23/11/2017 - 09:10

Nhân vật quyền lực kế nhiệm Tổng thống Mugabe 

 Sau thông tin về quyết định từ chức của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, đảng cầm quyền Zanu-PF đã xác nhận Phó Tổng thống từng bị sa thải Emmerson Mnangagwa (ảnh) đã trở lại đất nước và sẽ lãnh đạo thay ông Mugabe trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

CNN trích lời phát ngôn viên Zanu-PF cho biết, ông Mnangagwa sẽ tuyên thệ nhậm chức vào hôm nay 23-11. Theo kế hoạch, cựu Phó Tổng thống đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cho đến khi cuộc bầu cử được tiến hành vào tháng 9 năm sau. Trước thông tin này, các chính trị gia đảng đối lập MDC-T cho biết họ chấp nhận diễn biến hiện nay nhưng nói thêm rằng tiến trình bầu cử sắp tới phải dựa trên tự do và công bằng nhằm đảm bảo tổng thống phải do người dân bầu chọn. Người dân Zimbabwe và cộng đồng quốc tế cũng đang hy vọng quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra ôn hòa và giữ vững được tương lai dân chủ ở đất nước này. Về người kế nhiệm hiện nay, phần lớn đều tin tưởng cựu Phó Tổng thống Mnangagwa sẽ dẫn dắt Zimbabwe tiến tới một kỷ nguyên mới. “Mong muốn của tôi là cùng tất cả người dân Zimbabwe xây dựng kỷ nguyên mới, nơi mà tham nhũng, thiếu năng lực, biếng nhác, suy đồi về văn hóa và xã hội không được chấp nhận” – trích tuyên bố mới đây của ông Mnangagwa.

Được biết đến với biệt danh “Cá sấu”, ông Mnangagwa vốn là nhân vật quyền lực ở Zimbabwe đồng thời là lãnh đạo của phe “Lacoste” trong Zanu-PF. Nhóm này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới tinh hoa chính trị và có mối quan hệ gần gũi với các tướng lĩnh quân đội, lực lượng an ninh trong cuộc tranh giành quyền lực với các chính trị gia trẻ tuổi thuộc nhóm G40 ủng hộ cựu Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe. Từng là trợ thủ đắc lực của ông Mugabe trong nhiều thập kỷ, ông Mnangagwa được coi là người kế nhiệm ghế tổng thống cho đến khi bị cách chức và bỏ trốn sang Nam Phi cách đây hai tuần. Theo đánh giá của các nhà quan sát chính trị, ông Mnangagwa là người “nhanh nhạy, cứng rắn và giỏi vận dụng các đòn bẩy quyền lực”. Chính trị gia 75 tuổi cũng là một trong số ít lãnh đạo ở Zimbabwe đi ra ngoài mà không cần đến an ninh bảo vệ.

Sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống đấu tranh cho quyền lợi của người da đen, ông Mnangagwa bắt đầu tham gia các phong trào chống lại chế độ thiểu số da trắng cầm quyền Rhodesia – tên gọi cũ của Zimbabwe, từ những năm 1960. Năm 19 tuổi, ông bị chính quyền lúc bấy giờ bắt giữ do hoạt động chính trị. Thay cho bản án tử hình vì còn quá trẻ, ông Mnangagwa bị giam giữ cùng các nhà hoạt động dân tộc nổi bật khác, bao gồm Mugabe. Là một trong những chiến sĩ trẻ tuổi trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh du kích đòi độc lập từ thực dân Anh, ông Mnangagwa được đào tạo tại Trung Quốc, Ai Cập và lấy bằng luật vào năm 1975 tại Zambia khi được trả tự do. Năm 1979, Mnangagwa đã tháp tùng ông Mugabe đến các cuộc đàm phán tại Luân Đôn mà qua đó chấm dứt chế độ thuộc địa của Anh và thành lập nhà nước Zimbabwe.

Được coi là nhân vật trung tâm trong mạng lưới kết nối cơ quan tình báo, quân đội và đảng cầm quyền, ông Mnangagwa từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác trong nội các Zimbabwe bao gồm bộ trưởng an ninh quốc gia, tư pháp, quốc phòng, tài chính và chủ tịch quốc hội.

MAI QUYÊN (Theo Daily Mail, AFP)

Chia sẻ bài viết