27/09/2020 - 07:40

Nỗi khổ của người Nhật lai 

Nước Nhật có một số ngôi sao giải trí và thể thao mang 2 dòng máu được ca ngợi, nhưng vẫn có nhiều công dân lai cảm thấy mình giống như người nước ngoài trên quê hương của chính họ. 

Người mẫu Rina Fukushi trên trang bìa tạp chí Vogue. Ảnh: Prtimes

Người mẫu Rina Fukushi trên trang bìa tạp chí Vogue. Ảnh: Prtimes

Anna, người phụ nữ mang 2 dòng máu Nhật và Mỹ, khi bắt taxi đến dự một bữa tiệc ở thủ đô Tokyo hồi năm ngoái thì bị tài xế taxi hỏi: “Xin lỗi, chị có phải là hafu không?”.

Trong tiếng Nhật, “hafu” dùng để chỉ những người mang một nửa dòng máu Nhật Bản. Ngày nay, nó được sử dụng phổ biến hơn đối với những người đa sắc tộc nói chung ở xứ hoa anh đào. “Tôi không biết mình đã mất bao nhiêu thời gian để kể câu chuyện cuộc đời mình cho những người lạ hay tò mò. Có lúc tôi chợt nghĩ tại sao tôi phải nói chuyện riêng của mình với một người mà tôi sẽ không bao giờ gặp lại” - Anna ngậm ngùi.

Năm ngoái, Anna tạo ra những “tấm thẻ giới thiệu bản thân” nho nhỏ để gửi cho những người Nhật tò mò về cô, gồm nhiều thông tin, từ quốc tịch cha mẹ cho đến lông mi cô là thật hay giả. Đến nay, Anna đã trao khoảng 15 tấm thẻ như vậy. Trong số những người nhận, có 1 người đàn ông trạc 60 tuổi tức giận ném tấm thẻ về phía Anna khi cô đưa nó cho ông, bởi ông này cho rằng Anna là người nước ngoài.

Tháng 6 vừa qua, Anna đăng tải hình ảnh tấm thẻ lên trang cá nhân Twitter trong bối cảnh nhiều người dùng mạng xã hội Nhật lên tiếng ủng hộ phong trào “Black Lives Matter” (Mạng sống của người da đen cũng đáng giá”) tại Mỹ và một nước khác trên thế giới. Bức ảnh nhanh chóng nhận được hơn 124.000 lượt thích và 33.400 lượt chia sẻ. Sau đó, Anna nhận được tin nhắn của những đứa trẻ Nhật lai, hỏi cô cách đối phó với những kẻ hay bắt nạt ở trường.

Nhật Bản được xem là quốc gia “đồng nhất về sắc tộc”. Theo cuộc điều tra dân số năm 2018, 98% dân số nước này được coi là người Nhật. Do đó, những người trông khác biệt sẽ thu hút nhiều sự chú ý. Trong một số trường hợp, đây không phải là điều xấu. Nhiều nghệ sĩ và ngôi sao thể thao lai đang cực kỳ nổi tiếng ở Nhật Bản, chẳng hạn như người mẫu Rina Fukushi của tạp chí thời trang Vogue hay ngôi sao quần vợt Naomi Osaka.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, việc mang 2 dòng máu mang lại cho họ nhiều phiền toái, thậm chí còn bị phân biệt chủng tộc. Đơn cử như trường hợp của David Yano - người đàn ông mang 2 dòng máu Nhật và Ghana. Yano chia sẻ, anh thường bị bắt nạt ở trường vì trông khác với mọi người, thậm chí còn bị cảnh sát chặn lại và bị phân biệt đối xử khi đi thuê nhà. Nhiều chủ nhà từ chối cho anh thuê chỉ vì…màu da của anh.

Cuộc khảo sát của chính phủ hồi năm 2017 phát hiện, 39% trong số 2.044 người tham gia khảo sát bị từ chối thuê nhà vì họ là người nước ngoài. Hiện Yano là nhà sáng lập Enijie, tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy giáo dục và quan hệ Ghana - Nhật và là một trong số nhiều người nỗ lực xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc ở xứ Mặt trời mọc. Năm 2018, Yano cùng Lawrence Yoshitaka Shimoji, nhà xã hội học tại Đại học Ritsumeikan, lập ra trang web “HafuTalk”, nơi các bậc phụ huynh, những người Nhật lai và giáo viên có thể thảo luận các vấn đề về sắc tộc.

Trong giai đoạn 1639-1853, Nhật Bản đóng cửa biên giới trước ảnh hưởng của ngoại quốc, chỉ cho phép các thương nhân Trung Quốc và Hà Lan đến làm việc ở thành phố cảng Yokohama và Nagasaki. Khi mở cửa và hiện đại hóa trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912), Nhật Bản bắt đầu đề cao chủ nghĩa dân tộc, thúc đẩy sự đồng nhất về sắc tộc. Trong những năm 1930, thuật ngữ mang tính xúc phạm “konketsuji (con lai)” được ra đời, mô tả đứa con của những người mang quốc tịch Nhật Bản kết hôn với người mang quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc mà Tokyo chiếm làm thuộc địa. Chúng phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử vì chính phủ coi những người đến từ thuộc địa của Nhật Bản là thấp kém hơn so với người Nhật. Sau thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, thuật ngữ “konketsuji” được áp dụng cho con cái của quân nhân Mỹ và phụ nữ Nhật mà giới chính trị gia xem như là một vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, khi Nhật Bản tiếp thu ảnh hưởng của phương Tây sau chiến tranh, nhận thức của người dân nước này đã thay đổi. Thuật ngữ “konketsuji” đã nhường chỗ cho “hafu”, vốn không có ý nghĩa tiêu cực như “konketsuji”.

TRÍ VĂN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết