29/07/2011 - 09:37

Nhân viên văn phòng bảo vệ thị lực như thế nào ?

Cần có những biện pháp bảo vệ cho mắt khi làm việc lâu trên máy vi tính. Ảnh: CTV

Làm việc lâu bên máy vi tính, đọc sách báo nhiều là một trong những nguyên nhân khiến cho đôi mắt bị mệt mỏi, suy giảm thị lực... Để phòng tránh các tác hại nêu trên, bác sĩ chuyên khoa II MAI HOÀNG TRÍ, Phó Khoa Khám mắt, Bệnh viện Mắt-Răng Hàm Mặt Cần Thơ, đã cung cấp những thông tin và lời khuyên bổ ích về cách bảo vệ thị lực cho nhân viên văn phòng nói riêng và những người thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính nói chung, như sau:

Hiện nay có rất nhiều nhân viên văn phòng làm việc với thời gian dài bên máy vi tính đến khám tại phòng khám Mắt, Bệnh viện Mắt-Răng Hàm Mặt Cần Thơ, bởi mắt có các dấu hiệu như: mỏi mắt, khô mắt, nóng rát, mắt bị mờ đi, nhức đầu, đau hốc mắt. Ngoài ra, các bệnh nhân này còn kèm thêm chứng đau cổ và đau lưng. Theo kết luận của các bác sĩ chuyên khoa: Họ bị hội chứng CVS. Theo AOA - Hiệp hội Thị lực Hoa Kỳ thì: CVS là từ viết tắt của “Computer Vision Syndrome”- hội chứng về thị giác do sử dụng máy vi tính. CVS gây ảnh hưởng đến 75% người sử dụng máy vi tính và rất dễ gây nên những vấn đề xấu cho mắt. Hội chứng này ảnh hưởng các nhân viên văn phòng, chuyên gia vi tính, sinh viên... và những ai làm việc trên máy vi tính nhiều giờ hoặc chỉ hai giờ mỗi ngày. Bình thường, mắt mỗi người chớp trung bình 14 lần/phút; nhưng khi sử dụng máy tính, số lần chớp mắt chỉ còn 6-7 lần. Động tác chớp mắt làm nước mắt tiết ra và trải đều trên bề mặt nhãn cầu, giúp trơn mắt. Khi số lần chớp giảm, mắt sẽ bị khô. Mặt khác, khi tiếp xúc với máy tính, mắt có khuynh hướng mở to nên mau khô hơn, không đủ độ trơn để loại sạch bụi. Sự phản chiếu ánh sáng xung quanh và ánh sáng từ màn hình cũng làm mắt mỏi mệt. Tác hại càng tăng khi màn hình máy tính càng chập chờn.

Theo ghi nhận, hầu hết người sử dụng máy vi tính sắp xếp khoảng không gian làm việc không tốt, để máy quá cao hay quá gần, gây nhức mỏi mắt. Nếu không quan tâm đến sự xuất hiện ban đầu của hội chứng này, mắt sẽ lâm vào tình trạng nghiêm trọng hơn như mắc tật khúc xạ.

Để hạn chế những áp lực đối với mắt, người sử dụng máy tính cần chớp mắt thường xuyên hơn, cho mắt nghỉ ngơi sau 30 phút làm việc trên máy vi tính. Nên dùng thêm kính bảo vệ mắt, dùng màn chắn sáng cho màn hình, kính chống chói và chống phản chiếu. Nếu mắt quá khô, có thể sử dụng nước mắt nhân tạo, thuốc nhỏ mắt dành cho người sử dụng máy vi tính. Nên ngồi cách xa màn hình vi tính 50-60 cm và đặt màn hình dưới tầm mắt khoảng 10-20 độ, không để tâm màn hình quá cao hoặc quá thấp hơn so với tầm mắt. Sắp xếp hợp lý nguồn ánh sáng, chọn những đồ nội thất không bị phản chiếu ánh sáng, giảm ánh sáng và sự chiếu sáng của màn hình máy tính. Chuyển vị trí những đèn có ánh sáng chiếu trực tiếp lên màn hình. Chú ý vị trí đặt máy sao cho cửa sổ cùng bên với màn hình, sử dụng mành sáo nơi cửa sổ để che bớt ánh sáng. Không để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp lên màn hình và mắt vì sẽ gây chói mắt và giảm độ tương phản của màn hình. Nên sử dụng ánh sáng nhẹ khi làm việc trên máy tính có nền hình sẫm. Tắt bớt đèn trên trần nhà nếu quá sáng; còn trong trường hợp quá tối, có thể sử dụng một ngọn đèn bàn có chụp. Khi sử dụng đèn bàn, nên đặt đèn tại một vị trí sao cho ánh sáng không phản chiếu lên màn hình. Nếu có điều kiện, nên chọn màn hình lớn, phẳng và dễ kiểm tra độ tương phản.

H. VÂN (ghi)

Chia sẻ bài viết