19/12/2008 - 22:17

Nhìn lại 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2008

Thế giới năm 2008 trải qua nhiều biến động, có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống nhân loại. Đó là sự thay đổi lãnh đạo ở các cường quốc, là thiên tai hoành hành tại nhiều khu vực, là cuộc khủng hoảng tài chính quét sạch thành quả kinh tế của nhiều năm... Nhân dịp năm 2008 sắp kết thúc, Báo Cần Thơ điểm lại 10 sự kiện được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm trong năm qua.

1. Mỹ có tổng thống da màu đầu tiên

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng thuộc loại tốn kém và kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ kết thúc hôm 4-11 với chiến thắng lần đầu tiên thuộc về một người da màu. Thượng nghị sĩ Barack Obama của đảng Dân chủ đã giành chiến thắng ngoạn mục trước đối thủ Cộng hòa John McCain. Với cam kết thay đổi nước Mỹ, ông Obama hiện đang hoàn tất việc thành lập một nội các đa thành phần, trong đó có nhiều người da đen, người gốc Á và gốc Mỹ La-tinh, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates của đảng Cộng hòa được lưu nhiệm.

2. Khủng hoảng tài chính toàn cầu

Cuộc khủng hoảng bắt đầu ở Mỹ và nhanh chóng lan ra toàn cầu sau khi đại gia ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản ngày 15-9. Nhiều ngàn tỉ USD đã được các nước tung ra để cứu trợ hệ thống ngân hàng và kích thích nền kinh tế. Song song đó, các nước đua nhau hạ lãi suất (Mỹ đã đưa lãi suất xuống mức gần bằng 0). Tuy nhiên, các đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Anh... vẫn lâm vào suy thoái.

3. Bất ngờ giá dầu

Đầu năm 2008, giá dầu tiếp tục đà leo thang từ cuối năm 2007 và đạt đỉnh điểm hơn 147 USD/thùng vào tháng 7. Sau đó giá dầu bắt đầu giảm dần và dù Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhiều lần cắt giảm mạnh sản lượng, nhưng ngày 18- 12, giá dầu tại New York chỉ còn 36,22 USD/thùng, thấp nhất trong hơn 4 năm qua. Tập đoàn đầu tư tài chính Goldman Sachs trước đây từng dự báo giá vàng đen có thể lên tới 200 USD/thùng, thì nay điều chỉnh xuống 25 USD/thùng vào năm tới.

4. Xung đột quân sự Nga-Gruzia

Đầu tháng 8, Gruzia tấn công khu vực ly khai Nam Ossetia, nơi có nhiều binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga đồn trú. Nga lập tức đáp trả và hai bên xảy ra “cuộc chiến 5 ngày” với thất bại nặng nề thuộc về Gruzia. Cuộc chiến này khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên hết sức căng thẳng.

5. Bão Nargis tàn phá Myanmar

Trận bão khủng khiếp này quét qua Myanmar vào đầu tháng 5, làm ít nhất 146.000 người chết cùng hàng ngàn người khác mất tích. Thiệt hại về tài sản ước tính lên tới hơn 10 tỉ USD.

6. Động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên

Cơn địa chấn mạnh 7,9 độ Richter hôm 12-5 đã phá hủy nhiều làng mạc, thị trấn ở tỉnh Tứ Xuyên và một số khu vực lân cận, làm hơn 90.000 người chết và mất tích, gần 300.000 người bị thương, nhiều triệu người bị mất nhà cửa, thiệt hại kinh tế trên 120 tỉ USD.

 Cảnh đổ nát ở Tứ Xuyên sau trận động đất ngày 12-5. Chính phủ Trung Quốc dự tính chi gần 150 tỉ USD để tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng trong 3 năm tới.

7. Khủng bố tấn công Ấn Độ

Cuối tháng 11, trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ rung chuyển vì bị khủng bố tấn công, mức độ nghiêm trọng và táo bạo của nó được ví như vụ 11-9-2001 ở Mỹ. Bọn khủng bố từ Pakistan xâm nhập bằng đường biển vào Ấn Độ và đánh phá một loạt địa điểm, trong đó có 2 khách sạn 5 sao. Vụ khủng bố làm 164 người chết, hàng trăm người bị thương và đẩy quan hệ Ấn Độ-Pakistan tới bờ vực chiến tranh.

8. Cơn lốc melamine

Vụ sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc bị phanh phui hồi tháng 8 đã gây lo lắng trong giới tiêu dùng và dẫn tới việc một loạt quốc gia tẩy chay thực phẩm của nước này. Tại Trung Quốc, sữa nhiễm melamine làm 6 trẻ em thiệt mạng và gần 300.000 em bị bệnh, chủ yếu là sỏi thận.

9. Cướp biển Somalie lộng hành

Vụ một tàu chở vũ khí của Ukraina (trong đó có 33 xe tăng T-72) bị bắt cóc ngày 25-9 đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng hải tặc lộng hành trên Vịnh Aden, buộc nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế phải đưa tàu chiến tới đây để vãn hồi trật tự. Trong năm 2008, hải tặc Somalie đã tấn công khoảng 120 tàu, bắt cóc hơn 40 chiếc và nhận số tiền chuộc lên tới 120 triệu USD.

10. Thái Lan có 3 thủ tướng trong 3 tháng

Chỉ trong vòng chưa đầy 100 ngày, các cuộc biểu tình của Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) đã khiến Thái Lan phải thay 3 thủ tướng. Đầu tiên là ông Samak Sundaravej của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) bị Tòa án Hiến pháp tước quyền hồi tháng 9 vì vi hiến khi dạy nấu ăn trên truyền hình. Người kế nhiệm Somchai Wongsawat cũng chỉ trụ được hơn 2 tháng cho tới khi Tòa án Hiến pháp quyết định giản tán PPP (do dính líu tới vụ gian lận trong bầu cử) và cấm ông tham chính trong 5 năm. Nhân cơ hội này, đảng Dân chủ đối lập đã tập hợp lực lượng và đưa ông Abhisit Vejjajiva lên làm thủ tướng, trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất của Thái Lan (44 tuổi). Tuy nhiên, không ai dám chắc ông Abhisit sẽ nắm quyền trong bao lâu.

LÊ DÂN
(Tổng hợp từ báo chí nước ngoài)

Chia sẻ bài viết