18/04/2021 - 11:26

Những vần thơ yêu đời 

Phúc Phơi Phới, một nhà báo trẻ đang công tác tại Báo Cà Mau, vừa ra mắt tập thơ “Sướng ca” (NXB Hội Nhà văn). Ðó là những vần thơ đầy nhiệt huyết và chuyển tải thông điệp về “tận hưởng cuộc sống”. Phúc Phơi Phới dùng lợi nhuận từ tập thơ để giúp đỡ nữ soạn giả Hà Nam Quang đang bị bệnh.

Phúc Phơi Phới tên thật là Trần Hoàng Phúc, là phóng viên phụ trách lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Anh yêu thích cổ nhạc và còn có nhiều “tài lẻ” như diễn kịch, sáng tác bài ca cổ, kịch bản sân khấu... Và làm thơ cũng là một trong những sở trường của anh.

Cầm tập thơ, ai cũng thắc mắc bút danh và tựa cuốn sách thật lạ. Phúc giải thích rằng, Phúc Phơi Phới là anh muốn tuổi thanh xuân của mình lúc nào cũng sôi nổi, vui tươi và căng tràn nhựa sống. Với “Sướng ca”, anh muốn gửi gắm thông điệp hãy sống hết mình khi còn có thể, hãy yêu thương và tận hưởng cuộc sống này với biết bao điều thú vị mà cuộc sống ban tặng. Tất cả 44 bài thơ có cùng giềng mối như vậy.

Ðiều làm người đọc thú vị trong tập thơ này là ngôn ngữ chững chạc, mang chút hoài cổ và cá tính. Bài thơ “Sướng ca” mở đầu tập thơ có đoạn:

Ngũ cung tranh nhau múa

Em xuống “hò” xốn xang

Nụ người tràn sữa lúa

Chẳng sợ đời sớm tan...”

Anh cảm nhận về những được - mất, hơn - thua, tranh giành của đời người chỉ là cơn gió thoảng khi soi chiếu vào những cô đào, chàng kép trên sân khấu và sau cánh màn nhung:

Ðêm buông, vai diễn chết

Ngỡ ngàng

Hư danh thua tiếng dế

Chính - phụ trả lại xiêm y

Mỏi mệt chi cho khàn hết giọng Thiền”

(“Lạc hồn”)

Ðọc trọn tập thơ, nhận ra bài thơ “Dìa Cà Mau nghen em” dường như chệch khỏi phong cách viết chung, mà trở nên trữ tình và lãng mạn. Dù vậy, sâu thẳm trong những vần thơ cũng là những tha thiết tận hưởng và cống hiến của tuổi thanh xuân:

Ta khúc khích cười coi chang đước vươn khơi

Như nhịp trẻ anh - em đang tiến lên mở đất”

Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ nhận xét về tập thơ “Sướng ca”: “Thơ phong già dặn, có tìm kiếm câu từ lạ vận dụng hợp lý. “Sướng ca” đã tạo ra phong cách riêng của mình...”. Quả vậy, thơ của Phúc Phơi Phới mang tính ngẫu hứng, không gò bó về ngôn từ nhưng lại thấy sự chặt chẽ, hấp dẫn trong ý tứ, cách thể hiện.

Phúc Phơi Phới chia sẻ, tập thơ này ngoài lưu giữ kỷ niệm thanh xuân đồng hành cùng chữ nghĩa, anh còn muốn góp lợi nhuận thu được để hỗ trợ chi phí điều trị bệnh cho soạn giả Hà Nam Quang. Bà là một cây bút cổ nhạc nữ tiêu biểu ở khu vực ÐBSCL, gần nửa thế kỷ sáng tác với trên 500 tác phẩm, trong đó có nhiều bài ca cổ được yêu thích như “Vườn tiêu quê mẹ”, “Như loài hoa ấy”, “Ðường về nhà mình xa quá, má ơi!”... Bà đang bị bệnh nặng, biến chứng phải tháo khớp chân, sống trong cảnh đơn chiếc, thiếu thốn. Nhiều nghệ sĩ cải lương cũng đang kêu gọi giúp đỡ soạn giả Hà Nam Quang. Phúc Phơi Phới cũng chung tay bằng tài nghệ thơ ca của mình.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết