23/08/2023 - 08:32

Nhà trọ tình thương ở Đức Mỹ A 

Thấy những người bán vé số cực nhọc kiếm tiền nhưng hằng ngày phải tốn thêm tiền trọ, anh Trần Thanh Liêm (23 tuổi, ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) đã vận động xây dựng nhà trọ tình thương “0 đồng” để họ có chỗ nương náu.

Anh Liêm (thứ 5 từ trái qua) cùng những người già neo đơn hiện đang ở trọ “0 đồng”.

Anh Liêm kể, hơn 2 năm trước, khi thấy những người già neo đơn, người nghèo bán vé số hằng ngày nhọc nhằn mưu sinh nhưng không có nơi nương tựa nên anh nghĩ phải giúp bằng cách tạo cho họ chỗ nghỉ ngơi, đỡ lo lắng tiền bạc hằng tháng. Vậy là nhà trọ “0 đồng” ra đời.

Nhà trọ tình thương “0 đồng” có tổng diện tích 1.000m2 được anh Liêm xây dựng tại ấp Đức Mỹ A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long. Tổng kinh phí xây dựng lên đến 1,1 tỉ đồng do anh Liêm vận động từ người thân, bạn bè, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Nhà trọ được xây dựng từ tháng 7-2022 đến đầu tháng 11-2022 bắt đầu đưa vào hoạt động. Đây là thời điểm những người bán vé số gặp khó khăn nhất do trải qua đợt dịch COVID-19 kéo dài, thất nghiệp nên hầu hết họ đều không còn vốn để hành nghề trở lại. Nhiều người phải vay mượn tiền lấy vé số bán nhưng gặp cảnh ế ẩm bởi dịch bệnh vẫn chưa dứt hẳn.

Khu trọ chia làm 2 dãy cho nam, nữ; mỗi dãy đều được anh Liêm trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như giường, chiếu, gối, quạt… và có thể đáp ứng nhu cầu ở của 40 người. Sau gần 8 tháng hoạt động, nhà trọ đã có 5 người đến ở, hầu hết là những người già neo đơn, gia cảnh khốn khó tại địa phương. Một số người được anh Liêm tìm đến tận nơi để mời về ở trọ “0 đồng”. Hiện anh Liêm đang xét duyệt 2 hoàn cảnh vừa xin vào ở. “Đa phần những người này có chung cảnh khổ, nghèo khó, không đóng nổi tiền trọ hoặc gia đình nhiều thế hệ ở cùng nhau trong căn phòng chật hẹp nên tìm đến nhà trọ “0 đồng” xin ở. Họ tâm sự bán vé số không được nhiêu tiền, đóng tiền trọ thì cũng gần hết nên cuộc sống khó khăn lắm” - anh Liêm nói.

Những trường hợp tá túc tại nhà trọ “0 đồng” còn được anh Liêm hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng ngày, phục vụ bữa ăn miễn phí, thường xuyên thăm hỏi, động viên giúp họ bớt cảm giác cô đơn. Ngoài ra, anh còn lập bếp ăn thiện nguyện, mỗi tuần nấu và phát 2 lần, mỗi lần phát 500 suất cơm chay, mặn; thường xuyên vận động hỗ trợ nhiều trường hợp bệnh tật không tiền điều trị, cùng chính địa phương làm lại đường dân sinh...

“Thời gian đầu cũng gian nan bởi khi xây dựng hoàn thiện tiền cũng hết, nên việc chi trả phí sinh hoạt và ăn uống hằng ngày gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi không thấy đó là gánh nặng, mà xem việc làm này đem lại niềm vui, động lực để cống hiến. Tôi tiếp tục xây dựng thêm phòng để hỗ trợ được nhiều người khó khăn” - anh Liêm chia sẻ.

Chia sẻ bài viết