24/12/2016 - 16:03

Những ngày khó quên

 Truyện ngắn NGỌC HƯƠNG

Đang tìm lối về nhà, tôi chợt nghe có tiếng hỏi từ chiếc ghe chài dưới bến vọng lên:

- Có phải thằng Châu không?

- Dạ! Bác vẫn nhận ra cháu?

- Ờ, thì nhìn cứ ngờ ngợ. Vẫn mạnh khỏe hả Châu?

- Đạn nó tránh cháu bác ơi.

 

Ơn trời cho cháu tai qua nạn khỏi, còn sống mà về với gia đình, vợ cháu nó cứ khóc suốt, tội nghiệp, tội nghiệp… Thôi về nhanh cho cả nhà mừng.

- Nhưng… lối về nhà cháu đâu rồi? Mới có mấy năm mà làng ta đổi khác quá, cháu tìm không ra.

- Cái thằng! Đi đường này… Về nhanh nhanh. Người ta đang chuẩn bị truy điệu cháu đó.

Thì ra, xã đã nhận được giấy báo tử của tôi, nhưng chưa báo cho gia đình biết vì vừa làm lễ truy điệu em trai tôi xong, nên đành chờ qua Tết. Dõi mắt nhìn dòng sông nước trôi lờ lững, gợn nhẹ tiếng sóng đẩy đưa những ghe chài, tôi lại như thấy con tàu không số của chúng tôi đang bị bủa vây giữa trùng trùng sóng dữ cùng tàu chiến và máy bay giặc…

*

* *

Đó là một đêm rạng sáng tháng 11 năm 1971. Đây là chuyến đi thứ ba của tàu chúng tôi theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển 200 tấn vũ khí, đạn dược vào căn cứ Khu ủy Mặt trận Tây Nam Bộ ở Gành Hào, Cà Mau. Địch kiểm soát quá gắt gao nên tàu cứ phải lênh đênh ở hải phận quốc tế 3 tháng mà không sao vào bờ được, chứ 2 chuyến trước thuận lợi lắm. Sau nhiều lần điều nghiên và bàn bạc kỹ, tàu chúng tôi quyết "cập bến" chứ không thể chờ mãi được, "bến" đang rất cần sự chi viện của tàu chúng tôi… Nhưng khi tàu cách bờ khoảng 20 hải lý thì bị máy bay trinh sát địch phát hiện. Thoắt cái, trên không hàng chục máy bay quần đảo, gầm rú, bổ nhào. Trên biển, hơn 20 chiếc tàu địch dàn thành hai hàng song song kẹp tàu ta vào giữa định bắt sống. Chúng thả pháo sáng rực cả một vùng biển. Trước kẻ thù đông gấp bội, cán bộ, chiến sĩ trên tàu quyết chiến bảo vệ tàu và vũ khí.

"Cháy rồi, máy bay địch cháy rồi!" Nhưng, cháy một chiếc thì hàng chục chiếc khác lại ào tới, hỏa lực ta lại đang yếu dần do 8 đồng chí đã hy sinh. Không hề nao núng, theo hiệu lệnh, tất cả các họng súng đều nhắm thẳng quân thù… tạo những phút hiếm hoi dạt bọn đeo bám ra để băng bó và đeo phao cứu hộ vào cho thương binh, tử sĩ. Tình thế bất lợi trước mắt nên chúng tôi quyết định cho tàu quay ra hướng hải phận quốc tế và hủy tàu, quyết không để vũ khí, đạn dược rơi vào tay giặc. Tất cả các vị trí trọng yếu trên tàu đều được đặt kíp nổ hẹn giờ 15 phút. Thuyền trưởng lệnh cho cán bộ, chiến sĩ lần lượt rời khỏi tàu. Có 23 phao cứu hộ thì đã dành cho 8 người hy sinh 16 cái, 7 cái còn lại dành cho những chiến sĩ đang bị thương, các anh em còn lại phải tự xoay xở.

Đúng 11 giờ 30 phút, là điện công trưởng chịu trách nhiệm điểm hỏa nên tôi là người cuối cùng rời khỏi tàu sau khi quan sát thấy dây cháy chậm đã xì khói đều… Tôi lặng lẽ trầm mình rời xa con tàu dưới làn nước biển mặn đắng mà đau lòng, uất nghẹn. Chỉ ít phút nữa thôi, con tàu thân yêu đã từng vào sinh ra tử với chúng tôi cùng toàn bộ số vũ khí đạn dược chi viện cho miền Nam sẽ tan thành mảnh vụn.

…10 phút… 15 phút… Gió lặng, biển vẫn lung linh, êm đềm. Trên cao, trăng le lói soi rõ những gợn sóng lăn tăn. Bỗng một cột sóng lửa dữ dội chồm lên lóe sáng cả một góc trời, tiếng nổ đinh tai nhức óc, khói lửa ngùn ngụt loang rộng vây kín nên không còn thấy con tàu đâu cả, chỉ thấy từng mảnh ván vụn tung vút lên không rồi lả tả rơi xuống mặt biển mênh mông. Tôi nhìn con tàu thân yêu dần chìm xuống lần cuối và xác định bơi với hy vọng vào được bờ. Tôi bơi đến khi tay mỏi, gối chùn, toàn thân bải hoải, đói, khát đến cổ họng nghẹn đắng làm đầu cứ ong ong, không còn làm chủ được mình. Trong bồng bềnh, đưa đẩy, tôi thấy như toàn thân bị hàng trăm vật gì đó rỉa rói, cắn rứt thật đau đớn.

*

* *

Sau này, tôi mới biết thủ phạm của những cú đâm, cắn rứt, đau xé là tôm cá vùng cửa biển Cà Mau. Khi cựa mình, tôi có cảm giác đang nằm trên một cái gì đó ram ráp, nhầy nhầy. Từ từ hồi tỉnh, tôi ngơ ngác đảo mắt nhìn quanh, bấu tay thật chặt vào nhau đến đau điếng để biết đã đến bờ và đang nằm trên bãi sình Đất Mũi. Cựa quậy một lúc tôi mới biết, nửa thân trên đang nằm trên bãi, còn hai chân vẫn thòng dưới nước. Chắc sóng đã xô tôi dạt vào đây. Bản năng sinh tồn giục tôi gắng hết tàn lực bườn tới đám cây xanh trước mặt với hy vọng tìm được trái dại. Lê từng bước mệt mỏi đi về phía trước tìm kiếm, nhưng mới chỉ vài bước chân phải đã bị lún sâu xuống bùn tận nửa bắp vế, rút mãi chân vẫn không nhúc nhích, đến khi phải ngồi bệt xuống dùng hai tay nắm lấy cổ chân và cố hết sức bình sinh mới lôi được chân lên rồi lăn ra thở dốc. Tôi đành cố vừa trườn vừa lết về phía trước cứ y như thằn lằn. Trên trời, từ chiếc máy bay địch vẳng ra giọng điệu chiêu dụ "Hỡi cán binh cộng sản Bắc Việt, hãy mau ra hàng chính phủ quốc gia, đừng nghe lời cộng sản mà chết uổng mạng. Hỡi…".

Ngồi thu mình trong bụi đước, tôi thấy rõ máy bay quần đảo từ Năm Căn đến Gành Hào, chúng đi đến đâu là cây cối, bụi mù cuộn tung đến đó, bọn chúng muốn lật tung cả cánh rừng lên. Tôi vội lấy sình bùn trét đầy người để ngụy trang rồi tiếp tục di chuyển, nhưng cố bườn cả ngày cũng chỉ được vài trăm mét. Đang cố đi tiếp tôi nhác thấy phía trước có con vật đen thui dài tầm nửa cây đước. Là gấu đang bò lên cây. Tránh gấu, tôi bò xuống kênh di chuyển tiếp, đến khi mệt quá bước lên bờ, tôi gặp ngay một cây đước to, bèn hì hụi leo lên, tụt xuống, lại leo lên cho tới được trảng ba. Quan sát xung quanh chỉ toàn thấy đước là đước, chẳng thấy nhà cửa, bóng người, một tia khói mỏng manh cũng không, tôi hoàn toàn tuyệt vọng.

Đang lúc gục xuống buồn bã, tôi thấy cua biển nhiều vô kể. Tôi mừng quá tụt xuống, bắt lấy và bóc ra, lột vỏ ăn sống. Cứ như vậy được một ngày, sang ngày thứ hai bụng sôi ầm lên, sợ quá tôi bèn bò xuống kênh bẻ mấy ngó "cạt bần" nhai cho chát đắng. Lại còn khổ sở vì muỗi. Di chuyển còn đỡ chứ ngồi một chỗ thì nó bâu lại tấn công, chỉ cần quờ tay là hốt được cả nắm. Tôi đành phải đi suốt. Mất phương hướng, tôi bèn lột vỏ cây để xác định, vì tôi còn nhớ lúc đi học thầy có dạy là vỏ bên nào mỏng là hướng đông, dày là hướng tây. Thế là tôi theo hướng đông đi tới, đói thì ăn cua sống, khát uống nước đìa, nước cũng đã lợ bớt vì đang đầu mùa mưa. Đến tối ngày thứ năm, tôi giật thót người vì có hai bóng đen lướt qua cách tôi chừng hai mươi mét. Tôi thấy rõ hai người đàn ông quấn khăn rằn, mặc đồ bà ba đen, vai mỗi người đeo một cây bá đỏ. Ẩn người sau những cây đước, tôi theo dõi họ, còn chừng mười mét mới lên tiếng:

- Tôi là quân giải phóng, có phải các ba đó không?

Thực ra hai người tôi gọi bằng ba đó tuổi còn ít, nhưng vì họ dầu dãi nắng mưa, lam lũ, râu ria tua tủa nên trông như ông già. Sau khi biết tuổi nhau, chúng tôi ôm nhau cười và gọi bằng anh em. Thì ra, đây là bộ đội địa phương, nhận nhiệm vụ tìm kiếm chúng tôi.

Hai ngày sau vào lúc chập tối, có hai cô gái không biết tên gì, chỉ gọi cô Hai, cô Ba đến đưa tôi xuống xuồng chèo đi. Lúc đó khoảng 6 giờ, đi miết đến 12 giờ khuya mới được nghỉ và vượt qua sông Cái Lớn, Gành Hào. Nước chảy dưới lườn ghe lạc xạc, sương xuống nhiều lạnh cóng. Chèo mãi đến 3 giờ sáng thì nước ròng, hai cô xắn quần lội đẩy xuồng khoảng 3 cây số nữa thì đến Trạm Quân y T3. Trạm là một cái chòi lợp lá, giường là những thân đước ghép lại, trên trải ni lông, xung quanh nước mênh mông, đỏ quạch phù sa… Hai cô gái đưa tôi về đây một là Dung- y sĩ của Trạm, còn cô kia là Trang, giao liên vùng. Mỗi sáng, Dung rửa vết thương cho tôi, những vết thương do va chạm khi chiến đấu trên tàu, bị mảnh văng, bị tôm cá đâm khi lội trên biển đã nhiễm trùng. Dung nói:

- Anh cứ nằm đây điều trị, khi nào lành và có lệnh trên thì đi tiếp.

Hôm đó, lúc 6 giờ sáng, tôi nghe văng vẳng: "Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…" Tôi liền bật dậy hỏi:

- Tiếng đài ở đâu vậy?

- Ở xa lắm anh ơi, trong cứ lận.

Ôi, nghe sao mà thân thương, lưu luyến quá. Tôi nghe như nuốt từng lời và mong phát thanh viên.

- Anh Hai, sắp xa rồi, có lệnh của Quân khu đưa anh về cứ- Dung nói.

- Thật vậy sao?

Tôi nghẹn lời nhìn Dung, rơm rớm nước mắt, thương sao tình cảm quân dân cá nước của đồng bào Nam bộ đã nuôi dưỡng, đùm bọc tôi. Tình cảm đó còn mãi theo tôi không thể nào quên.

Chia sẻ bài viết