05/07/2018 - 21:03

Nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao 

Qua nửa chặng đường của năm 2018, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế đạt được mức cao ấn tượng 7,08%, mức cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 đến nay. Song, khó khăn và thách thức đặt ra cho 6 tháng cuối năm còn không ít, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn dân để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao từ 6,7% trở lên trong cả năm nay.

Thu hoạch lúa hè thu 2018 tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 6 tháng đầu năm, tình hình phát triển kinh tế-xã hội tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, đầu tư sản xuất kinh doanh và phát triển doanh nghiệp giữ được đà tăng khá, tình hình xã hội cơ bản ổn định. Điều này đã cho thấy sự đúng đắn và hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, đòi hỏi Chính phủ cùng các Bộ, ngành Trung ương và địa phương phải quan tâm tháo gỡ kịp thời và có giải pháp chủ động ứng phó. Đáng chú ý, biến đổi khí hậu và thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, nguy cơ lạm phát tăng, xuất khẩu đối mặt rủi ro khi nhiều quốc gia đang gia tăng bảo hộ mậu dịch, tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn yếu tố bất ổn…

Trong 6 tháng đầu năm thiên tai đã làm 33 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính khoảng 808 tỉ đồng. Đặc biệt, lũ sớm đã xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở ĐBSCL-vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, trong đó có 140 điểm ở mức nguy hiểm và 55 điểm đặc biệt nguy hiểm. Chính phủ phải hỗ trợ 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho các địa phương vùng ĐBSCL để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư, công trình hạ tầng thiết yếu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%. Giá dầu thế giới đã có xu hướng chững lại, giảm được sức ép lên giá cả, lạm phát trong nước và kích thích sản xuất nhưng dự kiến còn 2 đợt tăng giá mạnh vào dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm. Do vậy, cần theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, tiếp tục triển khai mạnh mẽ kịch bản điều hành giá theo hướng thận trọng. Thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, điều hành chủ động giá các mặt hàng do Nhà nước định giá, không tăng giá điện, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép và vào thời điểm phù hợp.

Duy trì đà tăng trưởng cao

Tăng trưởng kinh tế đạt mức cao trong 6 tháng đầu năm 2018 có sự đóng góp rất lớn từ sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại-dịch vụ. Đặc biệt, công nghiệp chế biến và chế tạo đã tăng rất mạnh và chúng ta tiếp tục duy trì xuất siêu, với khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD và thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho rằng: "Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu còn nhiều dư địa và điều kiện để phát triển, nhất là khi hoạt động phát triển doanh nghiệp trong nước vừa qua rất tốt và đã tận dụng được các cơ hội từ nhiều FTA (Hiệp định tự do thương mại) để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tới đây, chúng ta cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời các khó khăn để phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh". Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường, sản xuất nông nghiệp thời gian qua cũng phát triển rất tốt góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung và ngành nông nghiệp cũng tăng cường được các hoạt động chế biến nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi do thiên tai, mưa bão, dịch bệnh và thách thức từ thị trường khi các nước gia tăng bảo hộ mậu dịch, do vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để chủ động ứng phó.

Trong 6 tháng cuối năm 2018, Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao và thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018. Giải pháp cơ bản và quan trọng nhất được đề ra là kiên định và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, bám sát phương châm "kỷ cương - liêm chính - hành động - sáng tạo - hiệu quả" trong mọi nhiệm vụ, giải pháp và hành động. Các cấp, các ngành nếu chưa thực hiện thì phải thực hiện ngay, nếu đã thực hiện thì phải thực hiện tốt hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn.

Song song đó, cần tập trung phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018 theo kịch bản điều hành đã đề ra. Tổ chức tốt công tác theo dõi, giám sát định kỳ và thường xuyên nắm chắc tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, những dự án lớn, động lực của tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề ra những điều chỉnh cần thiết khi có sự thay đổi lớn. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phát triển về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới...

Kết luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dù đạt tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua, nhưng động năng tăng trưởng đang có dấu hiệu giảm đi (từ 7,45% của quý I đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng). Các bộ ngành và địa phương cần rà soát, bổ sung, chuẩn bị động lực tăng trưởng và động năng tăng trưởng cho thời gian tới. Cần đặt ra động lực, động năng tăng trưởng của Việt Nam là gì trong quý III, IV này và năm 2019. Thủ tướng  cũng chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ của đất nước là chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra trầm trọng, kéo dài; bệnh quan liêu, xa dân. Các nhà hoạch định chính sách cần suy nghĩ, làm sao khắc phục được những nguyên nhân này để đất nước phát triển nhanh hơn, tốt hơn. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ ngành và địa phương tiếp tục hủy bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn. Nền kinh tế cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu, cả doanh nghiệp Nhà nước và dân doanh cần chú ý điều này. Môi trường kinh doanh cần được cải thiện mạnh hơn với nguyên tắc bình đẳng, an toàn, minh bạch và giảm chi phí. Cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước nhờ sự trợ giúp của công nghệ thông tin và công tác đánh giá cán bộ… 

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết