26/06/2009 - 20:33

Doanh nghiệp vận tải

Nỗ lực nâng chất lượng dịch vụ và giữ giá cước

Hành khách mua vé tại phòng vé của Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Ô tô Phương Trang chi nhánh Cần Thơ.
Ảnh: ANH KHOA

Giá xăng và dầu Diesel đã tăng 1.000 đồng/lít kể từ ngày 10-6, làm tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp (DN) vận tải. Nhưng đến nay, nhiều DN vận tải ở TP Cần Thơ vẫn giữ giá cước ổn định, nhằm cạnh tranh cũng như kích cầu...

GIỮ GIÁ ĐỂ GIỮ KHÁCH...

Theo nhiều hợp tác xã (HTX) vận tải ở TP Cần Thơ, những năm gần đây, nhiều cá nhân đã mua xe, nhất là xe tải để vận chuyển hàng hóa thuê, do qui định “các phương tiện vận tải muốn hoạt động phải đăng ký vào HTX và HTX đứng tên sở hữu phương tiện” không còn thực thi. DN kinh doanh vận tải mới được thành lập ngày càng nhiều, dẫn đến sự cạnh tranh vận chuyển hàng hóa, hành khách ngày càng quyết liệt giữa các cá nhân, đơn vị, DN và HTX. Do vậy, để tồn tại và phát triển, nhiều đơn vị vận tải đã đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và tìm cách ổn định giá cước vận tải.

HTX Vận tải đường bộ TP Cần Thơ hiện có 410 xe các loại, trong đó có 110 xe tải, còn lại là xe khách và xe buýt. Ông Đoàn Công Hiếu, Chủ nhiệm HTX Vận tải đường bộ TP Cần Thơ, cho biết: “Hoạt động vận tải đang cạnh tranh quyết liệt, hầu hết các đơn vị đang cố gắng giữ ổn định giá cước để không bị mất khách. Từ đầu năm 2009 đến nay, HTX giữ nguyên giá cước vận tải chứ chưa điều chỉnh tăng dù giá xăng dầu có biến động”. Theo ông Hiếu, giá xăng dầu tăng nhưng bù lại các chủ xe và đơn vị vận tải được giảm thuế giá trị gia tăng và được giãn thời gian nộp thuế thu nhập cá nhân.

Từ giữa năm 2008 đến nay, xã viên HTX Vận tải thủy bộ Phi Long (đường Tầm Vu, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều), thống nhất không điều chỉnh giá cước xe khách, tàu khách và giá cước vận tải hàng hóa. Theo ông Lâm Văn Phát, Chủ nhiệm HTX Vận tải thủy bộ Phi Long, hiện tại nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ không tăng so với năm 2008, nhưng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường thủy tăng khoảng 10%, do giá cước thấp hơn. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của loại hình này, phương tiện thủy của HTX hiện đã tăng khoảng 10% so với trước. Hiện tại, HTX có 110 phương tiện vận tải thủy (như: tàu khách, tàu du lịch, ghe tải, xà lan, đầu kéo) và 30 phương tiện vận tải đường bộ.

Nhiều cá nhân cũng nắm bắt cơ hội kinh doanh trong ngành vận tải. Anh Đào Thanh Minh, ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, đã bỏ ra 160 triệu đồng để “tậu” một chiếc xe tải chở hàng hóa thuê. Anh cho biết: “Khi xe ba gác bị cấm lưu thông, trong khi nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng, nên giữa năm 2008 tôi quyết định mua chiếc xe tải 1 tấn chở hàng thuê. Gần đây, số lượng phương tiện vận tải tăng rất nhiều, nên mình phải cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ để không bị mất khách”. Hiện nay, xe tải có tải trọng từ 1-2 tấn của Trung Quốc được rất nhiều người dân chọn mua, do giá khá mềm. Mặt khác, nhiều ngân hàng và công ty cho thuê tài chính cho vay vốn mua xe khá linh hoạt, nên việc sắm 1 chiếc xe tải không quá khó...

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ

Cùng với sự phát triển khá nhanh của các loại hình vận tải và phương tiện vận tải, các đơn vị kinh doanh giữ giá cước ổn định và tập trung nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Đây là hai yếu tố sống còn của đơn vị kinh doanh vận tải để giữ chân hành khách, đảm bảo doanh thu. Gần đây, nhiều DN vận tải đang hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ như: Phương Trang, Mai Linh, Phương Thảo... đã đưa nhiều phương tiện xe mới vào hoạt động trên các tuyến.

Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Ô tô Phương Trang có nhiều tuyến xe khách hoạt động trên cả nước. Tại TP Cần Thơ, công ty có 2 tuyến Cần Thơ- TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ - Đà Lạt. Chị Ngọc Tú, ở phường Ba Láng, quận Cái Răng, cho biết: “Tôi thấy công ty Phương Trang có xe loại 45 chỗ không gian rộng rãi, thoải mái, phòng vé mát mẻ và ít bụi, nên đã chọn đi xe của công ty này”. Mô hình phòng chờ có máy lạnh, nhà vệ sinh phục vụ khách khá mới đối với người dân Đồng bằng sông Cửu Long và duy nhất có tại Bến xe khách Cần Thơ. Ông Lương Tấn Đạt, phụ trách điều hành bến Cần Thơ của công ty này, cho biết: “Gần đây, giá xăng dầu tăng nhưng công ty giữ giá vé ổn định ở các tuyến, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và phục vụ hành khách ngày càng tốt hơn”. Theo ông Đạt, đối với tuyến Cần Thơ- TP Hồ Chí Minh, công ty tăng thêm 2 chuyến/ngày (nâng lên 22 chuyến/ngày); còn tuyến Cần Thơ- Đà Lạt hiện có 2 chuyến xe/ngày và công ty dự kiến nâng lên 4 chuyến/ngày trong tháng 7 tới. Không những không tăng giá cước, Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Ô tô Phương Trang đang có chương trình hỗ trợ học sinh đi thi đại học. Theo đó, từ ngày 24-6 đến 20-7-2009 sẽ giảm 50% giá vé cho học sinh đi thi đại học trên các tuyến xe khách như: TP Cần Thơ- TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ- Đà Lạt... Học sinh được giảm giá vé phải xuất trình giấy báo thi và giấy chứng minh nhân dân cùng 1 bản sao giấy báo thi.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Trạm điều hành tại Bến Cần Thơ của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Phương Thảo, cho biết giá xăng dầu tăng đã làm tăng chi phí hoạt động và mức lợi nhuận của công ty giảm. Tuy nhiên, công ty vẫn cố gắng giữ ổn định giá cước tuyến Cần Thơ- TP Hồ Chí Minh ở mức 70.000 đồng/vé, tuyến Cần Thơ- Cà Mau: 60.000 đồng/vé... đồng thời, hưởng ứng chủ trương kích cầu của Chính phủ nên không điều chỉnh tăng giá cước. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, xác nhận: “Giá cước xe khách từ Cần Thơ đi các tỉnh, thành trong nước vẫn ổn định, chưa có DN vận tải nào đăng ký với bến tăng giá cước”. Có thể nói, sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ của các đơn vị vận tải hiện theo hướng có lợi cho khách hàng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những DN chất lượng dịch vụ vận tải kém sẽ khó đứng chân trong cuộc chạy đua này và qua cạnh tranh chất lượng vận tải sẽ ngày càng được cải thiện đáng kể.

VĂN CÔNG - ANH KHOA

Hành khách mua vé tại phòng vé của Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Ô tô Phương Trang chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: ANH KHO

Chia sẻ bài viết