07/04/2018 - 16:55

Nỗ lực khắc phục tình trạng hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm 

Theo Bộ Công thương, năm 2017, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,32 tỉ USD tăng 18% so với năm 2016 (năm 2016 chỉ tăng trưởng 7,3%, năm 2015 giảm 16,1%). Ước tính quý I-2018, xuất khẩu thủy sản đạt 441.500 tấn, trị giá 1,67 tỉ USD, tăng 8,73% về lượng và tăng 11,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, tình hình các lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm tại các thị trường nhập khẩu mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Tình trạng này ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh, uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, tác động tiêu cực các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành thủy sản.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty SAOTA (Fimex). Ảnh: Hữu Đức

Theo các bộ, ngành liên quan, tình trạng trên có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, một số hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) nhưng vẫn được sử dụng trong y tế, công nghiệp và chăn nuôi động vật trên cạn. Việc phối hợp kiểm soát chưa chặt chẽ, nên các hộ nuôi thủy sản có thể dễ dàng tiếp cận và lạm dụng trong NTTS. Thứ hai, vẫn còn hiện tượng nhập lậu hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ và bị lạm dụng trong NTTS. Thứ ba, việc quản lý, cấp phép cũng như kiểm tra, giám sát lưu thông mua bán, sử dụng các sản phẩm thuốc thú y, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong NTTS chưa chặt chẽ, các hộ nuôi lạm dụng dẫn đến gây tồn dư trong sản phẩm. Thứ tư, phần lớn các cơ sở nuôi trồng, cơ sở thu mua thủy sản của Việt Nam có quy mô nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Vẫn còn một số cơ sở vì lợi ích đã sử dụng hóa chất, kháng sinh để bảo quản thủy sản. Cuối cùng là chương trình quản lý chất lượng của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản chưa được thường xuyên rà soát, cập nhật để kiểm soát hiệu quả vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để xử lý dứt điểm vấn đề các lô hàng thủy sản bị cảnh báo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đặc biệt là tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt mức quy định tại các thị trường nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 09/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng các lô hàng thủy sản Việt Nam bị nước ngoài cảnh báo, trả về.

Quản lý chặt chẽ hóa chất, kháng sinh

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật trong quản lý an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, Bộ quản lý chặt chẽ việc cấp phép lưu hành thuốc thú ý, chất xử lý, cải tạo môi trường NTTS; thường xuyên tổ chức rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn ra khỏi Danh mục các sản phẩm được phép lưu hành; Chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến công nghệ sản xuất giống thủy sản để chủ động nguồn giống bảo đảm chất lượng; vận động, hướng dẫn người nuôi, doanh nghiệp áp dụng biện pháp NTTS theo hướng bền vững.

Bộ NN&PTNT tổ chức phổ biến các quy định pháp luật của Việt Nam và chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương cập nhật quy định của thị trường nhập khẩu; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở nuôi, sơ chế, chế biến thủy sản áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; Tổ chức giám sát tồn dư hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi để kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở vi phạm.

Bộ NN&PTNT chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra (đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cơ sở có dấu hiệu vi phạm) trong sản xuất, lưu thông, mua bán, sử dụng thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường trong NTTS và việc lạm dụng kháng sinh trong quá trình bảo quản thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tăng cường phối hợp liên ngành

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công thương tổ chức kiểm soát chặt chẽ hóa chất, kháng sinh nhập khẩu để sử dụng trong y tế, công nghiệp nhưng cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an trong việc tổ chức điều tra, thu thập thông tin, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, mua bán chất cấm, chất xử lý, cải tạo môi trường, thuốc thú y ngoài danh mục được phép lưu hành và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao trong việc tích cực đẩy mạnh hoạt động đàm phán song phương, đa phương, ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác, công nhận lẫn nhau với cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu, tạo cơ chế giảm kiểm tra hai lần; phản đối, góp ý với những quy định về an toàn thực phẩm không phù hợp của các thị trường nhập khẩu.

Bộ Y tế rà soát, cập nhật quy định về mức giới hạn tối đa cho phép tồn dư thuốc thú y, hóa chất trong thực phẩm, quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm phù hợp với hướng dẫn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex.

Thủ tướng Chính phủ giao Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cập nhật thông tin, thông báo cho doanh nghiệp về thay đổi trong chính sách nhập khẩu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu kiểm dịch, điều kiện nhập khẩu của các nước đối với hàng thủy sản.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản; hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở nuôi, cơ sở thu gom, sơ chế thủy sản áp dụng quy trình sản xuất, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến để đảm bảo an toàn thực phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản kết nối, xây dựng các vùng nguyên liệu thủy sản đảm bảo yêu cầu của thị trường nhập khẩu và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản nuôi để kịp thời khuyến nghị người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả, sử dụng thuốc thú y thủy sản theo đúng quy định và không sử dụng chất cấm, kháng sinh nguyên liệu để phòng trị bệnh…

Theo báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2017, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực có sự tăng trưởng khả quan, cơ cấu có sự dịch chuyển. Theo đó các mặt hàng tôm, cá ngừ, mực và bạch tuộc tăng trưởng mạnh, lần lượt ở mức 22,3%, 16,3%, 41,4%; riêng cá tra tăng trưởng 4,3%.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2018, cá tra dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu với mức 110.900 tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ 2017, đứng thứ 2 về giá trị xuất khẩu, đạt 257.084.000 USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng giảm nhưng giá trị tăng nhờ giá xuất khẩu bình quân cá tra tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng tôm đứng thứ 2 về sản lượng xuất khẩu, đạt 46.000 tấn, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu về giá trị xuất khẩu với mức gần 429.116.000 USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.  

Linh Chi

Chia sẻ bài viết