30/12/2018 - 08:02

Nhớ một thời xe ngựa Cần Thơ 

Cuốn “Petit cours de Geographie de la basse - cochinchine”(1) đã ghi: Vào lối năm 1875, tại Nam Kỳ lục tỉnh, đường sá chưa có nhiều, sự giao thông đều trông cậy vào sức người, sức ngựa. Phương tiện đi lại phổ biến ở Nam bộ vào những năm đầu thế kỷ XX là xe ngựa và nhiều tài liệu còn ghi chép Sài Gòn - Gia Định và một số tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre… là những nơi xe ngựa hoạt động thịnh hành nhất.

Xe ngựa- xe thổ mộ

Mỗi vùng miền có cách gọi xe ngựa khác nhau. Người Sài Gòn - Gia Định gọi là xe thổ mộ (voiture trainée par un cheval). Người miền Tây gọi xe ngựa (voiture à cheval). Tuy nhiên, Địa chí Cần Thơ lại ghi “Xe ngựa ở Cần Thơ phần nhiều là xe thổ mộ, xe hai bánh, dùng sức kéo, chở được nhiều khách, vừa chở hàng hóa rất thuận lợi(2). Thú vị là tại vùng Bày Núi - An Giang, cách nay non trăm năm người ta chưa quen khái niệm về “xe” nên bà con gọi là “đi ngựa”, “đi bò” chứ không gọi xe ngựa và xe bò. Sau này xe ngựa phát triển với số lượng ngày càng nhiều nên mới gọi xe ngựa.

Chiếc xe ngựa được tái hiện tại khu du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ). Ảnh: Kiều Mai
Chiếc xe ngựa được tái hiện tại khu du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ). Ảnh: Kiều Mai

Xe thổ mộ là loại xe một ngựa kéo bắt nguồn từ loại xe song mã (voiture à deux cheveaux) theo kiểu dáng Pháp được cải tiến cho phù hợp với địa hình và sở thích của người Việt. Một lần vô Sài Gòn, Tản Đà rất thích loại xe này nên đã thuê với giá 2 đồng/giờ để cùng gia đình đi dạo: “Sài Gòn nhớ vị cá tra / Cái xe song mã chén trà Nhất Thiên” (3). Năm 1918, khi đi chơi Nam kỳ, Phạm Quỳnh cũng có lần đi xe kiếng do một ngựa kéo.

Cho tới nay, vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về nguồn gốc của hai chữ thổ mộ.  Theo “Tự vị tiếng nói miền Nam”, cụ Vương Hồng Sển giải thích: “Thổ mộ là thứ xe do một ngựa kéo dùng chở hàng chở bộ hành vùng ngoại ô Sài Gòn - Chợ Lớn - Lái Thiêu… đặc biệt có cái mui khum khum như núm mồ, Tây gọi xe hộp quẹt “boite d’allumettes”. Nhiều tác giả cho rằng chính vì xe có cái mui khum như mu rùa, giống ngôi mộ nên mới gọi là xe thổ mộ”. Có lẽ vì kiêng chữ “mộ” liên quan đến điều không lành nên người miền Tây không gọi xe thổ mộ mà cứ gọi nôm na: xe ngựa.

Cần Thơ, một thời xe ngựa

Sách Địa chí Cần Thơ viết: “Năm 1930, tại một số chợ xung quanh thị xã Cần Thơ như Bình Thủy, Cái Răng, phương tiện đi lại chủ yếu là xe ngựa, xe bò, xe kéo”. Tại Sài Gòn, xe ngựa xuất hiện vào năm 1920 và bắt đầu phổ biến ở Nam kỳ lục tỉnh từ năm 1930. Từ sau khi phà Cần Thơ được khánh thành (năm 1918) và khi nhà cầm quyền Pháp mở rộng các trục lộ giao thông, sau đó Cần Thơ có ba tuyến đường xe ngựa: tuyến Bình Thủy - Cần Thơ; tuyến Lộ Tẻ Cầu Ván - Cái Khế và tuyến Cái Răng - Cần Thơ.

Bức ký họa nhà thuốc Tây Bùi Văn Sách và rạp hát Casino, nơi xe ngựa thường qua lại cách nay hơn nửa thế kỷ (ảnh tư liệu).
Bức ký họa nhà thuốc Tây Bùi Văn Sách và rạp hát Casino, nơi xe ngựa thường qua lại cách nay hơn nửa thế kỷ (ảnh tư liệu).

Xe ngựa Cần Thơ lúc đầu có bánh xe làm bằng cây, sau đó một số người đổi thành bánh cao su bơm hơi. Về thùng xe, có những chiếc làm bằng mui vải có thể tự động kéo lên sập xuống; có loại mui cây, thùng rộng và dài tiện lợi cho việc chất hàng, cũng có loại mui trần. Ngoài ra, có những chủ xe khá giả sắm loại xe bốn bánh theo kiểu dáng Pháp, trang bị cả băng nệm dành cho những hành khách sang trọng. Riêng tại Bình Thủy có người sắm xe ngựa không phải để đưa khách mà dùng làm phương tiện đi lại trong gia đình nên xe rất đẹp và kiểu cách.

Khi xe chạy, người đánh xe (hay cầm cương) gọi là “xà ích” (4) thường bóp còi bí bo, lại thêm tiếng lục lạc leng keng hòa cùng với tiếng ngựa hí và tiếng lốc cốc trên đường giống như một bản hòa tấu thật êm tai: “Leng keng nhạc ngựa trong sương / Ai về quê cũ chung đường thì đi” (ca dao). 

Khoảng những năm 1950, tuyến Bình Thủy - chợ Cần Thơ đông khách nhất, mỗi ngày có đến 5 - 6 chiếc hoạt động, rước khách tại xóm Chợ Mới - Ngã Tư và chợ Bình Thủy. Hàng hóa chuyên chở thường là trái cây, đồ vườn, đồ rẫy, gia cầm, cá mắm. Hầu hết các xe đều khởi hành từ 4 - 5 giờ sáng và khi đến nơi là trời vừa rạng sáng. Tuyến Lộ Tẻ - Cần Thơ chỉ có ba bốn xe nhưng rất sung vì Lộ Tẻ - Cầu Ván có nhiều vườn cây ăn trái. Hằng đêm, khi gà vừa gáy canh tư là bà con đầu đội trái cây, tay quơ đuốc lá dừa tiến về Cầu Ván để chất hàng lên xe ngựa. Tuyến Cái Răng – Cần Thơ cũng có 3 đến 4 xe. Cứ gà vừa gáy sáng là họ dẫn xe đến đầu cầu Cái Răng chờ khách từ phía Phong Điền, Mỹ Khánh, Cái Sơn, Ba Láng mang hàng đến chất đầy xe rồi khởi hành; xong, quay về cũng bằng những chiếc xe đó.

Thời còn học tiểu học, vào những ngày nghỉ học tôi thường theo mẹ đi chợ bằng xe ngựa. Con đường Lộ Tẻ đất đá chông chênh, trời tối om om lại vắng tanh. Mọi người chỉ nghe tiếng lốc cốc, leng keng. Xe ngựa thời bấy giờ, ngoài đưa rước khách còn là phương tiện để cổ động phim ảnh và tuồng cải lương. Mỗi lần nghe tiếng bí bo, lũ trẻ chạy theo xin tờ quảng cáo.         

Hầu hết các xe ngựa khi đến gần chợ đều xuống khách tại đường Hàng Bả Đậu (nay là đường Nguyễn An Ninh), có khi tại đường Saintenoy (nay là đường Ngô Quyền). Cũng có lúc dời về đường Lê Thánh Tôn, bên hông rạp hát Li-đô. Riêng tuyến Lộ Tẻ - Cầu Ván thường xuống xe tại chợ Cái Khế, đường Nguyễn Trãi (nay chợ này đã di dời nên không còn). Nói vậy nhưng đi xe ngựa thời ấy rất tiện lợi, khách có thể lên xuống bất cứ nơi nào.

Kể từ năm 1955, những chiếc xe Lambretta và Dahaitsu lần lượt xuất hiện khiến cho những chiếc xe ngựa ngày càng thưa thớt. Đầu những năm 1960, một số chủ xe đã giã từ những con ngựa yêu quý. Cho đến khoảng năm 1965, khi những chiếc Honda Nhật ồ ạt nhập vào Việt Nam, xe lôi máy ra đời, kể từ đó, những chiếc xe ngựa coi như đã chấm dứt vai trò lịch sử của mình.

Tuy chiếc xe ngựa Cần Thơ đã đi vào quá khứ nhưng hình ảnh của những chiếc xe thân thương ngày nào trên các đường làng, phố thị cho tới nay vẫn còn đọng lại trong lòng người nhiều người cao niên, như dấu ấn sâu đậm trong buổi đầu giao thương đường bộ.

Dù thô sơ bằng cây ván hay loại song mã cửa kính cao sang, loại hình xe ngựa miền Tây cũng phản ảnh một cách sinh động về sự thích ứng của con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Chính sự sáng tạo ra kiểu cách, các dáng xe đã làm nên những giá trị về văn hóa giao thông của mỗi vùng miền. l

..................................

Ghi chú:
1. “Tiểu địa dư ký về Thủy Chân Lạp” – Bản dịch của Vương Hồng Sển.
2. Sách của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cần Thơ, năm 2002, trang 415.
3. Thơ của Tản Đà. Nhất Thiên: Tên một hiệu cao lâu ở Chợ Lớn.
4. Xà ích là người cầm cương ngựa. Người miền Nam gọi là xe ích – âm của chữ sais do người Pháp mượn từ tiếng Mã Lai.

Tài liệu tham khảo:
1. Địa chí Cần Thơ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cần Thơ
2. Tự vị tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ
3. Một thời xe ngựa Cần Thơ, Lê Ngọc Miên
4. Gò Công… Vọng tiếng đất lành, Phan Thanh Sắc, NXB Phương Đông

HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết