24/12/2017 - 14:59

Những điều ít biết về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm 

Tuyết Giang Phu tử- Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà giáo dục, nhà hiền triết, nhà nho hết lòng trung quân ái quốc, một lòng vì sự nghiệp giáo dục và nền hòa bình của quốc gia. Ông cũng được biết đến như cố vấn cho cả 3 thế lực chính trị Trịnh- Nguyễn- Mạc, với tâm niệm giúp nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than.

Từ gợi ý mở mang bờ cõi

Năm 1545, nội chiến Nam Bắc triều đang trong giai đoạn ác liệt thì hàng tướng Dương Chấp Nhất đã đầu độc chủ tướng của mình là Nguyễn Kim, từ đó binh quyền rơi vào tay của con rể họ Nguyễn là Trịnh Kiểm, một vị tướng tài, tuy nhiên đa nghi. Khi đó, Nguyễn Kim có hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Cả hai tuy còn trẻ nhưng đã chứng minh được trí dũng và tài thao lược. Điều đó làm sao không khiến họ Trịnh băn khoăn lo lắng?

Khung cảnh Lễ hội Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Vài tháng sau khi Nguyễn Kim bị sát hại, Nguyễn Uông cũng chết vì độc dược. Nguyễn Hoàng lo lắng, cho người thân tín ra Bắc tìm đến Trạng Trình nhờ cụ chỉ lối và đã được mách bảo kín đáo như sau: “Hoàng sơn nhất đái, khả dĩ dung thân”, tạm dịch “Một dải núi ngang có thể làm chốn dung thân được” (“Các triều đại Việt Nam”, Đỗ Đức Hùng- Quỳnh Cư, trang 307). Nguyễn Hoàng xin với chị của mình, là vợ Trịnh Kiểm, được vào trấn thủ ở miền Thuận Hóa, vốn là nơi rừng thiêng nước độc, đất đai cằn cỗi. Trịnh Kiểm cử Nguyễn Hoàng đi vào năm 1558. Từ đó, Nguyễn Hoàng mới có thể lập nên cơ nghiệp Đàng Trong.

Khi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ra lời căn dặn, người có tầm nhìn xa như cụ hẳn đã thấy được tài năng “đội trời đạp đất” của Nguyễn Hoàng, người mà lịch sử đã chứng minh, có thể biến vùng đất “cày lên sỏi đá” thành một vùng đất giàu mạnh, có thể sánh ngang với thực lực chúa Trịnh. Vì thế, nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng Tuyết Giang phu tử đã thể hiện mong ước vươn xa ra đất bằng và biển rộng trong lời nhắn của mình.

Đến việc đứng về triều đại được lòng dân

“Đại Việt Sử ký toàn thư” (trang 583) có chép: “Khi vua Lê Trung Tông mất, Trịnh Kiểm có ý muốn thay nhà Lê nhưng vì sợ dư luận nên cho người đến hỏi ý kiến của cụ Trạng. Khi nghe sứ giả trình bày, cụ có ý không bằng lòng nhưng không nói ra, chỉ đến xem hũ gạo một cách bâng quơ rồi nói: “Gạo năm nay xấu quá, chúng bay tìm gạo cũ mà gieo”, khi có vị sư đến chơi, cụ lại nói: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”. Họ Trịnh hiểu ý, cho đón người cháu của người anh Lê Lợi là Lê Trừ về làm vua”.

Một số ghi chép của lịch sử (“Sử ta- Chuyện xưa kể lại”, Nguyễn Huy Thắng, trang 99) về lời căn dặn thầm kín của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm dành cho Trịnh Kiểm, để rồi lịch sử Việt Nam đã phát triển theo một chiều hướng chưa từng thấy trong lịch sử phong kiến: Thời kỳ “nhị thống” mà về sau sử thường gọi là “vua Lê chúa Trịnh”. Ở đây, ta lại có thể tìm thấy một số điều đáng suy ngẫm về cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Cụ là một trong những nho gia có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và một nho gia chân chính phải mang trong mình tư tưởng “Tôi trung không thờ hai chúa”. Chẳng phải với cương vị là Trạng Nguyên của triều Mạc, cụ phải hết lòng phò tá nhà Mạc sao? Trên thực tế, ông vẫn hết lòng với nhà Mạc và sự nghiệp canh tân của vương triều. Khi còn đang tại thế, ông vẫn đóng góp nhiều bài tấu, sớ về việc canh tân vương triều để phù hợp lòng dân. Ngay cả khi họ Mạc thất thủ, ông vẫn đóng góp một kế nhỏ để duy trì họ Mạc được thêm vài đời nữa. Nếu đã như vậy, thì tại sao ông lại hiến kế kích thích lòng dân cho họ Trịnh, bằng cách khuyên Trịnh Kiểm phò tá vua Lê? Chẳng phải như vậy là ông đã làm trái với danh hiệu “Tuyết Giang phu tử” mà người đời truyền tặng, với những bài học trung quân ái quốc mà ông vẫn truyền dạy cho các học trò?

Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích tình hình đất nước thời đó, sẽ thấy lòng yêu nước của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm khiến ông đặt lợi ích quốc gia lên trên lòng trung của bản thân. Giở lại những trang lịch sử dân tộc thời nhà Mạc, có thể thấy được sự khốn khó cùng cực của nhân dân và sự nguy nan của vận nước: Nội chiến Nam Bắc đã kéo dài hàng chục năm, Mạc triều tuy là “chính triều”, nhưng ngày càng không được lòng dân, còn Nam triều với chúa Trịnh đang được sự ủng hộ to lớn từ nhân dân. Họ coi Trịnh Kiểm như “Vị chúa của nghiệp Trung hưng” (“Sử ta- Chuyện xưa kể lại”, Nguyễn Huy Thắng, trang 70). Nếu ông thật sự coi trọng nhân dân, đất nước; thì phải tìm cách kết thúc chiến tranh sớm bằng cách đứng về triều đại được nhân dân ủng hộ. Và triều đình Lê- Trịnh hình thành từ gợi ý của ông đã thi hành những chính sách được lòng dân, giúp nước ta ổn định trong hơn 2 thế kỷ.

Ở đây, ta lại thấy sự vĩ đại của Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi ông đã dám vượt qua những quan niệm cũ của một nhà nho để thực sự đứng về phía nhân dân, về phía đất nước.

Chỉ điểm cho những người bảo vệ biên cương thầm lặng

Lịch sử đã bỏ sót công lao của một số người, điển hình trong đó là tàn dư họ Mạc ở Cao Bằng.

Sau khi Khiêm Vương Mạc Kính Điển mất, nhà Mạc suy vong nhanh chóng và Mạc Mậu Hợp bị bại vong. Trong bối cảnh đó, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dốc hết tâm sức còn lại giúp duy trì dòng họ Mạc thêm vài đời nữa. Khi được sứ giả đến hỏi về kế giúp nhà Mạc không bị diệt vong, mặc dù đang bệnh nặng, nhưng ông vẫn trả lời rất minh mẫn: “Cao Bằng tuy tiểu, khả diên số thể”, tạm dịch “Đất Cao Bằng tuy nhỏ nhưng có thể giữ được” (“Những viên ngọc sáng trong lịch sử Việt Nam”, Trương Ngọc Thơi-Lê Văn Phương, trang 68). Nhà Mạc rút lên Cao Bằng và truyền được thêm vài đời vua nữa, tồn tại thêm được 85 năm, lâu hơn cả thời gian nắm giữ “chính triều” (66 năm).

Trong khoảng thời gian này, nhà Mạc có thể coi là một tiểu quốc với những công lao đáng kể trong lịch sử Việt Nam. Họ là nguyên nhân chính khiến Chúa Trịnh không thể huy động toàn bộ sức lực của mình để tiêu diệt Chúa Nguyễn và khiến cho Trung Quốc gần như không thể tiến quân vào Việt Nam.

Lịch sử vẫn ghi nhận Trịnh- Nguyễn phân tranh làm cho thế nước ta dần suy yếu, dân chúng lầm than, tạo điều kiện để các thế lực bên ngoài tìm cách can thiệp, mà đáng kể nhất là Trung Quốc. Như vậy, một lần nữa sử sách ghi nhận tài thao lược của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phải chăng sau khi gợi ý để chúa Nguyễn vào nam lập nên cơ nghiệp ở Đàng Trong, thấy trước khả năng đất nước suy yếu do cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn, nên cụ lại cố vấn để họ Mạc trở thành một lực lượng bảo vệ biên giới? Ta có thể thấy được những đóng góp của họ Mạc trong việc giữ gìn biên cương quốc gia trong lịch sử Việt Nam. Di tích Thành nhà Mạc hiện nay chính là một bằng chứng cho việc đó, chứng minh rằng nhà Mạc ở Cao Bằng đã đoàn kết được những dân tộc thiểu số để làm nguồn lực lâu dài cho vương triều, tổ chức được một lực lượng quân sự tương đối để bảo vệ vương triều của mình, và tổ chức được một nền giáo dục tạo nền tảng cho phát triển. Họ là những người bảo vệ biên cương thầm lặng.

***

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được lịch sử Việt Nam ca ngợi như một vị quân sư tài ba cho cả ba thế lực chính trị, một nhà văn hóa lớn có những đóng góp nhất định trong lịch sử văn học quốc âm Việt Nam và một nhà nho yêu chuộng hòa bình. Trên hết, là một nho sĩ đặc biệt với một quan niệm chính trị khác biệt ở thời đó: Không trung với bất kỳ một vị vua vị chúa nào, mà hết lòng vì nhân dân, vì đất nước.

MAI TẤN THIỆN

NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491-1585) hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, thường được tôn xưng là Tuyết Giang phu tử. Ông nổi tiếng thông minh, hiếu học từ nhỏ và bái sư Bảng nhãn Lương Đắc Bằng nổi danh giới sĩ phu đương thời.

Trong thời đại nhiều biến cố, ông không vội tham gia khoa cử, đến năm 1535, dưới thời Mạc Thái Tông thịnh trị nhất triều Mạc, ông mới ứng thí và đỗ trạng nguyên, được bổ nhiệm làm Đông các hiệu thử, rồi lần lượt giữ chức Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ lại kiêm Đông các Đại học sĩ.

Khi Mạc Hiển Tông lên ngôi, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ trị tội 18 lộng thần nhưng vua không chấp nhận. Năm 1542, ông xin về quê. Hai năm sau, vua Mạc lại mời ông ra làm quan, phong tước Trình Tuyền Hầu, thăng chức Thượng thư bộ Lại, Thái phó, tước Trình Quốc Công. Vì thế, người đời thường gọi ông là trạng Trình.

Trạng Trình còn nổi tiếng với khả năng tiên tri, người đời còn lưu truyền nhiều tiên đoán được cho là của ông và gọi là Sấm trạng Trình. Ông còn được coi là một trong những người đầu tiên trong lịch sử nước ta nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ chủ quyền biển Đông. Trong bài Cự Ngao Đới Sơn (Bạch Vân am thi tập), ông viết: Biển Đông vạn dặm dang tay giữ / Đất Việt muôn năm vững trị bình / Chí những phù nguy xin gắng sức /Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình.

Chia sẻ bài viết