11/06/2022 - 22:11

Những sai lầm người bệnh đái tháo đường thường gặp khi ăn kiêng 

Nhiều người bệnh đái tháo đường mặc dù áp dụng chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt nhưng đường trong máu vẫn tăng. Một số nguyên tắc người bệnh thực hiện đó là: kiêng tinh bột nghĩa là chỉ kiêng cơm; cắt hoàn toàn tinh bột khỏi khẩu phần ăn; “ưu tiên” gạo lứt và yến mạch; chỉ ăn rau luộc.

Người bệnh nên kiểm soát đường huyết, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trong ảnh: Cán bộ y tế BV Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ đo đường huyết cho người dân.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng - nội tiết của Tổ chức DiaB - Sống khỏe cùng đái tháo đường, người bệnh áp dụng cực đoan những nguyên tắc dinh dưỡng trên, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống. Bởi lẽ, tinh bột là nhóm chất cung cấp năng lượng cho cơ thể, đặc biệt não bộ và thần kinh. Loại tinh bột ra khỏi khẩu phần khiến cơ thể mệt mỏi, giảm tập trung, dễ cáu gắt. Người bệnh cho rằng kiêng tinh bột nghĩa là kiêng cơm, thay thế cơm bằng các thực phẩm khác cũng chế biến từ gạo như bún, mì, hủ tíu, bánh tráng, khoai, bắp, bánh mì… hàm lượng tinh bột cũng tương đương với cơm. Ngoài ra, nhiều người rất chuộng gạo lứt và yến mạch, nhưng một chén cơm gạo lứt, với một chén cơm trắng, một chén cháo yến mạch cũng tương đương 200-300kcal. Gạo lứt, yến mạch là thực phẩm giàu xơ, vitamin và khoáng chất nhưng vẫn chứa lượng carbs cao, dễ dàng chuyển hóa thành đường, nên người bệnh cần lưu ý nạp vào phù hợp. Người bệnh chỉ cần ăn rau luộc mà loại bỏ đạm ra khỏi khẩu phần ăn cũng ảnh hưởng sức khỏe. Đạm là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng và chậm làm tăng đường trong máu. Việc sử dụng đạm hợp lý trong khẩu phần ăn giúp người đái tháo đường ổn định đường huyết mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Người bệnh đái tháo đường thường giảm tinh bột để kiểm soát đường huyết nên cần tăng thêm chất béo có lợi cho sức khỏe để bù năng lượng.

Theo các bác sĩ, chế độ ăn cho người đái tháo đường tưởng khó nhưng thật ra rất dễ. Chỉ cần hiểu được nguyên lý cốt lõi của các nhóm thực phẩm làm tăng đường máu, có thể dễ dàng có chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh. Việc điều chỉnh khẩu phần ăn, liều lượng tăng giảm lượng đạm, béo, tinh bột phụ thuộc vào thể trạng và sức khỏe của người bệnh. Để có bữa ăn cân bằng, đảm bảo dinh dưỡng và kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh cần được tư vấn từ các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.

Thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường có xu hướng gia tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa; số bệnh nhân tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Bệnh gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý. Theo các bác sĩ, đái tháo đường nếu không được điều trị đúng cách, đường máu kiểm soát không tốt sẽ dẫn đến các biến chứng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gia tăng tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường type 2 có thể dự phòng và ngăn chặn được. Để phòng chống bệnh đái tháo đường, cần tầm soát người có yếu tố nguy cơ; chủ động phòng ngừa các bệnh thông qua hoạt động thể chất thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý và duy trì môi trường sống lành mạnh.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết