18/07/2023 - 10:22

Những thương vụ chiến đấu cơ đáng chú ý ở Trung Ðông 

HẠNH NGUYÊN (Theo Business Insider, Forbes)

Trong nhiều thập niên, các nước Trung Đông nhập khẩu chiến đấu cơ hiện đại với số lượng rất lớn, đôi khi phá kỷ lục. Saudi Arabia từng mua 84 tiêm kích F-15SA trị giá 60 tỉ USD vào năm 2017, trong thương vụ bán vũ khí cho nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Đến năm 2021, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đặt mua 80 chiếc Dassault Rafale, đơn đặt hàng nước ngoài “khủng” nhất mà hãng Dassault từng nhận đối với khí tài này. Sắp tới, 4 thương vụ mua máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Ai Cập cho thấy xu hướng trên sẽ không sớm thay đổi.

Radar của F-16 Viper có thể phát hiện cùng lúc 20 mục tiêu. Ảnh: Eurasian Times

Thổ Nhĩ Kỳ “tậu” Viper

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu muốn sở hữu 100 chiến đấu cơ F-35 để từng bước thay thế 270 chiếc F-16, hiện là trụ cột của Không quân nước này, song Mỹ đã loại Ankara ra khỏi chương trình phát triển F-35 sau vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất một thỏa thuận máy bay khác vào năm 2021, dành cho Ankara 40 tiêm kích Viper (biến thể mới nhất của F-16) và 79 bộ phụ tùng hiện đại để nâng cấp phi đội hiện có. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ cực lực phản đối thỏa thuận này do những hành động của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở trong và ngoài nước.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tự nâng cấp 35 chiến đấu cơ F-16 “già cỗi” nhất theo chương trình hiện đại hóa Ozgur, nhưng bất kể thành công của chương trình, Ankara nhiều khả năng vẫn cần các tiêm kích Viper cùng bộ phụ tùng để đảm bảo rằng phần lớn số máy bay luôn hiện đại trong thập niên tới.

Việc ông Erdogan tuần rồi cho phép Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể phá vỡ thế bế tắc lâu nay. Bởi chỉ một ngày sau đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu ý định xúc tiến thương vụ bán F-16 cho đồng minh NATO “khó chịu” này. Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và từng lớn tiếng phản đối thỏa thuận, đang đàm phán với Nhà Trắng và có thể ông sẽ sớm thay đổi lập trường.

Iran với Su-35 Flanker

Quan hệ quốc phòng Iran - Nga đã bước lên tầm cao mới sau khi Mát-xcơ-va mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đầu năm ngoái. Theo giới tình báo Mỹ, Tehran sẽ nhận các máy bay chiến đấu Su-35 Flanker từ Nga trong năm nay.

Đa phần các máy bay chiến đấu của Iran có từ giai đoạn trước năm 1979, thời điểm nước này là đồng minh của Mỹ và sở hữu lượng lớn tiêm kích F-14A Tomcat.

Iraq “chuộng” Rafale

Iraq đang đàm phán để mua 14 tiêm kích Rafale. Thỏa thuận sẽ đánh dấu lần đầu tiên Baghdad mua máy bay chiến đấu Pháp kể từ khi chính quyền ông Saddam Hussein đặt hàng 133 chiếc Mirage F1 trong thập niên 1970, 1980.

Những chiếc F-16 đã trở thành “xương sống” của Không quân Iraq kể từ khi nhận lô đầu tiên từ Mỹ vào năm 2015. Tuy F-16 mạnh về khả năng phòng không, song Mỹ chưa bao giờ bán cho Iraq tên lửa không đối không AIM 120. Thế nên, Iraq hy vọng quay sang Pháp sẽ giúp nước này mang về tiêm kích lợi hại hơn khi được trang bị các tên lửa không đối không Meteor, qua đó nâng cao đáng kể năng lực phòng không còn hạn chế của quốc gia Trung Đông.

Ai Cập sắp có F-15 Eagle

Kể từ khi ký hiệp định hòa bình với Israel vào năm 1979, Ai Cập mua được nhiều vũ khí từ Mỹ, từ F-16 cho đến xe tăng M1. Thế nhưng Cairo chưa được phép mua tiêm kích F-15 Eagle, mặc dù Washington trên nguyên tắc đã đồng ý bán và thậm chí Mỹ cũng đã chuyển giao máy bay này cho Saudi Arabia và Qatar.

Ai Cập sau đó tìm đến Nga và mua nhiều tiêm kích, bao gồm Su-25. Tuy nhiên, Ai Cập đã rút khỏi thương vụ Su-25, nhưng may mắn là cơ hội sở hữu F-15 lại xuất hiện. “Tôi nghĩ rằng chúng ta có tin tốt là chúng ta sẽ cung cấp cho họ (Ai Cập)  tiêm kích F-15”, Tướng Frank McKenzie, khi đó là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, nói với các nghị sĩ hồi tháng 3-2022. Israel cũng có thể sẽ đồng ý cho Ai Cập mua F-15, loại phản lực vẫn có khả năng chiếm ưu thế trên không sau gần 50 năm phục vụ.

Chia sẻ bài viết