11/03/2009 - 08:29

Đồng bằng Sông Cửu Long

Nhộn nhịp những chuyến ra khơi

Đầu năm đến nay, thông tin nhiều lần giá dầu giảm còn ở mức 11.000 đồng/lít làm nhiều chủ tàu cá ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phấn khởi. Hoạt động khai thác, đánh bắt đã trở nên nhộn nhịp. Tuy nhiên, các chủ tàu cá vẫn còn băn khoăn khi giá các loại thủy sản vẫn còn bấp bênh...

Tàu cá đã có lời

Tại Sóc Trăng, thông tin giá dầu giảm thêm 500 đồng/lít ngay lập tức có hiệu ứng tích cực. Chị Trần Thị Thu, một chủ tàu cá ở Cảng Trần Đề, phấn khởi nói: “Mỗi tháng đội tàu khai thác lưới đèn của tôi tiêu thụ khoảng 70.000 -80.000 lít dầu. Giá dầu giảm 500 đồng/lít coi như giảm được chi phí từ 35-40 triệu đồng/tháng. Thời buổi giá cả sản phẩm luôn trồi sụt, biển luôn bất thường thì việc giá dầu giảm là tin mừng đối với ngư dân chúng tôi”. Ra khơi từ mùng 4 Tết Kỷ Sửu đến nay, đội tàu của chị Thu liên tục về bến vì khai thác trúng cá chỉ vàng, cá nục, cá thu... Chị cho biết: “Những tàu lưới đèn hay ghe cào xa bờ ra khơi từ mùng 4 đến 8 Tết đều trúng đậm chuyến biển đầu năm. Trước đây, thay vì phải đi từ 15-20 ngày, thậm chí cả tháng mới vô, thì đầu năm đến nay chỉ từ 7-10 ngày là cá đầy tàu”.

Theo qui luật, thời điểm bắt đầu có gió chướng đến hết tháng 2 âm lịch là mùa khai thác trúng của ghe cào và 3 tháng tiếp theo là mùa khai thác của lưới vây, lưới đèn. Nhưng năm nay, theo ngư dân ở Cảng Trần Đề, tất cả phương tiện khai thác đều trúng mùa. Anh Trầm Văn Thùy, chủ một cặp tàu cào đôi, cho biết: “Ghe cào là phương tiện tiêu hao nhiều dầu nhất. Mỗi chuyến đi khoảng 15 ngày coi như mất đứt 20.000 lít dầu. Trước đây khi giá dầu lên cao, có lúc tôi phải cho tàu neo bờ. Nhưng từ giữa tháng 9-2008 giá dầu lần lượt giảm, tàu ra khơi đều đặn trở lại. Từ lúc vô vụ khai thác đến giờ, nhìn chung sản lượng rất ổn định, có thời điểm khai thác đạt sản lượng rất cao như lúc đầu năm 2009”.

 Hải sản về Cảng Tắc Cậu - Kiên Giang rất nhiều. Ảnh: THÀNH NHÂN

Tại Kiên Giang cũng không có ghe nằm bờ. Theo các chủ tàu cá, chi phí mỗi chuyến biển 45 ngày cho mỗi cặp cào đôi còn khoảng 600 triệu đồng/chuyến biển, giảm rất nhiều so với lúc giá dầu ở mức cao khoảng 900 triệu đến 1 tỉ đồng mỗi chuyến biển. Ông Đoàn Hồng Chương, chủ cặp tàu cào đôi KG-90793TS và KG-90973TS ở TP Rạch Giá, cho biết: “Tình hình đánh bắt xa bờ hiện nay khả quan hơn. Bình quân, mỗi bạn thuyền cũng kiếm được khoảng 3 triệu đồng/chuyến biển. Mức này được coi là khá trong điều kiện khai thác khó khăn. Có lời chút đỉnh, ngư dân sẵn sàng ra khơi...”. Thời điểm này là mùa đánh bắt nên có tàu hoạt động trên biển suốt 3-6 tháng mới vào bờ một lần. Đội tàu tải thường xuyên ra khơi hoặc cặp bến Rạch Gốc (Cà Mau) trung chuyển hải sản và cung cấp nhiên liệu, nước đá, lương thực để tàu tiếp tục ra khơi, giảm chi phí và tăng thời gian khai thác.

Theo các ngành hữu quan tỉnh Cà Mau, hai tháng đầu năm 2009, có khoảng 60-70% đội tàu đánh cá của tỉnh có lãi, sản lượng thủy hải sản khai thác từ biển hơn 28.500 tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2008. Đặc biệt, tại thị trấn Cái Đôi Vàm (Phú Tân), thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán 2009, ngư dân trúng đậm mùa cá khoai. Trong khi đó, hơn 70% tàu cá của ngư dân Sông Đốc (Trần Văn Thời), Khánh Hội (U Minh) trúng đậm tôm, cá, mực... Theo chủ các tàu cá, những chuyến ra khơi vừa qua, phần lớn đều đạt doanh thu 50 - 100 triệu đồng/chuyến, sau khi trừ chi phí còn lãi hàng chục triệu đồng. Khoản lợi nhuận này chưa nhiều, song bước đầu đã giảm bớt những mối lo lắng của ngư dân...

Nhưng vẫn chưa hết lo

Gần như suốt năm 2008, giá bán lẻ xăng dầu trong nước liên tục tăng khiến hoạt động khai thác đánh bắt trên biển của ngư dân ĐBSCL cũng như cả nước gặp nhiều khó khăn. Hàng chục ngàn tàu đánh cá phải “nằm bờ” vì chủ tàu không thể trang trải chi phí ra khơi. Khi giá xăng dầu giảm, hoạt động nghề biển đã khởi động trở lại. Tuy nhiên, các chủ tàu, ngư dân vẫn còn nhiều băn khoăn.

Theo giới kinh doanh hàng thủy sản ở Cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, trong nửa tháng đầu năm, giá nhiều mặt hàng hải sản đã tăng vọt như: cá lù đù, bạc má có giá 13.000-14.000 đồng/kg; mực ống 45.000-48.000 đồng/kg; cá chỉ vàng giá 14.000 đồng/kg. Phần lớn việc thu mua sản phẩm khai thác do chủ vựa nắm quyết định. Trong khi đó, các cơ sở thu mua, chế biến trong khu vực Cảng Trần Đề chưa nhiều, năng lực còn hạn chế, chưa đủ đối trọng để có thể cạnh tranh về giá với vựa nên ngư dân còn bị thiệt thòi. Chị Trần Thị Thu, một chủ tàu cá ở Cảng Trần Đề cho biết: “Sản lượng hải sản khai thác từ biển đang giảm dần; trong khi đó giá sản phẩm tôm, cá... đã chững lại làm giảm hiệu quả khai thác. Đây là một trong những nỗi lo lắng lớn nhất hiện nay của ngư dân”. Theo tính toán của nhiều chủ tàu cá, nếu chi phí mỗi chuyến biển hiện giảm 30-35% thì giá nguyên liệu lại giảm đến 60-70%. Cá tạp “bán xô” khi giá dầu ở mức cao có giá bán trên 10.000 đồng/kg, nhưng hiện nay giảm xuống 3.000-4.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá một số mặt hàng thu mua tại cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành, Kiên Giang) đang giảm từng ngày. Cá đổng bán xô giá 17.000-18.000 đồng/kg hiện còn khoảng 8.500-9.000 đồng/kg, cá mối 13.000-14.000 đồng/kg nay giảm còn một nửa. Nhiều nhà máy chế biến chả cá tại chỗ ngưng ăn hàng, dẫn đến nguồn nguyên liệu cá giảm giá đáng kể, làm giảm lợi nhuận của ngư dân.

Trong khi đó, theo thông tin từ các chủ tàu đánh bắt xa bờ ở Kiên Giang, lao động trên các tàu đánh bắt xa bờ hiện đang thiếu trầm trọng. Nhiều tàu ra khơi trong điều kiện thiếu bạn tàu. Nguyên nhân chính là do lúc giá dầu tăng cao, nhiều tàu hoạt động lỗ lã phải nằm bờ, ngư phủ chuyển sang nhiều ngành nghề khác. Hiện nay, chủ tàu phải chi trả cho người môi giới khoảng 200.000-300.000 đồng/lần giới thiệu lao động; đồng thời, cho bạn tàu mới ứng tiền trước 500.000-1.000.000 đồng, thay vì ứng tiền sau mỗi chuyến biển như trước đây.

Trong năm 2008, Chính phủ ban hành Quyết định số 289/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân. Thực hiện Quyết định này, hàng chục ngàn tỉ đồng đã được đưa đến với ngư dân để: đóng mới, mua mới tàu, mua bảo hiểm thân tàu và thủy thủ đoàn... Bên cạnh đó, hiện nay nhiều địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để giúp những người sống nhờ hoạt động đánh bắt, khai thác biển ổn định cuộc sống. Như tỉnh Cà Mau đang tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn nghề biển cho ngư dân, thực hiện các mô hình chuyển đổi ngành nghề; xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá... Với những hoạt động hỗ trợ tích cực như trên, hy vọng rằng, những chuyến biển của người dân ĐBSCL và cả nước sẽ dần hết nỗi lo...

NHÓM PV - CTV

Chia sẻ bài viết