30/01/2021 - 06:58

Nhận diện “điểm nóng” chi phối quan hệ Mỹ - Trung 

Dự báo căng thẳng Mỹ - Trung Quốc có thể giảm nhiệt sau khi Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng đang bị lung lay, bởi chính quyền Joe Biden dường như không định giảm đối đầu với Bắc Kinh.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Biden tuyên thệ nhậm chức, Trung Quốc đã điều 8 máy bay ném bom và hơn chục chiến đấu cơ áp sát Đài Loan. Trước đó ít ngày, Quốc hội nước này đã thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh được nổ súng tấn công tàu nước ngoài xâm phạm lãnh thổ hoặc phá hoại các cơ sở thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Động thái phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Kinh vấp phải chỉ trích từ Mỹ với tuyên bố của Bộ Ngoại giao kêu gọi Trung Quốc ngừng gây sức ép với Đài Loan; đồng thời tái khẳng định các cam kết của Washington với hòn đảo này. Tiếp đến, Hải quân Mỹ đã điều một nhóm tác chiến tàu sân bay vào Biển Đông nhằm “đảm bảo tự do trên biển, xây dựng quan hệ đối tác, thúc đẩy an ninh hàng hải”.

Theo các nhà phân tích, hành động mang tính khiêu khích, thăm dò từ Bắc Kinh rõ ràng là để thử phản ứng và xa hơn là muốn xác định “lằn ranh đỏ” với chính quyền Biden. Đổi lại, thái độ cứng rắn của Washington cho thấy quan hệ giữa hai cường quốc sắp tới không dễ dàng như Trung Quốc mong đợi.

Trong đó, vấn đề Đài Loan được nhìn nhận là một trong những “nút thắt” quan trọng định hình chiến lược của Mỹ trong cách tiếp cận Trung Quốc. Tại Mỹ, Đài Loan là chủ đề hiếm hoi nhận được sự đồng thuận của phe Dân chủ và Cộng hòa. Dưới thời Tổng thống Trump, Washington thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Bắc bằng cách tăng cường bán vũ khí, cử các phái viên cấp cao tới hòn đảo này. Thời điểm Nhà Trắng chuyển giao quyền lực, người kế nhiệm Biden đã gây chú ý khi mời đại diện của Đài Loan ở Washington tới dự lễ nhậm chức hôm 20-1. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1979 một phái viên Đài Loan được ban tổ chức lễ nhậm chức tổng thống Mỹ “chính thức mời”.

Phát biểu trong phiên điều trần hôm 26-1, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục cho thấy thái độ của Washington trong vấn đề Đài Loan khi cảnh báo bất cứ động thái sử dụng vũ lực nào chống lại vùng lãnh thổ này đều là “sai lầm nghiêm trọng”. Củng cố quan điểm trên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng John Kirby hôm 29-1 tái khẳng định Washington duy trì cam kết hỗ trợ Đài Bắc; đồng thời bác tuyên bố của người đồng cấp Trung Quốc Ngô Khiêm cho rằng “Đài Loan độc lập đồng nghĩa chiến tranh”.

Ngoài “rắn” trong vấn đề Đài Loan, giới chuyên gia dự đoán chính quyền Tổng thống Biden cũng khó thay đổi chiến lược tăng cường hiện diện ở Biển Đông, bất chấp sức ép từ Bắc Kinh. Dưới thời ông Trump, Washington đã chính thức bác bỏ các yêu sách trên biển của Trung Quốc vì “đi ngược lại với luật pháp quốc tế”. Quan điểm này được Ngoại trưởng Blinken nhắc lại với tuyên bố các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông “vượt quá những vùng biển mà nước này được phép tuyên bố chủ quyền theo luật pháp quốc tế”. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 27-1, ông Blinken cam kết Mỹ sẽ sát cánh với các quốc gia Đông Nam Á khi đối mặt sức ép từ Trung Quốc.

Thông qua tuyên bố này, các nhà phân tích dự đoán mục tiêu sắp tới của chính quyền Biden là tăng cường liên minh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương để đối trọng với Bắc Kinh. Trong khi nhiều đồng minh, đối tác quan trọng của Washington ở khu vực đang chịu áp lực trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, các chuyên gia đánh giá châu Âu có thể trở thành “lực đẩy” giúp củng cố mạng lưới quân sự truyền thống của Mỹ ở châu Á. Hồi tháng rồi, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab không loại trừ khả năng nước này tham gia liên minh quân sự “NATO châu Á” (nòng cốt là nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc) mà đối tượng chính là Trung Quốc. Anh cũng sẽ cử một nhóm tác chiến tàu sân bay đến vùng biển gần Nhật Bản trong khi Đức xác nhận điều tàu khu trục tuần tra Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong những tháng tới.

Hôm 28-1, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lên tiếng kêu gọi Mỹ và Trung Quốc “cài đặt lại” quan hệ bằng cách mở rộng lĩnh vực hợp tác vì lợi ích chung của cộng đồng, chẳng hạn như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông Guterres cũng thừa nhận mối quan hệ thương mại và công nghệ “rất phức tạp”, có khả năng “cạnh tranh” nhưng cũng có thể “hợp tác” tùy vào hai cường quốc.

MAI QUYÊN (Theo CNN, Reuters)

Chia sẻ bài viết