01/01/2009 - 10:08

Những dự báo an ninh trong năm 2009

Bầu không khí đón chào năm mới tại Seoul, Hàn Quốc.
Ảnh: AP

Bước sang năm mới, con người bao giờ cũng ước nguyện những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, toàn cảnh thế giới năm 2009 theo nhận định của tác giả Eric S. Margolis trên tờ The Huffington Post lại chứa đựng nhiều gam màu tối hơn.

Theo tác giả này, nền kinh tế trị giá 13.700 tỉ USD của Mỹ sẽ tiếp tục suy thoái và điều đó làm thất nghiệp tăng cao, khiến chủ nghĩa cực đoan và bạo lực chính trị có cơ hội tái phát. Trong khi đó, sự căng thẳng giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể trở thành một cuộc khủng hoảng nguy hiểm nếu Washington vẫn theo đuổi việc kết nạp Gruzia và Ukraina.

Tại Nam Á, hai cường quốc hạt nhân Ấn Độ và Pakistan tiếp tục có những động thái cứng rắn, tạo ra bầu không khí căng thẳng có thể bùng nổ xung đột vào bất cứ lúc nào, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh hạt nhân ở khu vực Kashmir đang tranh chấp giữa hai nước. Còn ở Đông Á, bầu không khí chính trị tại Thái Lan khó lắng dịu và quan hệ giữa hai miền Triều Tiên có thể xấu thêm.

Tại Trung Đông, Iran sẽ đạt được bước tiến mới trong chương trình hạt nhân. Và dù tình báo Mỹ cho rằng Tehran đã đình chỉ chương trình sản xuất bom nguyên tử, Tel Aviv vẫn thúc giục Washington tấn công Iran. Israel cũng có khả năng đánh Iran trước và buộc Mỹ phải nhảy vào hỗ trợ. Trong khi đó, cuộc xung đột dai dẳng suốt 60 năm qua giữa Israel và Palestine chưa thể kết thúc vì khả năng đảng Likud đối lập lên nắm quyền ở Israel và không chịu “đổi đất lấy hòa bình”. Tại Ai Cập, thời kỳ cầm quyền lâu dài của Tổng thống Hosni Mubarak có thể chấm dứt trong năm 2009 và dẫn tới một cuộc tranh giành quyền lực do đảng Huynh đệ Hồi giáo theo đường lối dân tộc chủ nghĩa khởi xướng.

Ở hai “vũng lầy” Iraq và Afghanistan, mặc dù Lầu Năm Góc chi 15 tỉ USD/tháng nhưng tình hình an ninh sẽ ngày càng tồi tệ. Iraq có thể tái diễn bạo lực và phân hóa thành 3 quốc gia nhỏ, còn Afghanistan sẽ là “một Iraq mới” đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama.

Tại châu Phi, cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất sẽ chuyển từ khu vực Darfur của Sudan sang Somalie, làm hàng triệu người lâm vào cảnh thiếu ăn. Cùng với Somalie, Zimbabwe có thể bị Anh-Mỹ can thiệp bằng quân sự.

PHÚC GIA AN
(Theo The Huffington Post, BBC)

Chia sẻ bài viết