18/01/2012 - 14:24

Nỗi lo thực phẩm ngày Tết!

Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP thành phố kiểm tra tại Công ty TNHH Trí Thành.

Trong những ngày Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm gia tăng, nguy cơ thực phẩm không an toàn, gây ngộ độc cũng tăng cao, thành phố đã tổ chức nhiều đoàn liên ngành từ thành phố đến cơ sở kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đảm bảo thực phẩm an toàn cho người dân trong dịp Tết. Qua kiểm tra, thực tế số cơ sở vi phạm không hề giảm so với các năm trước...

Kiểm tra là có vi phạm

Ngày 9-1-2012, tại Công ty TNHH Trí Thành, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, Đoàn kiểm tra Liên ngành VSATTP thành phố phát hiện rất nhiều vi phạm trong lĩnh vực VSATTP như: 35 người chưa tập huấn kiến thức VSATTP, 37 người có giấy tập huấn kiến thức VSATTP hết hạn, cơ sở có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, bao bì xúc xích heo không in khối lượng tịnh, sản phẩm cá vò viên ghi lùi ngày sản xuất đến 12-1-2012, 3 tấn thịt bò chưa có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đại diện của Chi cục Thú y đã niêm phong thịt bò, lấy mẫu kiểm nghiệm vi sinh. Ngày 16-1, theo đoàn kiểm tra, kết quả kiểm tra vi sinh mẫu thịt bò lấy tại cơ sở này cũng không đạt. Theo ông Trần Hữu Bình, Chánh thanh tra Sở Y tế, đoàn kiểm tra quyết định xử phạt cơ sở này 7,8 triệu đồng.

Tại quán Sáu Đời 6, đường Cách Mạng Tháng 8, quận Ninh Kiều, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số thùng đựng thực phẩm đã chế biến không có nắp đậy trong khi quán có nhiều ruồi, thùng rác cũng còn một số không có nắp đậy, có lọ và tủ lưu mẫu nhưng chưa tiến hành lưu mẫu, không có sổ lưu mẫu thực phẩm... Ngoài ra, trong đợt kiểm tra này, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố cũng phát hiện nhiều vi phạm ở các kho hàng. Chẳng hạn như ở kho hàng của Doanh nghiệp tư nhân Châu Thủy, đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài), quận Ninh Kiều vi phạm: Nhiệt độ trong kho hàng chưa đảm bảo, nhiều bụi, hàng hóa sắp xếp lung tung, khu vực trữ hàng chưa tách bạch giữa hàng hết hạn dùng, hàng hư, với hàng còn hạn dùng.

Trên đây là 3 trong rất nhiều các cơ sở vi phạm VSATTP trong đợt kiểm tra VSATTP Tết Nguyên đán. Qua đợt kiểm tra này, hơn 20 lượt cơ sở do đoàn thành phố kiểm tra chỉ có 2 cơ sở không vi phạm là Cơ sở sản xuất bánh Liên Hưng, quận Ô Môn và cơ sở kinh doanh mực khô ở đường Cách Mạng Tháng 8.

Kiên quyết xử lý

Bắt đầu từ cuối tháng 12 và đầu tháng 1-2012, Đoàn kiểm tra liên ngành các cấp đồng loạt ra quân. Qua các cơ sở đã kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế cũng nhận định các cơ sở có đầu tư trang thiết bị, pháp lý tương đối đầy đủ... Tuy nhiên, qua kiểm tra 72 cơ sở, đã có gần một nửa vi phạm về vệ sinh, sắp xếp hàng hóa lộn xộn, không thực hiện nguyên tắc 1 chiều và một số tồn tại như: còn ruồi, có tủ lưu mẫu nhưng không thực hiện lưu mẫu, công nhân trực tiếp sản xuất không tập huấn, kiểm tra sức khỏe, nhãn hàng hóa trên các đơn vị đóng gói nhỏ nhất không có thông tin, nguyên liệu nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt...

Theo Dược sĩ Trần Hữu Bình, Chánh thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ: Sau ngày kiểm tra tại cơ sở, đoàn kiểm tra cho thời hạn 3 ngày để cơ sở bổ sung về nhãn hàng hóa, hóa đơn... nếu không cung cấp được sẽ xử lý. Ngoài ra, đoàn sẽ đi hậu kiểm các cơ sở đã vi phạm, nếu cơ sở không khắc phục sẽ đề nghị xử phạt với tình tiết tăng nặng, thậm chí rút giấy phép. Trong thời gian tới, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP của thành phố tập trung kiểm tra các kho hàng, chợ trung tâm, chợ đầu mối và các siêu thị.

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, các đoàn kiểm tra đều ra quân kiểm tra các cơ sở. Phần lớn các vi phạm là cố tình, vì trước khi ngành chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đều có tập huấn cho chủ cơ sở và nhân viên nên chủ cơ sở không thể không biết. Mặc dù có rất nhiều đoàn kiểm tra nhưng phần lớn chỉ có đoàn kiểm tra thành phố và một số quận, huyện là tích cực kiểm tra và xử phạt cơ sở vi phạm. Còn tuyến xã, phường, thị trấn hầu như kiểm tra chỉ ở mức nhắc nhở. Qua kiểm tra, các lỗi vi phạm thường xuyên lặp lại, chứng tỏ nhiều cơ sở vẫn chưa chú trọng VSATTP và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn rất cao. Theo nhận định của một cán bộ phụ trách công tác VSATTP, phụ gia thực phẩm sử dụng trong sản xuất, chế biến còn phổ biến, tùy tiện. Qua giám sát thực phẩm ngành chức năng vẫn phát hiện có cơ sở sử dụng hàn the trong chả cá. Hiện nay, có nhiều chất thay thế, giá không cao hơn hàn the và được phép sử dụng nhưng người dân vẫn còn sử dụng theo tập quán. Trên rau củ, dư lượng thuốc trừ sâu luôn ám ảnh tâm trí nhiều bà nội trợ vì nông dân thiếu kiến thức, chạy theo lợi nhuận, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, trừ sâu... tràn lan.

Khác với mọi năm, tháng hành động vì chất lượng VSATTP thường diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5. Năm nay, tháng hành động diễn ra sớm hơn từ ngày 10-1 đến 10-2 vào đúng dịp Tết Nguyên đán với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết dân tộc và các Lễ hội”. Trong phát biểu nhân tháng hành động, bên cạnh những thành tựu, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Kim Tiến nhìn nhận: Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, đó là: Vấn đề dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất bảo quản trong nông sản thực phẩm như rau, quả, thịt gia súc gia cầm, hải sản vẫn chưa kiểm soát được.Vấn đề chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế do quy mô sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta với gần 90% là chế biến thủ công, gia đình, cá thể. Vì vậy, điều kiện VSATTP của các cơ sở chế biến thực phẩm loại này hầu như không đạt yêu cầu. Thực phẩm buôn bán trên thị trường vẫn chưa kiểm soát hiệu quả. Các loại thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông trên thị trường. Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật và thuốc thú y nhập lậu qua biên giới diễn biến rất phức tạp. Ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng còn chưa cao... Hậu quả là người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm còn cao. Đặc biệt, ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học... gây tổn thất lớn về kinh tế cho việc khắc phục hậu quả và điều trị của người bệnh, ảnh hưởng không tốt đến uy tín hàng hóa, thực phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Để chủ động bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ông Đàm Hồng Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố, khuyến cáo: Khi mua thực phẩm, dùng các giác quan (nhìn, sờ, ngửi, nếm) để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Với thực phẩm có đóng gói nên lưu ý xem kỹ hạn dùng, ngày sản xuất, tên cơ sở, địa chỉ, thành phần.... Ngày Tết, nên ăn thực phẩm nhiều xơ, ít tinh bột, mỡ, đạm, không nên ăn nhiều thực phẩm đã chế biến sẵn. Tốt nhất, gia đình nên tự làm một số loại thực phẩm cổ truyền như: bánh tét, dưa kiệu, mứt... Tóm lại, người tiêu dùng nên chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, chú ý rau và trái cây tươi, hạn chế mứt, bánh kẹo, nước ngọt... Thực phẩm chưa qua chế biến nên mua vừa đủ dùng, ngâm rửa sạch, bảo quản tốt, hâm kỹ thức ăn cũ trước khi dùng....

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết