09/11/2019 - 08:33

Nói cho vừa lòng nhau… 

Càm ràm, hay phán xét, so sánh, nhắc lại chuyện cũ... là những điều thường thấy ở nhiều chị em phụ nữ. Có thể do dồn nén, bức xúc mà nói cho hả giận, chứ thật lòng không muốn làm tổn thương bạn đời. Nhưng do truyền đạt chưa khéo, không hợp hoàn cảnh và người nghe thiếu thiện chí nên kém hiệu quả trong giao tiếp. Việc này chưa giải quyết xong đã kéo theo chuyện khác khiến vợ chồng hờn giận, không vui.

Anh Cường Vinh (35 tuổi, kỹ sư máy tính ở quận Ninh Kiều) có gia đình theo mọi người là “hoàn hảo” bởi không chỉ kinh tế ổn định mà vợ anh rất xinh đẹp, con gái học lớp 6 ngoan, giỏi. Tuy nhiên, điều  làm anh đau đầu là vợ quá nguyên tắc, nói nhiều và chỉ muốn mọi người theo ý mình. Anh Vinh kể: “Lúc trước tôi hay nấu ăn, rửa chén nhưng vật dụng trong gia đình để sai vị trí là bị vợ cằn nhằn, bảo thiếu ý thức, nhìn nhiều lần không chịu để ý, làm người khác phải dọn lại. Bực mình nên tôi không phụ nữa. Vợ quy định về nhà trước 11 giờ đêm. Những hôm tiếp khách về trễ vợ chốt cửa trong, không mở, tôi phải thuê khách sạn ngủ. Thế là cô ấy suy diễn đủ thứ, nói chồng chỉ biết ăn chơi, không màng vợ con. Mỗi lần góp ý là cự cãi nên tôi cũng ngại giao tiếp với vợ, sống trong tâm trạng này rất mệt mỏi”.

Anh H.P. 42 tuổi, kinh doanh hàng nội thất ở quận Cái Răng, tính nóng như lửa, lại gặp vợ hay chỉ trích, phê bình nên nhà thường lục đục. Do áp lực việc cơ quan, đưa rước, chăm sóc con nên thấy chồng đi nhậu hoài, không phụ dọn dẹp nhà cửa, chị cho rằng chồng ích kỷ, lười biếng, rồi so sánh với hàng xóm, bạn bè theo kiểu “nhìn chồng người ta mắc ham, mình thì vô phước”. Cách nói của vợ như “đổ dầu vào lửa” và chỉ nói khi chồng say rượu nên nên anh P. nhiều lần không kiềm chế được, nếu không la hét hoặc tát vợ thì sẽ đập đồ. Biết rõ hậu quả nhưng vợ anh vẫn bổn cũ lặp lại.

Đỉnh điểm một lần anh P. quá say về bị vợ chửi, anh đánh chị đến chảy máu đầu. Qua ngày hôm sau, trong bữa cơm trưa, cậu con trai học lớp 10 tuyên bố: “Cha mẹ như vậy nữa, con qua nội ở. Con mắc cỡ lắm rồi, nhà người ta có gây gổ vậy đâu”. Anh P. tâm sự: “Sau chuyện này tôi vừa quê vừa thấy có lỗi với con nên bớt nhậu và tự hứa không hành xử vậy nữa. Má tôi cũng nhỏ to khuyên dâu thay đổi cách nói chuyện, có gì đợi chồng hết say góp ý nhẹ nhàng. Thấy vợ sửa đổi nên tôi thay đổi theo”.

Có dịp gặp bạn bè, anh T.C., 37 tuổi, đang công tác ở ở huyện Cờ Đỏ tâm sự không biết làm sao thay đổi cái tật hay nhắc chuyện xưa của vợ. Trước đây, anh có quan hệ ngoài luồng, vợ biết nổi giận, họp mặt người lớn nói chuyện. Sau sự cố, anh C. hứa chấm dứt với cô kia, dành thời gian chăm sóc gia đình, chuộc lỗi. Vợ anh miệng nói bỏ qua nhưng lòng thì không. Nhiều bữa cơm chị bóng gió xa xôi khiến anh nuốt không vô. Chị còn dặn con trai sau này lấy vợ đừng sai lầm giống cha, coi phim có cảnh vợ bé là vợ cười cợt “nhà mình cũng vậy”… Chịu không nổi, anh C. nhận làm thêm ban đêm, tiền đưa về cho vợ nhiều hơn nhưng tình cảm dần lợt lạt. Nhân dịp cơ quan luân chuyển công tác, anh đã chọn đi xa, một phần vì xung phong làm gương, phần muốn thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt, mỗi tuần về thăm nhà một lần. Dẫu buồn nhưng tâm trí anh lại thoải mái…

Vợ chồng hãy vun đắp tình cảm bằng sự góp ý chân thành. Những bữa cơm ấm cúng hằng ngày trong gia đình cũng là dịp để mọi người tâm tình, hiểu nhau hơn.

Chị Trúc Ly, 38 tuổi, làm trong ngành truyền thông ở quận Ninh Kiều, có cách góp ý chồng rất độc chiêu là sử dụng một số câu trong bài hát hợp ngữ cảnh để gởi tin nhắn. Chồng chị đọc, hiểu lòng vợ và tự sửa đổi. Như mấy lần chị nghe phong phanh chồng có sự chăm sóc đặc biệt với một cô thực tập trẻ đẹp trong công ty, thường đưa nhau đi ăn trưa, uống cà phê… chị không tra hỏi mà  nhẹ nhàng gởi chồng vài câu “Người đi vui với một người. Biết chăng một người đang cười mà đau” (trích bài hát “Chuyện ba người”). Chồng đi làm về chị hỏi hôm nay ăn uống vui không, vợ ở nhà nấu nhiều món ngon mà không thấy chồng về ăn, tiếc quá. Vài lần như thế anh chột dạ và tự cắt “cơn say nắng”. Chồng chị Ly còn có tật hay quên, đồ đạc lại vứt lung tung, nhất là chìa khóa, giấy mời, tài liệu. Nói không xong, chị mua chiếc tủ nhỏ ghi chú thích từng ngăn bên ngoài và yêu cầu chồng để mọi thứ đúng vị trí, khỏi mất công tìm. Chị Ly chia sẻ: “Con người không ai hoàn hảo nên đôi lúc phải biết chấp nhận. Muốn góp ý cần lựa lời nhẹ nhàng, nói sao cho đối tác chịu nghe, vì đâu ai thích bị chỉ trích, phê bình. Vợ chồng cần tôn trọng nhau để duy trì tình cảm nên nói năng phải có ý tứ, tránh làm tổn thương nhau vì những điều nhỏ nhặt”.       

Vợ chồng hai tính cách khác nhau, sống chung sao tránh khỏi bất hòa, xích mích. Vì vậy, hãy “điều chỉnh” nhau một cách tế nhị như nói đúng nơi, đúng thời điểm và lựa lời nói cho vừa lòng nhau, như ông bà xưa có câu “nói ngọt thì lọt đến xương”. Có những cặp vợ chồng, sau khi góp ý, cảm thấy thương nhau hơn. Nhưng ngược lại có những cặp đôi sau màn khẩu chiến, mâu thuẫn trở nên trầm trọng. Bởi thế, vợ chồng hãy nghĩ đến cái chung là hạnh phúc gia đình, đừng thách đố mà cần nhường nhịn, hỗ trợ nhau để hoàn thiện bản thân hơn, làm gương cho con cái. Đừng để trong lúc thiếu bình tĩnh, mất kiểm soát phát ngôn những điều không hay, khiến mái ấm thành mái lạnh.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết