống nghèo đói Oxfam cho biết 9 tháng là thời gian tốp 1.000 tỉ phú giàu nhất thế giới lấy lại tài sản đã mất vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nghèo nhất sẽ phải mất hơn một thập kỷ.

Người vô gia cư dựng lều trước một cửa hàng ở Anh. Ảnh: AFP

Trong báo cáo với tựa đề “Virus bất bình đẳng”, Oxfam cảnh báo đại dịch sẽ làm tăng bất bình đẳng tại gần như tất cả các quốc gia cùng một lúc. Ðây là lần đầu tiên việc này xảy ra. “Chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng bất bình đẳng lớn nhất kể từ khi số liệu được ghi nhận. Khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo cũng đáng sợ như virus gây bệnh”, Gabriela Bucher - Giám đốc điều hành Oxfam - chia sẻ. Các nền kinh tế được cho là “đang chuyển tài sản” cho nhóm giàu có - những người còn thịnh vượng hơn sau đại dịch, trong khi những người ở tiền tuyến - nhân viên cửa hàng, nhân viên y tế và người bán hàng rong lại chật vật chi trả nhu yếu phẩm.

Khác biệt lớn

Người giàu chống chịu với đại dịch tốt hơn. Thị trường chứng khoán lao dốc đầu năm ngoái nhưng đã nhanh chóng bật lại, nhờ sự hỗ trợ chưa từng có tiền lệ của các chính phủ. Trên thế giới, tài sản của các tỉ phú đã tăng thêm 3.900 tỉ USD giai đoạn từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 12 năm ngoái. Trong tháng rồi, tổng giá trị tài sản của các tỉ phú đạt 11.950 tỉ USD, tương đương với số tiền chính phủ các nước G20 đã chi để khắc phục hậu quả của COVID-19.

Trong khi đó, Oxfam trích báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết số người sống trong nghèo khổ toàn cầu có thể cũng đã tăng thêm 500 triệu hồi năm ngoái. Và nếu không ngăn bất bình đẳng gia tăng, đến năm 2030 sẽ có thêm nửa tỉ người sống với mức thu nhập chưa tới 5,5 USD/ngày. Các tài liệu khác phát hiện đại dịch “gây nhiều tổn thương” cho các đối tượng nghèo. Nghiên cứu hồi tháng 10-2020 của Ngân hàng Thế giới nhận thấy COVID-19 có thể đẩy 60 triệu người vào cảnh cực nghèo.

Ðại dịch còn đào sâu tình trạng bất bình đẳng chủng tộc và giới. Báo cáo ghi nhận những ảnh hưởng về mặt kinh tế do đại dịch đang đẩy nhiều phụ nữ tới tình trạng thất nghiệp. Phụ nữ chiếm 70% lực lượng lao động trong lĩnh vực chăm sóc xã hội và y tế toàn cầu - những công việc thiết yếu nhưng thường bị trả lương thấp, đồng thời khiến họ có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn. Bên cạnh đó, Oxfam cũng chỉ ra rằng tác động của dịch bệnh không đồng đều, khi các nhóm dân tộc thiểu số tại một số nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn. Ðược biết, tỷ lệ tử vong do SARS-CoV-2 ở những nơi nghèo nhất nước Anh cao gấp đôi so với những khu vực giàu có nhất.

Giải pháp từ chính sách thuế

Theo Oxfam, COVID-19 đã phơi bày thực trạng bất bình đẳng kinh tế và tạo nền tảng cho các chính sách chuyển đổi. Tổ chức này cho rằng kinh tế công bằng hơn chính là chìa khóa để kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, do đó kêu gọi đánh thuế cao hơn đối với tài sản và các tập đoàn, cùng với đó là các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với người lao động.

Giám đốc điều hành Bucher khẳng định cuộc chiến chống bất bình đẳng phải là trọng tâm của các nỗ lực giải cứu và hồi phục kinh tế, trong đó có dịch vụ công được đầu tư bằng nguồn tiền lấy từ thuế đánh vào các cá nhân và tập đoàn giàu có nhất, buộc họ phải chia sẻ lợi nhuận một cách công bằng.

Báo cáo của Oxfam được công bố trước thềm “Ðối thoại Davos” trực tuyến do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức trong tuần này. Hiện thế giới đã ghi nhận gần 100 triệu ca nhiễm COVID-19 với hơn 2,1 triệu người tử vong.

Qua khảo sát 295 nhà kinh tế học đến từ 79 quốc gia, Oxfam nhận thấy 87% người được hỏi dự đoán bất bình đẳng thu nhập ở đất nước của họ sẽ “tăng” hoặc “tăng mạnh” do đại dịch.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết