04/06/2010 - 20:44

Nhiều nước phớt lờ Công ước về đa dạng sinh học

Việc đánh bắt quá mức đang làm giảm mạnh trữ lượng cá trên toàn cầu. Ảnh: Global and Mail

Liên Hiệp Quốc vừa lên tiếng cảnh báo phần lớn các quốc gia phớt lờ Công ước về đa dạng sinh học (CBD) mà họ đã ký kết cách đây 17 năm, khiến tỷ lệ sụt giảm các loài tiếp tục rơi xuống mức báo động.

CBD được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển bền vững năm 1992 tại Brazil và có hiệu lực từ ngày 29-12-1993. Đến nay đã có 193 nước (trong đó có Việt Nam) là thành viên của hiệp ước quốc tế này. Tháng 4-2002, các nước tham gia phê chuẩn CBD cam kết đến năm 2010 sẽ đạt mục tiêu giảm đáng kể tỷ lệ suy giảm đa dạng sinh học hiện hành trên phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm góp phầm xóa đói giảm nghèo và mang lại lợi ích cho mọi sự sống trên Trái đất. Tuy nhiên, theo Ahmed Djoghlaf, giám đốc điều hành Văn phòng CBD tại Montreal (Canada), “không có quốc gia nào báo cáo sẽ có thể hoàn toàn đạt được mục tiêu trong năm 2010 và thậm chí một số còn chắc chắn rằng sẽ không thể đạt được”.

Theo báo cáo của Ủy ban Phát triển bền vững LHQ, sự đa dạng các loài có xương sống đã tụt giảm gần 1/3 so với mức trung bình của giai đoạn 1970-2006 và đang tiếp tục suy giảm trên phạm vi toàn cầu. Năm yếu tố cơ bản trực tiếp thúc đẩy suy giảm tính đa dạng sinh học (gồm thay đổi môi trường sống, khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường, sự xâm chiếm của các loài khác và thay đổi khí hậu) đang không ngừng hoặc sẽ gia tăng về mức độ trầm trọng.

Những khu đầm lầy, vùng ngập mặn và các nơi cư ngụ của các loài giáp xác (như tôm, cua, trai, sò...) có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Phân bón, hóa chất bón cho cây trồng không được hấp thu hết sẽ tìm đường xâm nhập các nguồn nước, biến sông, suối, biển thành nhiều “vùng nước chết”. Tình trạng axít hóa các đại dương cộng với một lượng không nhỏ nước mưa đổ xuống biển đã và đang đẩy các dải san hô dưới biển đến tình trạng dễ bị hủy hoại. Thực trạng săn bắt thủy sản quá mức cũng báo động nguy cơ cạn nguồn cá thương phẩm.

Theo Văn phòng CBD, sự thất bại của các nước trong việc không đạt được các mục tiêu và thời hạn của công ước bắt nguồn từ thực tế nhiều bộ và cơ quan phụ trách vấn đề môi trường quá yếu kém hoặc các chính sách dễ bị bác bỏ bởi những chính trị gia chỉ chăm lo cho lợi ích kinh tế trước mắt. Cách duy nhất để khắc phục là chính phủ các nước phải nhận thức rõ rằng bảo tồn tính đa dạng sinh học là điều kiện tiên quyết để tự bảo vệ nền kinh tế của quốc gia mình.

Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia ký kết CBD dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm nay tại Nagoya (Nhật Bản). Theo kế hoạch, các quốc gia thành viên sẽ bỏ phiếu thông qua các mục tiêu mới nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học, thời hạn đặt ra là đến năm 2020 và 2050. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ thảo luận nhằm làm rõ nguyên nhân tại sao không đạt được các mục tiêu đề ra hồi năm 2002 cũng như hướng khắc phục.

THUẬN HẢI (Theo NY Times, CBD.int)

Chia sẻ bài viết