“Người cập rằng hầm xay lúa” là quyển sách vừa được NXB Kim Ðồng tái bản nhân kỷ niệm 136 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Ðức Thắng (20/8/1888-20/8/2024). Sách kể về những tháng ngày lao khổ mà anh dũng của Bác Tôn nơi ngục tù Côn Ðảo.
Truyện “Người cập rằng hầm xay lúa” được nhà văn Nguyễn Công Hoan viết từ năm 1959 và được sửa lại vào năm 1976. Năm 1978, truyện được xuất bản với những bức vẽ minh họa của họa sĩ Mai Long. Trong lần tái bản này, NXB Kim Ðồng chọn tái bản theo ấn bản này, kèm với phần bổ sung phụ lục lời kể của các cựu tù Côn Ðảo về con người, một số cột mốc tiêu biểu trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn.
“Cập rằng” được cho xuất phát từ phiên âm của “caporal” (tiếng Pháp), nghĩa là người cai quản, quản đốc, cai tù. Từ này còn chỉ những “tay anh chị” trong tù, bóc lột những người tù khác. Truyện kể: “Hồi thuộc Pháp, ở Côn Ðảo, những người tù bị liệt vào hạng bất trị phải chịu đựng một hình phạt đặc biệt tàn khốc, là bị giam vào hầm xay lúa. Hầm rộng mỗi bề độ mười mét. Có năm, sáu cái cối xay lớn và nặng, mỗi cái phải năm, sáu người kéo mới nổi. Vì cả ngày bụi cám, trấu bay lên, nên trong hầm lúc nào cũng lờ mờ, đứng cách nhau một mét không nhìn rõ nhau. Chỉ cần vào đó mười lăm phút thì lúc ra đã khạc thấy đờm đen”. Vì vậy, “bọn anh chị đã đút lót để tranh nhau làm chức cập rằng, cai quản trong hầm xay lúa, được ăn trên ngồi chốc, đè đầu đè cổ, bắt nạt kẻ yếu thế”.
Nhưng làm cập rằng hầm xay lúa cũng là đi vào chỗ chết. Họ bị anh em bạn tù oán thù. Không mấy người thoát bị đánh chết bằng dùi đục sửa cối, đâm chết bằng kim khâu bao, hoặc chém chết bằng dao mang lén vào hầm. Cập rằng nào lâu nhất là bền được 6 tháng. Có người mới làm chưa được 1 tháng đã bị giết bằng đòn thù.
Vậy, tại sao Bác Tôn lại trở thành “cập rằng hầm xay lúa”? Truyện kể thêm rằng, hồi năm 1930, ở Côn Ðảo, có một người đảng viên cộng sản bị thực dân xuyên tạc bản án cho thành tù thường. Người này bị giam ở Banh 1. Ðịch biết đây là một tay hoạt động chính trị rất đáng ghê sợ từ năm 1912, đã từng làm những việc long trời lở đất, nhưng bọn cầm quyền ở Ðông Dương không đủ bằng chứng để xử tử hình. Chúng chỉ kết được cái án nặng nhất là 20 năm khổ sai. Chúng bèn ra lệnh ngầm cho tên chủ ngục Buviê phải tìm cách trừ khử người ấy đi. Buviê nghĩ mưu mẹo là dùng những tù thường liều mạng, cùng đường vào bậc nhất làm việc ấy. Chúng cắt cử người ấy làm cập rằng hầm xay lúa. Người ấy chính là Bác Tôn.
Bị giao làm “cập rằng”, một vị trí hiểm nguy không khác gì “đi vào chỗ chết” nhưng Bác Tôn, với lòng nhân hậu và khí tiết của người cộng sản, đã cảm hóa những người tù khác. Bác Tôn luôn bênh vực người yếu thế, dũng cảm chống lại sự bất công. Nhà văn Nguyễn Công Hoan miêu tả: “Cập rằng thương yêu mọi người. Mọi người cũng thương yêu cập rằng. Và tất cả thương yêu nhau. Trong hầm, không xảy ra xích mích. Không ai coi ai như thù địch nữa, trái lại, còn hiểu kẻ thù của mình chính là thực dân Pháp. Một nơi địa ngục nhất trong cái địa ngục trần gian này biến thành một nơi có đầy tính nhân đạo”.
Qua ngòi bút sắc sảo của nhà văn Nguyễn Công Hoan, chân dung Bác Tôn kính yêu, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, mẫu mực, sáng ngời phẩm chất người cộng sản, được thể hiện qua một giai đoạn trong quá trình hoạt động cách mạng của Người. Ðó còn là những trang viết vẽ nên trái tim nhân hậu, tấm lòng bao dung của Bác Tôn, người con của sông nước An Giang, của Nam Bộ thành đồng, của Việt Nam anh hùng.
ÐĂNG HUỲNH