16/09/2021 - 10:29

Nhiều giải pháp ứng phó thiên tai, triều cường 

Bắt đầu từ giữa tháng 9 đến tháng 11-2021, TP Cần Thơ sẽ chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường lên cao. Vào những ngày rằm và đầu các tháng  8, 9, 10 (âm lịch) mực nước lên cao bất thường, gây ngật lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, giao thông, sản xuất, mua bán của người dân. Hạn chế tác động của triều cường là vấn đề mà ngành chức năng TP Cần Thơ, người dân quan tâm thực hiện trong thời gian tới…

Cảnh báo ngập lụt do triều lên cao

Đường giao thông khu vực Hồ Bún Xáng (phường An Khánh, quận Ninh Kiều) hằng năm bị ngập sâu do triều cường.

Đường giao thông khu vực Hồ Bún Xáng (phường An Khánh, quận Ninh Kiều) hằng năm bị ngập sâu do triều cường.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, hằng năm, triều cường giữa tháng 9 và đầu tháng 10 âm lịch lên rất cao, đỉnh triều cường lên đến trên 2m, cao hơn báo động III. Ðây là thời gian mức triều cao trong những năm gần đây. Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hằng năm mực nước triều cường đều lên cao. Trong vòng 10 năm trở lại đây, đỉnh triều cao nhất từng được ghi nhận năm 2013 ở mức 2,02m. Tuy nhiên, đến năm 2020 đỉnh triều cường lên đến 2,17m, vượt mức năm 2013 là 0,15m.  Năm nay, triều cường dự báo tiếp tục lên cao nên công tác ứng phó cần tập trung thực hiện và kịp thời ngăn chặn những thiệt hại có thể xảy ra”. 

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, hằng năm triều cường lên cao đã làm nhiều tuyến giao thông trên địa bàn thành phố bị ngập sâu. Ðặc biệt, quận Ninh Kiều hằng năm có trên 120 tuyến đường giao thông bị ngập nước (chưa kể các tuyến đường ở khu dân cư). Trong đó có 61 tuyến đường chính bị ngập sâu từ 0,4m đến 0,5m, như các tuyến đường thuộc phường Tân An và đường Mậu Thân (phường An Hòa), đường Nguyễn Văn Cừ (phường An Khánh), đường Huỳnh Cương, Trần Hưng Ðạo, Lý Tự Trọng, Trần Văn Hoài và các tuyến đường thuộc cồn Khương, Trung tâm thương mại Cái Khế… Các tuyến đường còn lại ngập sâu từ 0,2-0,4m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, kinh doanh của người dân. Các quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn… cũng có hàng chục tuyến đường nội ô bị ngập sâu trong nước. Nguyên nhân Cần Thơ bị ngập lụt đô thị khi triều cường, nước thượng nguồn đổ về là do cơ sở hạ tầng ở TP Cần Thơ vẫn còn nhiều bất cập như đê bao, đường sá, cầu giao thông... chưa đảm bảo an toàn khi bị thiên tai tác động; một số tuyến đường có cốt nền thấp; hệ thống cấp thoát nước nhỏ, xuống cấp; nhiều tuyến kênh, rạch bị lấp, lấn chiếm nên rất dễ xảy ra tình trạng ngập lụt, ứ đọng kéo dài...

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ÐBSCL, nhận định: “Tình trạng ngập ở các đô thị thuộc vùng giữa của ÐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ hiện đã mang tính quy luật. Nếu như hằng năm con nước giữa và cuối tháng 8, tháng 9, tháng 10 âm lịch được cho là đợt triều cao nhất trong năm do thủy triều từ biển Ðông vào gặp nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về gây ngập thì cũng có nhiều nguyên nhân khác khiến tình trạng ngập nặng hơn, như sụt lún đất ở khu vực ÐBSCL, nước biển dâng và đê bao khép kín bảo vệ các vùng sản xuất, khiến nước không tràn được vào trong các kênh rạch… gây ngập nghẹt đô thị”.

Các giải pháp ứng phó

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, nhận định: Tác động của lũ chính vụ kết hợp triều cường dự báo năm 2021 vẫn có xu thế cao hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy, các tỉnh ở vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL cần hết sức lưu ý và gia cố hệ thống đê bao, bờ bao để ứng phó với triều cường; đánh giá mức đảm bảo của hệ thống ô bao, bờ bao thuộc vùng giữa của ĐBSCL để ứng phó với mức lũ chính vụ lên cao 3,8m tại Tân Châu. Với mực nước này kết hợp đỉnh triều 2021 sẽ có khoảng 363 ô bao vùng giữa ĐBSCL có nguy bị ảnh hưởng, với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 65.408ha. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp có 6 huyện bị ảnh hưởng (gồm 60 ô bao, với 5.887ha), tỉnh Hậu Giang có 2 huyện bị ảnh hưởng (117 ô bao, với 28.866ha), tỉnh Tiền Giang có 2 huyện bị ảnh hưởng (12 ô bao, 1.447ha), TP Cần Thơ có 3 quận huyện bị ảnh hưởng (gồm 44 ô bao, với diện tích 5.431ha), tỉnh Vĩnh Long có 4 huyện bị ảnh hưởng (126 ô bao, 29.212ha), tỉnh Kiên Giang có 1 huyện bị ảnh hưởng (4 ô bao, với 565ha)…

Tại TP Cần Thơ, ngày 8-9-2021, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ ban hành Công văn số 45 /PCTT-TKCN về việc ứng phó với thiên tai, mưa bão, triều cường sắp tới. Theo đó, thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố, UBND các quận, huyện thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo mưa, lũ, bão triều cường để chủ động các biện pháp phòng tránh. Tổ chức rà soát, bổ sung các phương án ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể từng quận, huyện theo phương châm “bốn tại chỗ” và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19; xây dựng, tham mưu UBND thành phố các phương án chỉ đạo, điều hành, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn...

Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã chủ động phối hợp với các quận, huyện kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn đê bao, bờ bao, các công trình thủy lợi phù hợp với diễn biến mưa lũ, triều cường. Ngành Giao thông vận tải chủ động kiểm tra, rà soát lực lượng, vật tư, phương tiện triển khai các phương án đảm bao an toàn giao thông đường bộ, đường thủy trong tình huống xảy ra mưa bão lớn và ngập lụt kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Ngoài các hoạt động trên, UBND, ban chỉ huy PCTT-TKCN các quận, huyện cần tăng cường tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; chủ động kiểm tra đê bao, bờ bao, cống, đập, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra… Các địa phương tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống xấu có thể xảy ra do mưa bão, lũ, triều cường”.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ nay đến tháng 11-2021 là thời kỳ mùa lũ trên sông Mekong và các sông ở Nam Bộ. Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức báo động 1, báo động 2. Từ tháng 10 đến đầu tháng 12-2021, mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ lưu ở mức báo động 2, báo động 3, một số trạm trên báo động 3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại TP Cần Thơ (mực nước vượt báo động báo 3 - 2m), Vĩnh Long...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết