23/02/2010 - 21:53

Những phụ nữ làm nghề phụ hồ

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn... khá nhiều phụ nữ ở khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, sống bằng nghề phụ hồ. Nhờ theo nghề phụ hồ mà đời sống kinh tế gia đình của nhiều hộ gia đình dần được cải thiện... Dù vất vả và không có nhiều thời gian rảnh, nhưng các chị cũng tranh thủ tham gia hoạt động của Chi hội Phụ nữ khu vực.

Muốn gặp gỡ những người phụ nữ làm nghề phụ hồ thật khó khăn, bởi từ sáng sớm các chị đã đi làm đến tận chiều tối mới về nhà. Nhân buổi họp mặt cuối năm của Chi hội Phụ nữ khu vực Thạnh Huề, tôi đã có dịp tiếp xúc với khá nhiều phụ nữ theo nghề phụ hồ. Bà Nguyễn Kim Tiến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, cho biết: “Trong Chi hội khu vực có 160 hội viên, đa số chị em làm nghề buôn bán, chăn nuôi... trong đó có khoảng 30% chị em làm nghề phụ hồ. Tuy suốt ngày đi làm phụ hồ vất vả nhưng khi có họp Chi hội thì chị em cũng tranh thủ đến dự”. Tham gia vào Chi hội, các chị em được tuyên truyền chiến dịch truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với phụ nữ; phòng chống bạo lực gia đình, nuôi dạy con tốt. Điều đặc biệt là chị em hăng hái tham gia vào nhóm phụ nữ tiết kiệm (hằng tuần, mỗi chị gửi tiền tiết kiệm vào chi hội ít nhất là 20.000 đồng), để trợ vốn xoay vòng, giúp nhau làm kinh tế phụ gia đình...

Khoảng 1 năm nay, chị Trương Thị Phúc tham gia sinh hoạt Chi hội. Đã trên 50 tuổi, dáng người mảnh mai, nhưng nhiều năm chị kiếm sống bằng nghề phụ hồ. Do cuộc sống vợ chồng không hòa hợp nên khi con trai được 3 tuổi, chị Phúc và chồng đã ly dị. Kể từ đó, chị ở vậy nuôi con khôn lớn và lo cho con học hành. Có lẽ cuộc đời đã vất vả nhiều nên trên gương mặt của chị Phúc luôn man mác nỗi buồn. Nhiều đêm chị đã khóc vì tủi thân, nhưng nghĩ đến con trai, chị lại cố gắng lao động. Chị Phúc tâm sự: “Tôi làm lụng vất vả chỉ mong con cái học đến nơi đến chốn. Nhưng tiếc là con trai tôi chỉ học đến lớp 10. Có lẽ vì thấy tôi vất vả, gia đình nghèo nên nó đã nghỉ học sớm, đi làm công nhân, kiếm tiền phụ giúp tôi. Hằng ngày, hai mẹ con đều đi làm, tối về mới được gặp nhau. Niềm an ủi của tôi là cháu nó rất có hiếu...”. Từ khi đi làm phụ hồ, chị không hề bỏ việc bữa nào. Sáng nào cũng vậy, khoảng 5 giờ 30 phút, chị đã đạp xe khoảng 7-8 cây số đến các công trình xây dựng tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Chị Phạm Thị Thu Vân (ngồi vị trí thứ 6, từ trái sang phải) trong buổi họp cuối năm của Chi hội Phụ nữ khu vực Thạnh Huề. 

Chị Phạm Thị Thu Vân năm nay đã 46 tuổi. Chồng mất đã 10 năm, một mình chị phải nuôi dạy 4 người con. Gia đình nghèo khó nên các con của chị không được học hành đến nơi đến chốn. Chị đi làm phụ hồ, công việc chủ yếu là dọn dẹp vệ sinh, lau cửa kính, chà ron nền nhà, nên đôi tay thường xuyên chai phồng. Làm việc cả ngày như vậy, thu nhập của chị được khoảng 50.000-60.000 đồng. Chị Vân có hai người con theo nghề phụ hồ đã 3 năm nay. Các con chị khuyên mẹ nên nghỉ việc phụ hồ, nhưng vì thấy mình còn sức khỏe nên chị Vân vẫn tiếp tục đi làm kiếm tiền chung lo cho gia đình. Tuy lao động vất vả, nhưng chị Vân vẫn dành thời gian đi họp Chi hội. Chị nói: “Tham gia sinh hoạt Chi hội khoảng 6 năm nay, tôi cảm thấy rất vui! Các chị em trong Chi hội luôn cùng nhau chia sẻ những buồn vui, động viên, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhờ gia nhập Chi hội, chúng tôi có kiến thức về sức khỏe sinh sản phụ nữ, vệ sinh an toàn thực phẩm... Mặt khác, tôi còn được Chi hội giúp vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, vay vốn của nhóm phụ nữ tiết kiệm trong Chi hội. Từ đó, đời sống kinh tế gia đình của tôi đã được cải thiện”.

Năm 27 tuổi, chị Võ Thị Bé Tư lập gia đình cùng anh Nguyễn Văn Đời, rồi cùng nhau đi làm hồ, giờ chị Tư đã hơn 40 tuổi. Mỗi ngày, vợ chồng chị Tư thu nhập được gần 200.000 đồng. Họ làm lụng vất vả, dành dụm tiền bạc, cất được căn nhà tường, 2 người con gái của chị Tư giờ đã có gia đình riêng. Công việc của chị Tư chủ yếu là xúc cát, đá, sàng cát, khiêng xi măng, gạch, xúc bê tông ra từng xô nhỏ... Chị tâm sự: “Làm phụ hồ cực lắm! Nhất là những công việc khiêng đá, gạch... nếu không cẩn thận thì dễ bị tai nạn nghề nghiệp. Năm nay tôi đã lớn tuổi, sức khỏe đã giảm nên tôi đang dành dụm chút đỉnh tiền, làm vốn để buôn bán ở chợ, công việc sẽ nhẹ nhàng hơn...”. Cách đây vài tháng, trong một lần khiêng xi măng, chị Tư bị trật khớp xương sống, phải nghỉ làm hết 2 tháng.

Năm nay đã ngoài 30 tuổi, chị Võ Thị Liên hằng ngày cùng chồng đi làm hồ. Chồng làm thợ hồ, vợ thì làm phụ hồ được khoảng 10 năm nay. Nhìn đôi tay chai sần của mình, chị Liên tâm sự: “Gia đình quá nghèo, có mười mấy anh chị em nên không ai được học hành đến nơi đến chốn. Khi có chồng, gia đình chồng tôi cũng rất khó khăn; cả hai bên gia đình có muốn giúp đỡ chúng tôi cũng không được. Cha mẹ tôi cho đất, cất được căn nhà lá. Hai vợ chồng lo làm lụng, dành dụm tiền, cất được căn nhà tường cách đây khoảng 7 năm”. Trước đây, mỗi khi đi làm hồ cho các công trình xây dựng ở trung tâm TP Cần Thơ, hai vợ chồng thường chở nhau bằng chiếc xe đạp. Cách đây vài năm, họ đã mua được xe gắn máy. Hai vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng lo làm ăn để gầy dựng mái ấm gia đình, lo cho đứa con trai nhỏ (5 tuổi). Chị Liên bày tỏ: “Đi làm hồ tuy vất vả nhưng cũng có cái vui. Do các chị em đồng cảnh ngộ nên thương yêu nhau lắm, có tâm sự gì cũng bày tỏ cho nhau, có chỗ làm nào tốt cũng đều giới thiệu với nhau. Chúng tôi đều mong muốn giúp đỡ nhau để thoát nghèo”.

Hoàn cảnh của chị Nguyễn Ngọc Thúy cũng không kém phần khó khăn. Hiện tại, chị Thúy là trụ cột của gia đình. Vốn làm nghề buôn gánh bán bưng, thu nhập quá ít ỏi, chị Thúy đi làm phụ hồ, hằng ngày thu nhập khoảng 60.000 đồng. 2 năm nay, chồng chị bị bệnh tâm thần, gánh nặng gia đình càng đè lên đôi vai của chị. Bao nhiêu tiền dành dụm, vay mượn, chị Thúy đều đổ vào trị bệnh cho chồng. Chị Thúy rất đau lòng khi phải kêu con trai đang học lớp 10 nghỉ học, cùng chị đi làm phụ hồ. Trước khi đi làm phụ hồ, khoảng 4 giờ sáng, chị Thúy còn phụ bán thịt heo ở chợ Cái Răng. Đôi mắt đỏ hoe, chị Thúy tâm sự: “Tôi phải cố gắng đi làm để có tiền lo thuốc men cho chồng trị bệnh, lo cho đứa con gái nhỏ (học lớp 2) học hành đàng hoàng. Hy vọng tương lai con gái sẽ không khổ như cha mẹ”.

Theo như tâm sự của nhiều chị em phụ nữ nếu không theo nghề phụ hồ thì không biết phải xoay xở cuộc sống ra sao, nghề này lại cho thu nhập (từ 60.000-85.000 đồng/ngày) cao hơn nghề buôn gánh bán bưng, thu nhập ổn định. Nghề phụ hồ tuy nặng nhọc, vất vả nhưng các chị cảm thấy vui vì đó là một nghề lao động chân chính, kiếm tiền từ chính mồ hôi nước mắt của các chị. Hy vọng, dù cho cuộc sống có nhiều khó khăn, vất vả, chị em làm nghề phụ hồ vẫn không ngừng vươn lên để cải thiện cuộc sống và cố gắng vun đắp hạnh phúc gia đình, tương lai cho các con.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết