14/11/2024 - 10:57

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024

Ấn tượng “Khúc tráng ca thành Gia Định” 

Với vở “Khúc tráng ca thành Gia Ðịnh”, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP Hồ Chí Minh) đã tạo ấn tượng sâu sắc với khán giả Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024. Hình tượng anh hùng dân tộc - Tổng Ðốc Võ Duy Ninh được khắc họa bằng một kịch bản mềm mại, hấp dẫn.

Cảnh trong vở “Khúc tráng ca thành Gia Định”.

Bối cảnh của vở diễn là những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta. Sau khi nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà ở Ðà Nẵng, mở đường cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta vào năm 1858, đầu năm 1859, liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công Gia Ðịnh. Trước tình thế cam go, vua Tự Ðức ban chiếu chỉ cử Tổng Ðốc Võ Duy Ninh ở Quảng Ngãi vào gấp để giữ thành Gia Ðịnh. Vở cải lương khắc họa cuộc chiến không cân sức khi một bên là đội quân hùng mạnh, vũ khí tối tân, một bên với vũ khí thô sơ, chưa kinh trận mạc. Thế mạnh nhất của đội quân Võ Duy Ninh là tinh thần quả cảm, quyết bảo vệ non sông, cùng sự ủng hộ, góp sức giữ thành của nhân dân Gia Ðịnh. Dù đã chiến đấu ngoan cường để hộ thành, nhưng do tương quan lực lượng yếu hơn địch, Gia Ðịnh thành thất thủ, Tổng Ðốc Võ Duy Ninh tuẫn tiết nêu cao sĩ khí.

Câu chuyện lịch sử ấy được kể lại bằng một vở cải lương đẹp từ sân khấu, trình thức đến ca, diễn của nghệ sĩ. Qua đó, vở khắc họa hình ảnh một anh hùng dân tộc quả cảm, quyết tử để bảo vệ non sông, sáng ngời hào khí. Có đoạn thể hiện ông vừa thọ tang mẹ, quyết theo lệnh vua vào nơi chinh chiến, để lại vợ con ở quê nhà mà không chút do dự. Hay là những đoạn ông nêu cao sĩ khí, đã khơi được lòng tự hào với người xem. Lời thề “thành còn người còn, thành mất người mất” và sự tuẫn tiết của Võ Duy Ninh là linh hồn của vở. Và tất cả những điều này đã được NSƯT Lê Tứ làm rất tốt. Ðiểm đặc biệt, NSƯT Lê Tứ đảm nhận cả hai vai trong vở là Võ Duy Ninh và Nguyễn Tri Phương, với ý đồ của đạo diễn là tinh thần kế thừa hào khí chống giặc trước sau như một. Các diễn viên khác tham gia trong vở cũng đều thuyết phục người xem, như NSƯT Tú Sương vai Ngọc Hà, NSƯT Lê Hồng Thắm vai Ðào Thị Thạnh…

Dấu ấn của NSƯT Hoa Hạ trong vai trò đạo diễn cũng rất rõ nét. Tiết tấu của vở nhanh, mạnh, lôi cuốn khán giả. Thủ pháp dàn dựng cũng rất hiện đại, đặc biệt là bà đã không sử dụng kéo màn chuyển cảnh mà chọn nhiều thủ pháp sân khấu để kể tiếp câu chuyện rất liền mạch. Và cũng không thể không nhắc vai trò của tác giả Phạm Văn Ðằng, người đã xây dựng kịch bản lịch sử hay. Anh chia sẻ: “Tôi cố gắng tái hiện một giai đoạn lịch sử của dân tộc thật hấp dẫn, cuốn hút bằng ngôn ngữ cải lương. Tôi muốn đưa cải lương đề tài sử Việt đến với khán giả hiện nay”.

Ðược biết, vở “Khúc tráng ca thành Gia Ðịnh” đã được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức biểu diễn phục vụ tại TP Hồ Chí Minh và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết