05/08/2011 - 09:06

Khủng hoảng nợ công ở châu Âu:

Nỗi lo từ "những cơn sốt mới"

Thủ tướng Ý Berlusconi (trái) và Bộ trưởng Tài chính Giulio Tremonti tại quốc hội hôm 3-8.
Ảnh: Getty

Như tin đã đưa, các thị trường tài chính Ý và Tây Ban Nha đang lâm vào “cơn sốt mới” khi lãi suất vay mượn của chính phủ tăng cao kỷ lục kể từ khi lưu hành đồng euro, làm gia tăng quan ngại rằng 2 nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư trong Khu vực đồng euro có thể rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), tổ chức chuyên cung cấp dự báo và phân tích kinh tế độc lập cho các tổ chức cá nhân, chính phủ và khu vực thứ ba, hôm 3-8 đã nhận định Ý có thể vỡ nợ công. CEBR cho biết đã phân tích 2 kịch bản theo hướng sáng sủa và ảm đạm đối với các nền kinh tế của Ý và thấy rằng Ý khó có thể chống đỡ được với khối nợ công hiện nay cho dù lãi suất vay mượn giảm, trừ phi kinh tế quốc gia bên bờ Địa Trung Hải này tăng trưởng đột biến.

Nợ công của Mỹ vượt GDP

Bộ Tài chính Mỹ hôm 3-8 cho biết ngay trước khi đạt được thỏa thuận nâng mức trần nợ công, nợ công của nước này đã đạt 14,58 nghìn tỉ USD, vượt tổng sản phẩm quốc nội (đến cuối năm ngoái, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới là 14,53 nghìn tỉ USD). Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), điều này khiến Mỹ được xếp vào nhóm các nước có nợ công cao hơn GDP, cùng với Nhật (229%), Hy Lạp (152%), Jamaica (137%), Liban (134%), Ý (120%), Ireland (114%) và Iceland (103%).

THUẬN HẢI (Theo AFP)

Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước quốc hội hôm 3-8, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi nói: “Kinh tế Ý vẫn khỏe mạnh. Đất nước này vẫn vững chắc về kinh tế và tài chính”. Các nhà phân tích cho rằng đây là bài phát biểu đáng thất vọng của Berlusconi. Các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư đã kêu gọi chính quyền Rome nỗ lực hơn nữa để khôi phục tăng trưởng, vốn đã bị suy giảm do luật lao động siết chặt, thuế cao và nạn quan liêu. Thế nhưng, ông Berlusconi đã bác bỏ kêu gọi mau chóng cải tổ kinh tế Ý. Thay vào đó, ông chủ đội bóng đá AC Milan đổ lỗi do náo loạn thị trường toàn cầu khiến kinh tế Ý hiện nay gặp nhiều vấn đề. Thủ tướng Ý cho rằng sự gia tăng chi phí vay nợ là vì căng thẳng thị trường liên quan tới các cuộc đàm phán trần nợ công ở Washington và các thị trường đã không đánh giá đúng mức tiết kiệm cao của các gia đình Ý, cũng như sức mạnh của các ngân hàng nước này.

Tuyên bố của ông Berlusconi làm gia tăng lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới đang rơi vào cảnh mất khả năng trả nợ. Hai tuần trước, sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp, các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại cho Ý, nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Với khoản nợ 1.600 tỉ euro, tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ý là 120%, đứng thứ hai ở châu Âu, sau Hy Lạp, trong khi tăng trưởng chậm hơn trong thập niên qua. Cuối phiên giao dịch hôm 3-8, lãi trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý tăng lên tới 6,07%. Điều đó khiến cho Rome phải vay tiền với lãi suất cao hơn, vì các nhà đầu tư yêu cầu lãi cao hơn trái phiếu chuẩn của Đức tới 3,66%.

Các khoản vay nợ của Tây Ban Nha, lâu nay bị xem là nền kinh tế bị dễ tổn thương nhất Eurozone, cũng tiếp tục tăng với lãi trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã lên tới 6,23%.

Nhật Bản và Thụy Sĩ bắt đầu hành động nhằm kiềm chế đồng nội tệ của họ tăng giá, do vài tháng qua các nhà đầu tư tìm đến những đồng tiền này để tránh sự bất ổn của thị trường tài chính. Sáng 4-8, Tokyo can thiệp vào thị trường, với hy vọng duy trì mức tăng trưởng kinh tế khiêm tốn của nước này, vốn đang bị đe dọa do đồng yen tăng giá so với đồng USD làm suy giảm xuất khẩu. Ngày 3-8, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ hạ lãi suất xuống gần như bằng 0 và cam kết “bơm” thêm nhiều tỉ Franc vào thị trường, khi đồng tiền này bị “đẩy giá quá cao”.

 
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, tuyên bố giá trị trái phiếu ngày càng suy giảm của Ý và Tây Ban Nha là “nguyên nhân rất đáng lo ngại”, đồng thời giục các nước thể hiện quyết tâm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Thế nhưng, các phương pháp giải cứu của châu Âu đang bị hoài nghi. Vài tháng qua, các nhà lãnh đạo Eurozone vạch ra kế hoạch mở rộng Quỹ ổn định tài chính châu Âu lên 440 tỉ euro từ mức 250 tỉ euro hiện nay, nhằm tăng năng lực cho vay của quỹ. Nhưng với 440 tỉ euro, quỹ cũng không đủ giúp cho cả Ý và Tây Ban Nha, vốn cần tổng cộng tới hơn 700 tỉ euro. Đáng lo ngại hơn là quỹ này sẽ không thể đưa ra bất kỳ gói cứu trợ nào trong ít nhất 2 tháng tới. Các nước thành viên đang làm việc tích cực, nhưng dự kiến không thể hoàn tất cơ chế của quỹ trước cuối tháng này. Sau đó, quỹ còn phải được nghị viện của 17 nước thành viên Eurozone thông qua.

Mọi việc còn tệ hơn khi nhiều dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế mạnh của châu Âu như Đức, Pháp và Hà Lan, có thể bị kéo vào vòng xoáy suy yếu. Sau khi tăng trưởng với tỷ lệ hàng năm hơn 3% trong quý 1, khu vực Eurozone trong quý 2 ước tính tăng chưa tới 1,5%. Các báo cáo cho thấy lĩnh vực sản xuất hàng chế tạo ở Eurozone bắt đầu giảm mạnh từ quý 3. Ngay cả chỉ số tiêu dùng ở Đức hồi tháng rồi cũng giảm tới mức thấp nhất trong 2 năm qua.

THIÊN QUỐC (Theo WSJ, Reuters)

Thủ tướng Ý Berlusconi (trái) và Bộ trưởng Tài chính Giulio Tremonti tại quốc hội hôm 3-8. Ảnh: Getty

Chia sẻ bài viết