23/05/2009 - 09:49

Nhờ đâu kinh tế Na Uy bình an trong phong ba?

Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn thu từ “vàng đen” ở Biển Bắc giúp nền kinh tế Na Uy đứng vững trong bão tố khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ảnh: epmag.com

Trong khi cả thế giới lận đận vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Na Uy vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 3% năm 2008 và thặng dư ngân sách tương đương 11% GDP. Không những vậy, quốc gia Bắc Âu này cũng không mắc công nợ. Trong khi đó, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - bị thâm hụt ngân sách đến 12,9% GDP, còn nợ quốc gia lên tới gần 11.000 tỉ USD, bằng 65% GDP. Theo nhận định của Thời báo New York, Na Uy có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới “bình an vô sự” trong cơn suy thoái toàn cầu.

Với diện tích 385.199 km2, dân số 4,6 triệu người, Na Uy đứng thứ hai thế giới về thu nhập bình quân đầu người (52.000 USD/năm), chỉ sau Luxembourg (hơn 80.000 USD/năm). Kể từ khi tìm ra mỏ dầu ở ngoài khơi Biển Bắc hồi thập niên 1970, Na Uy trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, sau Arabie Séoudite và Nga. Năm 2008, xuất khẩu dầu mỏ mang về cho nước này 68 tỉ USD.

Để sử dụng hiệu quả nguồn lợi do tài nguyên mang lại, Oslo quyết định đưa doanh thu từ dầu mỏ vào Quỹ Đầu tư quốc gia (SWF), nguồn ngân sách dùng để đầu tư ra nước ngoài. Bộ trưởng Tài chính Kristin Halvorsen đã kịp thời nắm bắt cơ hội làm giàu cho đất nước khi giới đầu tư chứng khoán trên thế giới bán tháo cổ phiếu vào cuối năm ngoái. Được đánh giá là người rất thận trọng với thị trường tự do, nhưng bà đã mạnh dạn sử dụng 60 tỉ USD từ nguồn quỹ 300 tỉ USD của SWF để đầu tư vào thị trường chứng khoán. Và khi giá cổ phiếu bắt đầu hồi phục vào tháng 3 năm nay, người ta cho rằng Na Uy đã thu vào khoản lợi nhuận khổng lồ. Hiện SWF của nước này có giá trị thuộc hàng cao nhất thế giới.

Giống như nhiều nước trên thế giới, giá nhà đất ở Na Uy cũng tăng vọt, lên gấp 3 lần trong thập niên qua. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Na Uy không hề lung lay khi khủng hoảng xảy ra do số lượng vay thế chấp nhà ít. Theo Arne Isachsen, chuyên gia kinh tế ở Đại học Na Uy, phần lớn các ngân hàng trong nước vẫn trụ vững trong cuộc suy thoái. Dù áp dụng cơ chế giám sát chặt chẽ hơn các khoản cho vay nhưng họ không ngoảnh mặt với khách hàng.

Một số người lo lắng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và chế độ phúc lợi xã hội hào phóng đang “làm hư” lối làm việc chăm chỉ vốn có của người dân Na Uy. Theo khảo sát gần đây của Knut Anton Mork, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Handelsbanken ở Oslo, trong số các nước phát triển, dân Na Uy làm việc ít giờ nhất và ngày càng trở nên tự mãn, ỷ lại vào chính phủ. Mork cho rằng một ngày nào đó, giấc mơ nhàn hạ sẽ kết thúc. Tuy nhiên, ngày đó vẫn còn rất xa, bởi việc làm ở nước này vẫn còn nhiều và bàn tay giúp đỡ của chính phủ đang chìa ra khắp nơi.

THANH TRÚC (Theo Chosun, NYTimes)

Chia sẻ bài viết