10/07/2009 - 20:43

Những điểm sáng về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

Chị Lý Thị Thanh Việt (bìa phải) cán bộ chuyên trách dân số phường An Cư thăm một gia đình tham gia thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Nhiều năm liền, phường An Cư, quận Ninh Kiều và xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, luôn giữ vững được thành tích không có người sinh con thứ 3 trở lên. Để đạt được mục tiêu này, có sự đóng góp vô cùng to lớn của những cán bộ chuyên trách (CBCT) và cộng tác viên dân số (CTVDS) cơ sở. Họ đã tận tụy vượt qua mọi khó khăn, vất vả trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Tổng kết chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình đợt 1 năm 2009, quận Ninh Kiều dẫn đầu thành phố, trong đó nổi bật là phường An Cư. Bà Đặng Thu Hà, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Ninh Kiều, cho biết: “An Cư là một trong những phường xuất sắc của quận Ninh Kiều với nhiều thành tích, đặc biệt trong các mặt công tác DS-KHHGĐ. CBCT về mảng dân số có trình độ, thâm niên công tác, nhiệt tình; CTVDS năng nổ, luôn chịu khó kết hợp với nhau hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu được giao. Thế mạnh của phường là cán bộ dân số có tinh thần chủ động, tham mưu tốt với lãnh đạo địa phương, đề ra những phương án hoạt động phù hợp nên khắc phục được khó khăn khi thực hiện các đợt cao điểm triển khai chiến dịch truyền thông dân số”.

Chị Lý Thị Thanh Việt, CBCT dân số phường An Cư, kể: Sau mỗi lần nhận kế hoạch, chị đều tham mưu với các cấp lãnh đạo phường, phân bổ chỉ tiêu đến từng khu vực, thành lập ban chỉ đạo chiến dịch, có lịch kiểm tra, giám sát để theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Ngay từ đầu năm 2009, chỉ tiêu không sinh con thứ 3 ở 6 khu vực trong phường được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm. Chị Việt cùng đội ngũ CTVDS nắm sát đối tượng phụ nữ 15-49 tuổi đã có gia đình, rà soát các cặp vợ chồng chưa sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) chắc chắn, có nguy cơ sinh con lần thứ 3, nhất là những phụ nữ có 2 con một bề, gia đình khá giả để tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện KHHGĐ. Chị tranh thủ tuyên truyền vào các buổi họp nhóm phụ nữ, các dịp tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ. Cách ăn nói nhỏ nhẹ, đầy sức thuyết phục là lợi thế của chị Việt khi vận động. 5 năm qua, chị Việt và Ban DS-KHHGĐ phường An Cư luôn được quận và thành phố khen thưởng về công tác DS-KHHGĐ, 3 năm liền (2006-2008) đạt chuẩn phường không có người sinh con thứ 3 trở lên. Năm 2006, 2008 phường An Cư được công nhận là Phường cộng đồng, cuối năm 2008, phường còn được công nhận là Phường văn hóa. Thành tích trên có sự đóng góp không nhỏ của những người làm công tác dân số.

Thời khóa biểu thường thấy của chị Việt là sáng đi tối về, có khi ôm sổ sách về thức đêm làm cho kịp tiến độ công việc. Ngoài công tác DS-KHHGĐ, chị Việt còn kiêm nhiệm nhiều việc khác ở phường vì thấy có lợi cho hoạt động của ngành. Tháng 7 này, chị Việt là đại biểu duy nhất của quận Ninh Kiều được cử đi dự hội nghị tuyên dương cán bộ DS-KHHGĐ cơ sở tiêu biểu toàn quốc. Chị Việt tâm sự: “Dân trí trên địa bàn không đồng đều, các đối tượng là cán bộ công chức tuyên truyền rất dễ, nhưng cũng có không ít đối tượng khó tiếp xúc, không cho vào nhà, nói nặng lời, vận động nhiều lần mới tham gia thực hiện KHHGĐ. Qua quá trình công tác, tôi đã vận động được 55 ca triệt sản, đặt vòng 2.337 người, dùng thuốc tránh thai 387 người... Cán bộ giỏi phải nắm vững chuyên môn, biết cách thuyết phục, tôn trọng và hiểu tâm tư, hoàn cảnh của đối tượng mới vận động thành công. Tính đến thời điểm này, phường đã đạt 97,87% kế hoạch năm”.

Trong số 27 CTVDS của phường An Cư, chú Trần Trọng Kết ở khu vực 3 là thành viên nam duy nhất. Vóc dáng nhỏ nhắn, mang kính cận, tóc bạc trắng, luôn có quyển sổ trên tay là hình ảnh quen thuộc của chú Kết vào mỗi sáng khi đi vận động, tuyên truyền công tác dân số. Chú Kết rất kiên nhẫn trong việc vận động đối tượng đình sản. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, chú thường xuyên vãn gia để nắm tình hình. Nhờ sự hết lòng của chú Kết, năm nào mảng dân số ở khu vực 3 cũng vượt chỉ tiêu đề ra.

Theo đánh giá của Chi cục DS-KHHGĐ TP Cần Thơ, Đông Bình là xã xuất sắc nhất của huyện Thới Lai (đơn vị đứng thứ nhì thành phố về chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình đợt 1 năm 2009), đã được UBND TP Cần Thơ tặng bằng khen vào đầu tháng 7 vừa rồi về thành tích thực hiện các chỉ tiêu dân số.

Chị Lê Thị Vấn, CBCT xã Đông Bình, cho biết: Đông Bình là xã xa nhất của huyện Thới Lai, chủ yếu làm nghề nông, trình độ dân trí thấp nên việc vận động bà con thực hiện KHHGĐ là một hành trình gian nan. Tham gia công tác dân số kiêm phụ trách y tế từ năm 1992 qua nhiều xã vùng sâu của huyện Cờ Đỏ, chị Vấn gắn với xã Đông Bình (trước khi được chia tách) hơn 10 năm nay. Trước đây, Đông Bình còn nhiều hộ nghèo, đông con, đường sá lầy lội, điện không có. Muốn vào nhà dân, chị Vấn phải đi đò, lội ruộng, leo cầu khỉ... Về vùng sâu công tác, chứng kiến cảnh chị em cơ cực, con cái thất học vì đông con, chị Vấn tự nhủ phải tìm biện pháp giúp mọi người có sự chuyển biến về nhận thức, thực hiện KHHGĐ, như vậy cuộc sống mới ấm no, bền vững. Vốn là y sĩ sản khoa, kinh nghiệm bản thân và chuyên môn nghiệp vụ sẵn có, chị đến nhà người dân chăm sóc sức khỏe miễn phí, tạo dựng tình cảm rồi từng bước hướng dẫn mọi người thực hiện sinh đẻ có kế hoạch... Ở địa bàn nào, chị Vấn cũng được bà con thương mến. Chị Vấn cho biết: “Từ năm 2005, khi xã Đông Bình đăng ký xã không sinh con thứ 3 và giữ vững được thành tích 4 năm liền, thì bộ mặt xã đã đổi khác. Giờ đây, Đông Bình đường sá đi lại dễ dàng, nhà cửa khang trang, cuộc sống bà con ổn định, con cái được ăn học đàng hoàng, nhiều người có bằng đại học. Năm 2008, xã Đông Bình còn được công nhận là Xã cộng đồng”.

Chị Vấn có gương mặt xinh xắn, tác phong nhanh nhẹn, lanh lợi. Kể về công tác DS-KHHGĐ, mắt chị lấp lánh niềm vui. Chị khoe chỉ tiêu chiến dịch truyền thông đợt 1 xã đạt hơn 100% và sớm hơn so với dự kiến. Tính đến thời điểm này, các chỉ tiêu năm cơ bản hoàn thành. Theo chị Vấn, có được thành quả trên, thuận lợi lớn nhất là sự quan tâm của lãnh đạo của các cấp cùng sự quyết tâm của CBCT và đội ngũ CTVDS, ban nhân dân các ấp, ai cũng nhiệt tình, nhạy bén, bám theo kế hoạch để thực hiện. Với sự phấn đấu, nỗ lực của ban DS-KHHGĐ, các chỉ tiêu về dân số luôn đạt trên 100% về 4 BPTT, đặc biệt là biện pháp đình sản trong thời gian sớm nhất, tỷ lệ phát triển dân số mỗi năm đều giảm, giảm mức sinh và tăng tỷ lệ sử dụng 4 BPTT. Điều đặc biệt ở xã Đông Bình là nam tham gia đình sản nhiều hơn nữ, đảm bảo được sức khỏe cho chị em.

Ban DS-KHHGĐ xã Đông Bình có mô hình rất hiệu quả là kết hợp với Hội Phụ nữ thành lập các nhóm dự án lồng ghép dân số. Những hộ thực hiện đình sản, đăng ký không sinh con thứ 3 đều được ưu tiên tham gia nhóm để vay vốn làm ăn, hộ nghèo sẽ được xét cất nhà tình thương hoặc hỗ trợ sửa chữa nhà... Năm 2004, xã có 5 nhóm dự án, giờ đã tăng lên 15 nhóm. Bên cạnh đó, ban DS-KHHGĐ còn tham mưu để Đài truyền thanh xã đưa tin hằng tuần về quyền và lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ, tác hại của việc sinh nhiều con, kết hợp Trạm y tế xã lập phòng tư vấn cho chị em... Hiện 8 ấp của xã có 16 cộng tác viên dân số, nhiệt tình, có thâm niên như dì Lê Thị Hồng Thắm (ấp Đông Giang), chú Thái Văn Cầu (ấp Đông Thắng)... Thành viên nào cũng có gia đình hạnh phúc, con cái có nghề nghiệp ổn định nên tạo được uy tín, nói bà con dễ nghe.

Gần 20 năm gắn bó với nghề, chị Vấn đã được nhận Huy chương Vì sự nghiệp dân số, rất nhiều bằng khen cấp thành phố. Năm 2007, chị Vấn vinh dự được cử đi Hà Nội dự hội nghị tuyên dương cán bộ quản lý dân số giỏi... Chị Vấn chia sẻ: “Dân số ổn định sẽ góp phần thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình, giảm áp lực về giáo dục, y tế, môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát huy vai trò trong gia đình và ngoài xã hội. Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập CLB không sinh con thứ 3 để chị em có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Khó khăn chúng tôi thường gặp là một bộ phận người dân chưa nhận thức tốt về KHHGĐ, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền vận động; một số chị em thường xuyên thay đổi BPTT gây tình trạng khó quản lý... Nguyện vọng lớn nhất của tôi là làm sao giúp chị em thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn với con cái và có vị trí trong xã hội, tiến tới xây dựng gia đình ít con no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết