03/06/2021 - 04:37

Nhiều nước châu Á muốn có vaccine của Mỹ 

Các quốc gia châu Á như Pakistan, Afghanistan, Bangladesh và Sri Lanka hiện đang đề nghị được chia sẻ một phần trong số 80 triệu liều vaccine COVID-19 Mỹ sẽ hỗ trợ các nước vào cuối tháng 6 này.

Người dân Ấn Độ xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Reuters

Người dân Ấn Độ xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Bangladesh A.K. Abdul Momen mới đây đã gửi thư tới người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đề nghị được hỗ trợ ngay khoảng 2 triệu liều vaccine của Hãng dược AstraZeneca (Anh/Thụy Điển) và khoảng 10-20 triệu liều nữa sau đó. Bangladesh đang cần tiêm chủng liều thứ hai cho khoảng 1,6 triệu người và sẵn sàng mua nếu không xin được trợ giúp. Bangladesh đã nhận được 7 triệu liều vaccine của AstraZeneca trong tổng số 30 triệu liều mà đất nước 165 triệu dân này đã nhất trí mua của Viện Huyết thanh Ấn Độ, chưa kể 3,2 triệu liều New Delhi cam kết hỗ trợ.

Tương tự, Afghanistan cũng muốn Mỹ hỗ trợ vaccine trực tiếp hoặc thông qua COVAX, sáng kiến toàn cầu cung cấp vaccine cho các nước nghèo. Chương trình COVAX dự định phân bổ cho Afghanistan khoảng hơn 2,5 triệu liều vaccine, trong đó có 400.000 liều của Hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) và 500.000 liều của Ấn Độ. Riêng Sri Lanka đề nghị Mỹ viện trợ 600.000 liều để nước này có thể tiến hành tiêm chủng mũi 2 trong bối cảnh Ấn Độ tạm thời cấm xuất khẩu vaccine nhằm dập dịch trong nước. Hiện quốc gia 21 triệu dân này mới tiêm chủng cho 7% dân số. Sri Lanka cũng mong muốn Mỹ “tiếp ứng” số vaccine của Hãng dược Johnson & Johnson mà xứ cờ hoa đang thừa không sử dụng.

Hôm 1-6, Ngoại trưởng Blinken thông báo, trong 2 tuần tới Mỹ sẽ công bố cách thức bán và phân phối 80 triệu liều vaccine mà nước này cam kết chia sẻ với thế giới. Ông Blinken khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tập trung vào việc phân phối công bằng số vaccine trên và không có bất kỳ ràng buộc chính trị nào vào quá trình phân phối. Tuyên bố được ông Blinken đưa ra tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado, trong chuyến công du đầu tiên của mình tới Mỹ Latinh trên cương vị ngoại trưởng.

Trước đó, chính quyền Mỹ cho biết sẽ sớm hỗ trợ các nước khoảng 60 triệu liều vaccine của AstraZeneca và 20 triệu liều của Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson (đều của Mỹ). Tuy nhiên, lượng vaccine đó chỉ đáp ứng một phần nhỏ nếu so với tổng số khoảng 8 tỉ người trên thế giới cần được chủng ngừa. Đến nay, Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 50% người trưởng thành trong nước.

Các nước giàu cần ủng hộ 50 tỉ USD

Lãnh đạo của các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm 1-6 đồng loạt kêu gọi các nước giàu tài trợ 50 tỉ USD để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine trên toàn cầu, giúp chấm dứt đại dịch COVID-19.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Chủ tịch WB David Malpass và Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng các nước giàu cần hành động trước khi COVID-19 có cơ hội lan rộng tại các quốc gia chưa được tiêm vaccine và phát triển thành các biến thể mới nguy hiểm hơn. Trong thư gửi các tòa soạn báo trên toàn cầu trong tuần này, nhóm 4 nhà lãnh đạo nhấn mạnh thế giới đang chia rẽ theo hai hướng. Thứ nhất là các nước giàu đang tiến tới tiêm vaccine cho hầu hết dân số. Thứ hai, các nước nghèo hơn với chưa tới 1% dân số được tiêm vaccine và đang bị “bỏ lại phía sau”.

“Bộ tứ” này tin rằng 50 tỉ USD đầu tư mới là cần thiết để tăng năng lực sản xuất, đảm bảo nguồn cung, các dòng chảy thương mại và giao hàng…, từ đó sẽ giúp thúc đẩy việc phân phối công bằng các dịch vụ chẩn đoán bệnh, nguồn ô-xy, phương pháp điều trị, vật tư y tế và vaccine. Ngoài ra, các ước tính cho thấy với 50 tỉ USD đầu tư mới, sáng kiến sẽ giúp kết thúc đại dịch nhanh hơn ở các nước đang phát triển, giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế và tạo ra thêm khoảng 9.000 tỉ USD trong sản lượng toàn cầu vào năm 2025.

Tuần trước, WHO cho biết châu Phi cần ít nhất 20 triệu liều vaccine của AstraZeneca trong vòng 6 tuần tới để tiêm lần hai cho những người đã được tiêm mũi đầu tiên. Hiện tại, châu Phi chỉ chiếm 1% tổng số vaccine đã được tiêm trên toàn cầu và cần thêm 200 triệu liều vaccine nữa (bất kể loại nào) để tiêm cho 10% dân số châu lục vào tháng 9 tới.

WHO và các đối tác của COVAX hy vọng có thể hỗ trợ tiêm vaccine cho 30% dân số tại tất cả các quốc gia trên thế giới vào cuối năm 2021 nếu có đủ ngân sách.

BRICS kêu gọi phân phối vaccine công bằng

Trong khi đó, ngày 1-6, nhóm BRICS gồm 5 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới kêu gọi đẩy nhanh việc phát triển và phân phối vaccine COVID-19, đồng thời tái khẳng định rằng các biện pháp hỗ trợ như miễn bản quyền đối với vaccine phòng ngừa bệnh này có thể giúp những nước nghèo chống dịch.

Nội dung trên được nêu trong tuyên bố chung của nhóm BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - sau hội nghị trực tuyến các ngoại trưởng nhóm BRICS.

Trong tuyên bố, các ngoại trưởng cho rằng chiến dịch tiêm chủng vaccine diện rộng sẽ giúp chấm dứt đại dịch COVID-19, theo đó nhấn mạnh “sự cấp bách của việc khẩn trương phát triển và phân phối vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt tại những nước đang phát triển”. Các bộ trưởng cũng bày tỏ ủng hộ chiến dịch toàn cầu do Nam Phi và Ấn Độ dẫn đầu tại WTO để hối thúc các nước tạm miễn bản quyền đối với vaccine ngừa COVID-19. Tuyên bố nêu rõ việc chia sẻ vaccine, chuyển giao công nghệ, phát triển các chuỗi sản xuất và cung ứng nội địa cũng như minh bạch về giá cả cũng sẽ là lực đẩy cho cuộc chiến chống đại dịch.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNBC, Reuters)

Chia sẻ bài viết