TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Nhật Bản đang có kế hoạch xây dựng thêm các cơ sở từ năm tài khóa 2024 để lưu trữ tên lửa tầm xa. Ðây là một phần trong nỗ lực của xứ hoa anh đào nhằm xây thêm 130 kho như vậy đến năm tài chính 2032, từ mức khoảng 1.400 kho hiện nay. Ðộng thái này được Nhật Bản đưa ra trong bối cảnh các mối đe dọa quân sự ở khu vực đang gia tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Tên lửa đối hạm Type 12 của Nhật Bản. Ảnh: AP
Ứng phó tên lửa của Trung Quốc và Triều Tiên
Theo Hãng thông tấn Kyodo News, các kho đạn mới sẽ được đặt tại 9 căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) trên khắp các đảo Hokkaido, Miyazaki, Kagoshima và Okinawa. Bộ Quốc phòng Nhật Bản (MOD) đã đề nghị dành 12,4 tỉ yen (tương đương 84 triệu USD) trong ngân sách tài khóa 2024 để thực hiện kế hoạch trên. Với số tiền này, MOD sẽ bắt đầu tiến hành khảo sát để xây dựng các kho tại 5 căn cứ ở Hokkaido, thiết kế 2 kho tại một căn cứ ở Miyazaki, 5 kho tại một sân huấn luyện ở Okinawa và mua đất để xây dựng 3 kho tại một căn cứ ở Kagoshima. Song, đơn vị này dự kiến sẽ không tiết lộ chủng loại cũng như khối lượng tên lửa mà số kho này sẽ lưu trữ, khiến dân chúng tại địa phương lo ngại.
Giới phân tích cho rằng mối đe dọa tên lửa gia tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên đã thúc đẩy Nhật Bản xây dựng thêm kho trữ tên lửa. Trước đó, hồi tháng 8-2022, lần đầu tiên 5 tên lửa đạn đạo do Trung Quốc phóng trong cuộc tập trận bao vây Ðài Loan đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Theo Hãng tin Reuters, đây là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở eo biển Ðài Loan, trong đó bao gồm hoạt động bắn đạn thật ở các vùng biển phía Bắc, phía Nam và phía Ðông hòn đảo, đẩy căng thẳng lên mức cao nhất trong một phần tư thế kỷ. Trong khi đó, 2 tên lửa đạn đạo do Triều Tiên phóng hồi tháng 6 cũng rơi xuống EEZ của Nhật Bản. Ðây là lần thứ 13 tên lửa của Triều Tiên rơi xuống vùng EEZ của Nhật Bản.
Những vụ phóng thử tên lửa nói trên chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” về mối đe dọa tên lửa mà Nhật Bản đang phải đối mặt. Tờ Asia Times hồi tháng 8 cho biết, Trung Quốc có tới 1.900 tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) và 300 tên lửa hành trình tầm trung có thể vươn tới Nhật Bản, trong khi Triều Tiên sở hữu hàng trăm tên lửa đạn đạo có thể đưa Nhật Bản vào tầm ngắm. Ðáng lo ngại, cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đều đã phát triển tên lửa siêu thanh có thể “né” được các hệ thống phòng thủ hiện tại của Tokyo.
Nâng cấp hệ thống tên lửa
Trong khi đó, tờ Japan Times hồi tháng 3 cho biết Nhật Bản có kế hoạch nâng cấp cả 8 tàu khu trục Aegis của nước này vào năm tài khóa 2027 để có thể lắp đặt tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ sản xuất. Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản còn dự định mua tên lửa Tomahawk Block-5 mới nhất với tầm bắn khoảng 1.600km, đồng thời công bố kế hoạch mua 400 tên lửa Tomahawk với tổng số tiền 211,3 tỉ yen (tương đương 1,6 tỉ USD) từ ngân sách tài khóa 2023.
Ngoài ra, Nhật Bản còn đặt mục tiêu sản xuất tên lửa tầm xa trong nước. Theo đó, Tokyo đang xem xét triển khai ít nhất 1.000 tên lửa hành trình tầm xa các loại trong nỗ lực tăng cường khả năng phản công nhắm vào Trung Quốc. Số tên lửa này là loại hiện có sẵn trong biên chế nhưng sẽ được cải tiến để nâng tầm bắn từ 100km lên tới 1.000km và có thể được phóng từ tàu chiến, máy bay hoặc sẽ được triển khai chủ yếu tại các chuỗi đảo cực Nam Nhật Bản. Từ những vị trí này, các tên lửa có thể vươn tới bờ biển Trung Quốc hoặc Triều Tiên.
Chưa dừng lại ở đó, Nhật Bản cũng đang phát triển loại tên lửa hành trình được trang bị khả năng trinh sát, tác chiến điện tử và đầu đạn thông thường, có thể giúp Tokyo xác định vị trí, vô hiệu hóa hệ thống radar và các cảm biến khác của đối phương và sau cùng là đưa ra đòn tấn công chí mạng. Số tên lửa này được phát triển nhằm mục đích tiêu diệt tàu địch đi qua quần đảo Nansei.l