13/11/2024 - 08:07

Phát triển văn hóa đọc - không phải “chuyện nay mai” mà cần sự chung tay 

“Việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng không phải là chuyện nay mai mà cần sự chung sức, chung lòng, chung tay của tất cả chúng ta”, em Nguyễn Ngọc Ngân, học sinh Trường THCS Thới Long (quận Ô Môn), đã chia sẻ như vậy.

Ngọc Ngân bên quyển sách “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!” của Adam Khoo.

Ngọc Ngân là học sinh đã xuất sắc đoạt giải Ba tại Vòng Chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Trong phần giới thiệu nhân vật truyền cảm hứng trong sách, Ngân đã chọn tác giả Adam Khoo - vừa là nhân vật, vừa là người viết quyển “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!”. Tác giả Adam Khoo đã giúp Ngân tìm được nguồn cảm hứng, hướng đến lối sống tích cực. Chia sẻ hành trình đến với sách, Ngân nói rằng, mọi người đều bảo em học giỏi các môn tự nhiên hơn xã hội, đặc biệt là môn Ngữ văn. Cũng vì vậy, em luôn đặt mục tiêu cần cố gắng hơn và tìm hiểu nguyên nhân cũng như khắc phục hạn chế của bản thân để cải thiện phần nào thành tích môn Ngữ văn. Đọc sách chính là “chìa khóa” em lựa chọn.

Với Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, không chỉ Ngọc Ngân mà nhiều học sinh TP Cần Thơ đều cảm nhận đây là sân chơi bổ ích, là cơ hội để lan tỏa thói quen đọc và tình yêu sách đến với mọi người. “Những con số về hiện trạng đọc sách hiện nay đã thôi thúc thế hệ trẻ chúng em cùng cố gắng cho một thế hệ biết trân trọng và yêu sách”, Ngọc Ngân bày tỏ tâm huyết.

Quả vậy, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc sau nhiều lần tổ chức đã trở thành mảnh đất màu mỡ để ươm mầm tình yêu với sách cho học sinh thành phố. Qua mỗi lần tổ chức, những cuốn sách hay được giới thiệu, những sáng kiến hay, khả thi nhằm phát triển văn hóa đọc được chính các em nghĩ ra đã dần đi vào đời sống. Như trong Vòng Sơ khảo Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc TP Cần Thơ, có đọc những bài dự thi viết bằng nét chữ nắn nót, những sáng kiến tâm huyết, mới cảm nhận được sức lan tỏa của cuộc thi. Em Trương Nhã Uyên, học sinh Trường THCS Lê Lợi (quận Ô Môn), đã xây dựng kế hoạch hành động phát triển văn hóa đọc với mục tiêu rõ ràng là giúp trẻ em và học sinh tiếp cận với sách dễ dàng hơn thông qua các hoạt động đọc cộng đồng, nâng cao nhận thức về giá trị của sách thông qua việc đọc sách. Ý tưởng Nhã Uyên đưa ra rất hay là dự án xe chở sách mang tên “Cùng nhau đọc sách, trao trọn tri thức”, mang sách đến học sinh và trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Hay em Trần Thị Như Ý, học sinh Trường THPT Thới Long (quận Ô Môn), một gương mặt quen thuộc qua các lần tổ chức cuộc thi, thì vạch ra những giải pháp phát triển văn hóa đọc rất thiết thực và mang tính chuyên nghiệp, như xây dựng kế hoạch “Cho đi một quyển sách, nhận về một niềm vui”; thành lập Câu lạc bộ “Văn hóa đọc bền vững” trong nhà trường; thúc đẩy văn hóa đọc từ công nghệ số…

Năm nay, Ban Tổ chức đã nhận được 10.649 bài dự thi của 108 trường học, tăng 4.861 bài và 44 trường so với năm 2023. Thành công này còn đến từ sự quan tâm của các trường học trên địa bàn thành phố. Cô Trương Thúy Quỳnh, giáo viên Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng (quận Cái Răng), cho biết: Ngay khi cuộc thi được phát động, nhà trường đã triển khai toàn trường trong giờ sinh hoạt dưới cờ để tạo sự lan tỏa, sau đó là triển khai về lớp qua hoạt động của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên môn Ngữ văn. Khi có bài dự thi, nhà trường sẽ tiến hành chọn lọc, hoặc hướng dẫn để các em trau chuốt, chắp cánh ý tưởng, nhằm giúp các bài dự thi đạt chất lượng tốt nhất. Ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ, Trưởng Ban giám khảo Vòng Sơ khảo Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố, cho biết thêm: Một số Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu trường học rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát việc phát động học sinh tham gia cuộc thi và cử giáo viên theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ học sinh thực hiện bài thi.

Từ những nỗ lực này, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, đề nghị lãnh đạo các trường học cần quan tâm triển khai cuộc thi này trong những năm tới để cuộc thi thực sự là ngày hội văn hóa đọc với học sinh. Ông Bình cũng đề nghị thư viện trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa đọc, đa dạng hình thức phục vụ thư viện, phát triển văn hóa đọc, góp phần thúc đẩy học tập suốt đời. “Không chỉ học sinh đọc mà giáo viên cũng phải đọc, đọc sách, báo, giáo trình, sách tham khảo…”, ông Bình chia sẻ và mượn câu thành ngữ Việt Nam để nhắn nhủ với các thầy cô, học sinh: “Đọc muôn quyển sách, đi muôn dặm đường”!

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết