27/11/2018 - 08:31

Nhà là nơi nguy hiểm nhất đối với phụ nữ? 

Nhân ngày Quốc tế chống nạn bạo hành phụ nữ 25-11, Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) công bố báo cáo cho thấy hơn 50% phụ nữ bị giết chết trên thế giới hồi năm ngoái là nạn nhân của chồng/bạn trai hoặc các thành viên trong gia đình, qua đó biến “nhà thành nơi nguy hiểm nhất đối với phái yếu”.

Phụ nữ Ai Cập tuần hành đòi quyền của mình. Ảnh: AFP

Theo số liệu của UNODC, trong tổng cộng 87.000 vụ sát hại phụ nữ trên toàn cầu năm 2017, có khoảng 50.000 trường hợp, tức 58%, được thực hiện bởi chính người chồng hoặc thân nhân của họ. Trong đó, những người đầu ấp tay gối gây ra khoảng 30.000 vụ. Con số đau lòng trên đồng nghĩa cứ mỗi giờ lại có khoảng 6 phụ nữ bị đoạt mạng bởi những người thân quen. UNODC tính rằng tỷ lệ nạn nhân nữ bị sát hại trên thế giới ở mức 1,3 người/100.000 phụ nữ. Châu Phi và châu Mỹ được xem là những khu vực mà “phe kẹp tóc” có nguy cơ bị chồng hoặc người thân trong gia đình giết cao nhất. Tại châu Phi, tỷ lệ phụ nữ bị sát hại là 3,1 người/100.000 phụ nữ, trong khi con số này ở châu Mỹ và châu Á lần lượt là 1,6 và 0,9. Châu Âu là nơi có tỷ lệ thấp nhất, với 0,7 nạn nhân/100.000 phụ nữ. Theo UNODC, trong những năm gần đây, cuộc chiến đẩy lùi nạn bạo hành phụ nữ lại không đạt được tiến bộ rõ nét mặc dù nhiều chương trình và chế tài đã được đưa ra.

“Phái yếu tiếp tục trả giá đắt bởi tình trạng bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và những định kiến”- Yury Fedotov, giám đốc UNODC, chia sẻ. Một trong số những trường hợp như vậy là Neha Sharad Chaudury, ở Ấn Độ. Neha mất mạng trong vụ giết người nghi là liên quan đến “danh dự” đúng vào sinh nhật lần thứ 18 của cô. Cảnh sát cho biết cha mẹ Neha không chấp nhận mối quan hệ của con gái với bạn trai, nên đã cùng một người bà con là nam giới đoạt mạng cô gái trẻ. Mỗi năm có hàng trăm người chết vì yêu hoặc kết hôn trái với ý nguyện của gia đình. Tuy nhiên, khó có được số liệu chính thức về những vụ “giết người vì danh dự” bởi các trường hợp này thường bị “ém”.

Hôm 24-11, hàng chục ngàn người ở châu Âu đã xuống đường tuần hành nhằm phản đối nạn bạo lực tình dục đối với phái yếu. Tại Pháp, các cuộc tuần hành trên khắp nước này thu hút khoảng 50.000 người tham gia nhằm đáp lại lời kêu gọi đưa việc lên án nạn bạo lực tình dục vào trọng tâm của phong trào #MeToo vạch trần và xóa sổ nạn quấy rối tình dục. 

THANH BÌNH (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết