27/11/2009 - 20:56

Những mái trường tình thương

Bữa cơm trưa miễn phí cho học sinh nghèo của Trường Tiểu học Phương Thạnh A.

Gọi như vậy bởi từ tình thương của mạnh thường quân, thầy cô giáo, giữa học sinh với nhau đã giúp cho các học sinh nghèo đứng trước nguy cơ bỏ học có điều kiện cắp sách đến trường. Việc làm giàu lòng nhân ái này đang diễn ra tại Trường Tiểu học Hàm Giang B, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú và Trường Tiểu học Phương Thạnh A, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh).

“HŨ GẠO TÌNH BẠN” - “HẠT THÓC VÀNG”

Chúng tôi vừa đề cập đến phong trào “hũ gạo tình bạn” ở trường đang được Huyện đoàn Trà Cú chọn làm mô hình nhân rộng ra các điểm trường khác trong huyện, thầy Sơn Nhương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Giang B, lộ vẻ mừng vui nói: “Ngày mới phát động phong trào, cả tập thể ban giám hiệu, giáo viên trường rất lo vì không biết phong trào có được hưởng ứng hay không. Nhưng không ngờ mọi chuyện rất thành công, cả thầy và trò cùng đóng góp vào “hũ gạo tình bạn”. Cuối năm học vừa rồi những em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở trường đã nhận phần gạo đong đầy tình yêu thương”.

Trường Tiểu học Hàm Giang B có 407 học sinh với 19 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5, tất cả các em đều là học sinh người dân tộc Khmer. Đây cũng là ngôi trường vùng sâu, vùng xa của huyện Trà Cú nên nhiều học sinh theo học là con của gia đình nông dân nghèo. Trong số học sinh theo học có 199 em thuộc diện gia đình nghèo. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không ít học sinh phải bỏ học giữa chừng, đi lao động giúp cha mẹ khi chưa học hết cấp I. Nghĩ ra cách làm để giúp các em nghèo có điều kiện học hành lâu dài là trăn trở của ban giám hiệu, thầy cô giáo ở đây. Và ý tưởng lập “hũ gạo tình bạn” được ra đời vào học kỳ 2 của năm học 2008 - 2009. Thầy Đinh Quốc Cường, tổng phụ trách Đội của trường, kể lại: “Một lần tôi xem trên truyền hình được biết ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có thành lập hũ gạo học sinh, tôi thấy rất hay và sẽ thiết thực nếu áp dụng tại trường có nhiều học sinh nghèo như Tiểu học Hàm Giang B. Vậy là tôi đề xuất ý kiến với ban giám hiệu trường rồi xin ý kiến Huyện đoàn Trà Cú và được đồng ý lập “hũ gạo tình bạn” trong trường”. Đầu tháng 5-2008, Trường Tiểu học Hàm Giang B phát động phong trào “hũ gạo tình bạn” với tiêu chí vận động mỗi giáo viên góp ít nhất 5 kg gạo, mỗi học sinh 1 hoặc 2 lon gạo để giúp các bạn học sinh nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phong trào đưa ra tạo ngay được sự hưởng ứng của thầy trò ở trường này. Một góc thư viện trường được chọn làm nơi đặt “hũ gạo tình bạn” để tất cả cùng góp vào. Có những thầy cô gia đình khá giả góp vào 10 - 20 kg gạo, còn học sinh em nào cũng xin gạo cha mẹ đem đến góp vào, kể cả những học sinh nghèo. Trong vòng 1 tháng phát động, “hũ gạo tình bạn” của Trường Tiểu học Hàm Giang B thu vào được 250 kg gạo. Từ số gạo trên, ban giám hiệu nhà trường giao thầy cô giáo chủ nhiệm chọn 36 học sinh nghèo hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở tất cả các lớp để phát gạo cho các em vào cuối năm học. Tính ra, mỗi em được giúp gần 7 kg gạo đem về gia đình.

Thầy Phó hiệu trưởng Sơn Nhương cho biết thêm, ngoài “hũ gạo tình bạn” mới gây dựng, từ năm học 2001 - 2002 đến nay trường đã thực hiện rất hiệu quả phong trào “hạt thóc vàng”. Đây là phong trào được phát động trong toàn thể học sinh thể hiện hành động tiết kiệm, tích lũy, dành thời gian rảnh rỗi đi đồng nhặt lúa vào mùa thu hoạch. Mỗi em tùy khả năng lao động mà đem một vài lon lúa góp vào trường để trường bán mua áo tặng bạn. Qua đó, mỗi lớp học sẽ có một bạn học sinh nghèo, học giỏi được xét tặng áo mới dịp Tết đến. Tính từ khi phát động đến nay, phong trào “hạt thóc vàng” đã tặng 135 áo cho học sinh nghèo, học giỏi với số tiền trên 4 triệu đồng từ số lúa rơi mà học sinh của trường góp nhặt. Em Thạch Thị Qui, đang học lớp 5 tại trường, được nhận phần gạo cuối năm học vừa qua, nói: “Ngày con đem gạo về bà nội mừng lắm! Con hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng quan tâm của thầy cô và bạn bè”. Thạch Thị Qui là con của anh Thạch Thành và chị Trần Thị Lan. Do nhà nghèo không đất, anh chị phải gởi con nhỏ ở nhà cho cha mẹ nuôi để đi làm mướn ở TP Hồ Chí Minh. Trước đây, Thạch Thị Qui thường hay nghỉ học phụ giúp việc nhà với nội, học lực trung bình. Từ khi nhận phần gạo của trường giúp đỡ, Qui đi học rất đều và học khá. Năm học 2008 - 2009, Trường Tiểu học Hàm Giang B có 9 học sinh bỏ học, nhưng với sự giúp đỡ kịp thời cho học sinh nghèo, đặc biệt là những việc làm thiết thực trên, từ đầu năm học 2009 - 2010 đến nay trường không có học sinh bỏ học.

VÀ BỮA CƠM TRƯA CHO HỌC SINH NGHÈO

Từ đầu năm học 2008-2009 đến nay, quán cà phê không tên của ông Ngô Nhất Định - đối diện Trường Tiểu học Phương Thạnh A - vào buổi trưa trở thành quán cơm miễn phí cho học trò nghèo. Mỗi sáng, các thành viên trong gia đình ông Định tất bật đi chợ chọn mua các loại rau xanh, cá thịt về nấu buổi cơm cho học trò nghèo ăn no bụng.

Đang chuẩn bị bữa cơm cho các học trò, ông Định vui vẻ nói: “Nấu ăn cùng lúc cho 15 cháu nhỏ rất cực nhưng cả nhà ai nấy đều rất vui với việc làm có ý nghĩa này. Tôi đã canh giờ sao cho các cháu vừa tới là ăn được cơm nóng hổi”. Gần 11 giờ trưa, người nhà ông Định hối hả bưng dọn các khay thức ăn lên. Một vài học sinh lớp 1, 2 học buổi chiều tới sớm hơn đã ngoan ngoãn phụ lau chùi bàn ghế và ngồi ngay ngắn vào bàn ăn đợi bạn. Khi tiếng trống trường vang lên báo hiệu tan học buổi sáng, mấy em học sinh lớp 3, 4 chạy ùa ngồi vào bàn ăn. Bữa cơm trưa mỗi phần tương đương 9.000 đồng được xem là bữa cơm sang trọng đối với các em.

Qua tìm hiểu của chúng tôi thì 15 em học sinh ngồi ăn cơm, mỗi em có cảnh đời cực kỳ khó khăn. Các em đã thường xuyên nghỉ học giúp cha mẹ giữ nhà, mót lúa, cắt cỏ hay bắt ốc, bắt cua bán kiếm tiền. Như em Lâm Chí Nhãn lớp 5C bị khuyết tật chân, cha mẹ đi làm ở các quán hủ tiếu lương mỗi tháng chỉ vài trăm ngàn đồng, nhà lại đông anh em. Nhãn ấp úng nói: “Chỉ mấy ngày Tết, ngày lễ con mới được ăn cá, thịt, còn mấy ngày khác thường ăn rau với cơm. Bây giờ được ăn ngon, có sức khỏe con ráng học giỏi để đi làm việc kiếm tiền giúp cha mẹ”. Còn em Thạch Trường Quí, lớp 2C, có hoàn cảnh bi đát nhất trong chúng bạn. Nhà Quí có 3 anh em nhưng cả 3 đều bị khuyết tật. Cha mẹ Quí không nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy. Quanh năm thường ăn cơm trắng, dưa muối...Vì thế trong mỗi bữa cơm miễn phí, Quí đều ăn nhín chừa thịt cho em gái của mình...

Người phát động phong trào bữa cơm trưa miễn phí cho học trò nghèo là thầy Nguyễn Thành Chấn, cựu giáo viên Trường Tiểu học Phương Thạnh A. Thấy các học sinh nghèo hay nghỉ học, ở nhà làm lụng giúp đỡ cha mẹ, thầy Chấn nghĩ đến cách chia sẻ khó khăn và bàn với thầy Thạch Thanh Long, Hiệu trưởng trường, thành lập bữa ăn trưa miễn phí cho học trò nghèo. Để phát động phong trào, thầy Chấn đã trích 6 triệu đồng lương hưu của mình ủng hộ cho bữa cơm. Đầu năm học 2008-2009, thầy Long phát động phong trào bữa cơm trưa giúp học trò nghèo, các thầy cô chọn danh sách học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất báo lên ban giám hiệu. Lúc đó, có hơn 30 học trò nghèo cần giúp đỡ, trong khi không đủ tiền chi nên nhà trường chọn ra 15 em có hoàn cảnh khó khăn nhất có nguy cơ bỏ học, trong số này có 13 học sinh người dân tộc Khmer.

Thầy Thạch Thanh Long nhớ lại: “Lúc đó thấy gia đình ông Định có quán nước nên tôi qua bàn với ông chuyện giúp đỡ trường nấu ăn cho học trò nghèo. Ông Định đã nhận lời ngay và còn phụ thêm tiền củi lửa, bếp núc. Ngày 16 - 9 - 2008 khi “khai trương” bữa cơm từ thiện, trường đã mời lãnh đạo xã, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đến tham quan. Nhìn mấy em học sinh nghèo ăn chậm rãi, nhiều người tưởng các em chê đồ ăn nấu dở. Nhưng khi hỏi ra mới biết vì lâu lắm rồi các em mới ăn được bữa cơm có đầy đủ cá, thịt, canh như thế này... Có vài em ăn ít để dành chừa phần thịt cá cho em út ở nhà. Nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã không đắn đo ủng hộ mỗi người 1 - 2 triệu đồng. Ban đầu tôi và ông Chấn cũng lo bữa cơm trưa này không cầm cự được bao lâu nhưng cũng nhờ các nhà hảo tâm ủng hộ nhiệt tình nên bữa cơm tiếp tục duy trì cho đến nay”.

Trong số 15 em học sinh nghèo ăn bữa cơm trưa miễn phí này có em Kim Thị Thúy Quỳnh học lớp 3C, con anh Kim Thanh Quang và chị Thạch Thị Thêu. Nhà không đất đai, anh Quang bán vé số, chị Thêu làm mướn để nuôi Quỳnh và chị của em bị bệnh tâm thần. Quỳnh học giỏi nhưng có nguy cơ bỏ học nên hàng năm ban giám hiệu trường đều xin cho em nhận học bổng của Hội Khuyến học.

Thầy Thạch Thanh Long vui mừng cho biết thêm: “Nếu như trước đây Trường Tiểu học Phương Thạnh A mỗi năm có từ 8 đến 10 học sinh bỏ học vì nghèo thì 2 năm nay không còn trường hợp nào bỏ học vì nguyên nhân này. 15 học sinh được hỗ trợ bữa cơm của trường có nhiều em năm học trước học lực trung bình, thì năm 2008 - 2009 có 4 em học giỏi, 1 em học khá. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì bữa cơm này đến hết năm nay, nếu có được nguồn quỹ sẽ tiếp tục để giúp đỡ học trò nghèo được cắp sách đến trường”.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết