01/07/2013 - 22:35

Nỗ lực giữ vững mục tiêu tăng trưởng

Cần giải quyết hàng tồn kho cho thị trường bất động sản! Ảnh: THU HOÀI

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tăng trưởng GDP cả nước 6 tháng đầu năm đạt 4,9%, bằng xấp xỉ mức tăng so cùng kỳ năm trước (đạt 4,93%), đây là nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN). Song, thách thức từ nay đến cuối năm còn rất nhiều và để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay là điều không dễ dàng.

Nhiều thách thức

Theo Bộ KH&ĐT, 6 tháng, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,07% (cùng kỳ đạt 2,88%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,18% (cùng kỳ đạt 5,59%), dịch vụ tăng 5,92% (cùng kỳ đạt 5,29%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đạt 448,6 ngàn tỉ đồng, đạt 43,9% kế hoạch; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 324,42 ngàn tỉ đồng, đạt 39,8% dự toán năm… Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhận định: Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm không cao như mong đợi, nhưng là mức tăng hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn. Trong quý II/2013 nền kinh tế đang dần phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế của các vùng kinh tế trọng điểm tăng cao hơn quý I/2013. Cụ thể như: vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ GDP tăng dao động 5,2- 10,7%; vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có mức tăng GDP dao động khoảng 7,1- 13,6%; vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL GDP dao động khoảng 7,1- 9,2%, cao nhất là Kiên Giang 9,2%... Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng ước tăng 5,2% so cùng kỳ; chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến có xu hướng giảm dần, tính đến đầu tháng 6-2013 tăng 9,7% so với thời điểm cùng kỳ năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 21,5% tại thời điểm 1-3-2013. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cảnh báo ngành nông nghiệp luôn là bệ đỡ cho nền kinh tế chỉ tăng 2,4%, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua (nông nghiệp ước tăng 2,2%; lâm nghiệp ước tăng 5,7%; thủy sản ước tăng 2,5%). Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản chỉ đạt mức 13,6 tỉ USD, giảm mạnh so cùng kỳ (giảm 7%), điều này cảnh báo là ngành nông nghiệp đang rất khó khăn về đầu ra. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này sẽ ảnh hướng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ tháng 6-2013, xoay quanh về sự phát triển của ngành nông nghiệp, nhiều ý kiến của các thành viên Chính phủ, các địa phương đều nhìn nhận nông nghiệp đang gặp khó, do công tác quy hoạch nhiều bất cập, chính sách cho nông nghiệp chưa đồng bộ. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh, bức xúc: “Sản phẩm chủ lực của An Giang là lúa, cá tra. Chúng ta đã 24 năm xuất khẩu gạo, nhưng chưa có thương hiệu. Lâu nay, sản xuất nông nghiệp chỉ theo tình thế, thiếu chiến lược, nông dân khổ sở không biết sản xuất cái gì và sản xuất toàn bán theo kiểu hên xui. Dù nông dân ĐBSCL rất giỏi, sản xuất nông sản nào cũng đạt, nhưng luôn là thành phần chịu thiệt thòi”. Theo ông Vương Bình Thạnh, nhiều năm qua, chủ trương hỗ trợ ngành nông nghiệp của Chính phủ có nhiều, nhưng các bộ ngành cụ thể hóa hướng dẫn rất chậm, nên chưa thể giải quyết hết cái gốc của vấn đề. Ngay chuyện tạm trữ lúa gạo mà cơ chế cũng còn lộn xộn, quy định tạm trữ lúa, nhưng DN toàn mua gạo! Cây cà phê chủ lực của các địa phương Tây Nguyên, Đông Nam bộ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Hoàng Trọng Hải Đến, nói: “Nhiều diện tích vườn cà phê của tỉnh đã trên 20 năm, già cỗi, nên cần tái canh để cải thiện thu nhập cho nông dân. Tỉnh cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, tạo điều kiện về chính sách để cây cà phê được hỗ trợ như những cây nông nghiệp khác”. Theo ông Hải, khi đi vào mùa sản xuất, nhiều DN thiếu vốn mua cà phê cho nông dân, cái vòng lẩn quẩn được mùa mất giá đã diễn ra nhiều năm qua mà chưa được tháo gỡ.

Sản xuất gặp khó khăn, giá thế giới giảm ít nhiều cũng ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu hàng hóa. Trong 6 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 62,1 tỉ USD, tăng 16,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch của DN FDI chiếm 37,4 tỉ USD. Vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần kiểm tra lại kết quả xuất khẩu của DN FDI, nếu làm toàn hàng gia công thì tính ra giá trị tăng thêm của xuất khẩu rất thấp. Mặt khác cần mổ xẻ nguyên nhân vì sao kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm 7% so cùng kỳ năm trước. Theo phản ảnh của lãnh đạo một số địa phương, thì nhiều DN đã lợi dụng chính sách hỗ trợ của Chính phủ để gian lận thương mại, trốn thuế và xuất hiện nhiều DN “ma”. Số lượng DN đăng ký mới tăng, nhưng thu ngân sách không tăng, một phần do chính sách miễn, giảm, giãn thuế; phần khác do DN thành lập ở tỉnh này, nhưng giao dịch mua bán tỉnh khác. Mặc dù khó và thách thức, nhưng các bộ ngành vẫn khẳng định lạc quan về tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát có khả năng đạt nếu các giải pháp thực thi đồng bộ.

Cần giải pháp đồng bộ

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định: “Tình hình khó khăn này cần giải pháp tăng tổng cầu, giải phóng nhanh hàng tồn kho. Đặc biệt đề nghị các bộ, ngành hữu quan và địa phương cả nước cùng quan tâm, coi nông nghiệp là “mặt trận” hàng đầu. Gỡ khó cho nông nghiệp góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế”. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị các bộ ngành ngoài giải pháp kích cầu, tìm thị trường tiêu thụ cho nông sản thì có thể nghiên cứu thêm về các chính sách, điều kiện của WTO để dựng lên hàng rào kỹ thuật bảo hộ nền sản xuất nông nghiệp trong nước. Bởi thời gian qua ta cho nhập nhiều sản phẩm mà trong nước thừa khả năng sản xuất, điều này sẽ giết chết ngành sản xuất nội địa, ngành chăn nuôi là ví dụ điển hình.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cho rằng, có nhiều nguyên nhân làm giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp giảm, mà chủ yếu là do giá thế giới giảm mạnh khiến ngành gạo, thủy sản gặp khó. Thời gian tới, bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ chuyên môn, địa phương tìm đầu ra bền vững cho nông sản xuất khẩu. Bộ trưởng thừa nhận việc tạm trữ lúa gạo hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, lâu dài thì cần định hướng lại sản xuất, xây dựng thương hiệu. Bộ sẽ triển Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và làm ngay ở ngành lúa gạo từ ĐBSCL bắt đầu vụ đông xuân tới đây. Các địa phương cần phối hợp cùng bộ hướng dẫn nông dân hạn chế sử dụng giống IR50404 trong vụ thu đông 2013. Bộ sẽ làm việc với các bộ ngành liên quan đề xuất cụ thể về tái canh cây cà phê, rà soát lại ngành chăn nuôi để có giải pháp phù hợp…

Về gỡ khó cho sản xuất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết NHNN sẽ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện đưa dòng vốn ra thị trường, tháo gỡ khó khăn cho DN và tập trung xử lý nợ xấu, quản lý thị trường vàng chặt chẽ. Đồng thời phối hợp cùng bộ ngành nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành và địa phương quyết liệt hơn nữa trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều hành các giải pháp tiền tệ, tài khóa phù hợp. Có giải pháp tăng tổng cầu, tăng dư nợ tín dụng; sớm giải quyết hàng tồn kho, gỡ khó cho thị trường bất động sản; đảm bảo thu mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân lãi 30%. Thủ tướng nhấn mạnh: Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã quyệt, với 3 khâu đột phá: DN nhà nước, ngân hàng và đầu tư công, các bộ ngành và địa phương căn cứ vào đó để thực hiện. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay.

Gia Bảo

 

Chia sẻ bài viết