24/02/2021 - 08:25

Nhiều nước phạt người từ chối tiêm vaccine 

Tại một số quốc gia, người dân không tiêm vaccine COVID-19 có thể bị phạt tiền, cấm đến nơi công cộng và thậm chí mất quyền ưu tiên tiêm ngừa.

Một phụ nữ Indonesia được tiêm vaccine. Ảnh: WSJ

Khi các chương trình tiêm chủng tăng tốc trên toàn cầu và tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine cũng giảm bớt, nhiều nước đang tìm cách để đảm bảo nỗ lực đạt được miễn dịch cộng đồng không bị cản trở bởi những người từ chối tiêm vaccine. Miễn dịch cộng đồng hình thành khi tỷ lệ lớn người trong cộng đồng trở nên miễn dịch với bệnh, trở thành “lá chắn sống” bảo vệ những người chưa bị nhiễm và có thể ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan.

Thủ đô Jakarta của Indonesia hiện áp dụng quy định phạt tiền lên tới 356USD đối với những trường hợp không tiêm vaccine. Còn ở Israel, nước có tốc độ tiêm vaccine nhanh nhất thế giới, chỉ những người sở hữu “hộ chiếu xanh”, tức giấy chứng nhận đã tiêm vaccine, mới được phép vào các phòng tập gym, khách sạn và đi lại mà không phải thực hiện cách ly. Liên minh châu Âu và Úc cũng đang cân nhắc hạn chế đi lại đối với những người không tiêm vaccine. Tòa án Tối cao Brazil thì ra phán quyết những ai quay lưng với chế phẩm ngừa COVID-19 có thể bị cấm đến một số địa điểm công cộng nhất định.

Hình phạt cũng có thể là mất quyền tiếp cận vaccine. Như Singapore chẳng hạn, giới chức cảnh báo sẽ không để dành các liều vaccine cho những người bỏ qua chủng ngừa. Trong khi đó, Hàn Quốc sẽ đẩy những người không đăng ký khi tới lượt tiêm về cuối nhóm ưu tiên, nơi đứng đầu là các nhân viên y tế.

Một số nước dù không bắt buộc tiêm ngừa nhưng giới chức đang có những động thái như mượn tay các công ty để làm điều này. Tờ Financial Times tiết lộ nhiều công ty Anh chuẩn bị áp dụng chính sách “không tiêm ngừa, không việc làm” sau khi được chính phủ bật đèn xanh. Các chuyên gia y tế nhận định, trong những tháng tới khi việc tiêm vaccine trở nên phổ biến hơn, người sử dụng lao động, trường học và các cơ sở khác có thể sẽ áp dụng những yêu cầu riêng của họ về vaccine.

Trị bệnh “lười” tiêm vaccine

Theo khảo sát nhóm người từ 75 tuổi trở xuống tại 15 quốc gia mà Hãng Ipsos công bố trong tháng này, ngày càng có nhiều người sẵn sàng tiêm vaccine, tăng so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, tại phần lớn các quốc gia đó, ít nhất 20% ý kiến vẫn còn ngại tiêm vaccine. Lo sợ về vaccine có thể chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm ngừa thấp. Rào cản đối với nhiều công dân dễ bị lây nhiễm vẫn rất cao, ngoài việc thiếu nguồn cung vaccine còn bởi rắc rối trong việc thu xếp một cuộc hẹn hoặc nghỉ phép để đi tiêm chủng.

Giới chức y tế Indonesia cho rằng biện pháp trừng phạt là nỗ lực cuối cùng nhằm khuyến khích người dân tiêm ngừa. Theo kế hoạch, nước này sẽ tiêm cho 181,5 triệu người trong tổng số 270 triệu dân trong vòng 15 tháng để đạt được miễn dịch cộng đồng. Dù vậy, một cuộc khảo sát chỉ ra chưa tới 40% người Indonesia đồng ý tiêm ngừa.

Các quốc gia châu Á khác không vấp phải sự phản đối mạnh như thế, song tương đối thành công trong việc kiềm chế COVID-19 đã khiến nhiều người tỏ ra ít khẩn trương hơn với chuyện tiêm vaccine. Thăm dò công bố hôm 22-2 cho thấy chỉ 46% người dân Hàn Quốc chịu tiêm vaccine. Ðất nước 52 triệu dân này đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine đại trà hồi tuần rồi với mục tiêu chủng ngừa 70% dân số vào tháng 11-2021.

Thủ tướng Thái Lan đề nghị được tiêm mũi vaccine Sinovac đầu tiên

Nhằm nâng cao niềm tin của người dân đối với vaccine ngừa COVID-19, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã tự đề nghị trở thành người đầu tiên ở nước này tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.

Theo kế hoạch, lô đầu tiên gồm 200.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac Biotech sẽ được Hãng Hàng không quốc gia Thái Lan vận chuyển từ Trung Quốc về nước vào hôm nay 24-2.

Đến nay Thái Lan ghi nhận gần 26.000 ca nhiễm COVID-19 với 83 trường hợp tử vong.

HẠNH NGUYÊN (Theo WSJ)

 

Chia sẻ bài viết