22/12/2021 - 14:59

Nhà giáo trẻ kể chuyện “Căn cứ địa Đồng Tháp Mười” 

“Căn cứ địa Ðồng Tháp Mười (1946-1949)” (NXB Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ấn hành) là quyển sách vừa ra mắt của nhà giáo trẻ Ðặng Hoàng Sang, đang công tác tại Trường THCS và THPT Trường Xuân, huyện Thới Lai. Cuốn sách là sự kết tinh của cả một quá trình nghiên cứu trên cơ sở của luận văn cao học đã bảo vệ thành công tại Trường Ðại học Vinh vào năm 2018 của anh.

Tác giả Đặng Hoàng Sang và công trình “Căn cứ địa Đồng Tháp Mười (1946-1949)”. 

Ðặng Hoàng Sang sinh năm 1990, được xem là một trong những gương mặt trẻ đam mê Sử học có tiếng ở ÐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng. Anh đã công bố rất nhiều nghiên cứu tại các tạp chí chuyên ngành và kỷ yếu hội thảo khoa học ở Trung ương, địa phương. Trong đó, anh say mê nhất là mảng đề tài lịch sử Việt Nam hiện đại liên quan đến chiến tranh cách mạng ở Nam Bộ. “Căn cứ địa Ðồng Tháp Mười (1946-1949)” là một trong những thành quả của quá trình say mê nghiên cứu ấy.

Tác giả Ðặng Hoàng Sang chia sẻ: Trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược ở Việt Nam, hệ thống căn cứ địa giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, vừa xây dựng lực lượng, tạo thế đứng chân, vừa chủ động tiến công đối phương. Ðặc biệt giai đoạn 1945-1975, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ thuật xây dựng căn cứ địa không ngừng được hoàn thiện và nâng cao.

Ngay sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ (23-9-1945), hệ thống các căn cứ địa liên vùng và đan xen được xứ ủy, các khu ủy, tỉnh ủy xây dựng khắp nơi ở Nam Bộ. Nằm trong hệ thống đó, Ðồng Tháp Mười với vai trò là căn cứ địa của miền, tuy chỉ tồn tại trong 4 năm (1946-1949) nhưng đã giữ vai trò rất quan trọng trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Ðây là nơi đứng chân của nhiều cơ quan chỉ đạo kháng chiến từ cấp miền, cấp khu đến một số tỉnh, đài phát thanh Nam Bộ phát sóng lần đầu tiên, nhiều công binh xưởng, bệnh viện, trường học được xây dựng, một số tiểu đoàn chủ lực ra đời... Ðây là nơi đùm bọc, che chở lực lượng vũ trang khi bị đối phương càn quét và cũng là bàn đạp xuất phát tiến công tiêu diệt quân Pháp trên địa bàn Khu 8. Và, đây còn là nơi gửi gắm niềm tin, củng cố tinh thần kháng chiến cho lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Bộ. “Vì thế, việc xây dựng căn cứ địa trên đồng bằng mênh mông trống trải với rừng tràm ngập nước, kinh rạch chằng chịt như ở Ðồng Tháp Mười là một nét độc đáo trong đấu tranh vũ trang của dân tộc, chứa đựng nhiều nội dung, bài học quý giá cần được nghiên cứu sâu sắc”, tác giả Ðặng Hoàng Sang cho biết.

Trong công trình “Căn cứ địa Ðồng Tháp Mười (1946-1949)”, tác giả không chỉ tập trung trình bày quá trình hình thành, xây dựng và bảo vệ căn cứ địa Ðồng Tháp Mười mà còn đi sâu phân tích, làm rõ các đặc điểm riêng biệt và đánh giá vai trò của căn cứ trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Qua đó, nghiên cứu đã góp phần khỏa lấp khoảng trống trong nghiên cứu lịch sử chiến tranh cách mạng về một căn cứ địa chiến lược quan trọng ở chiến trường Khu 8 xưa.

Thông qua 240 trang sách, với lối viết mạch lạc, khúc chiết, nguồn tài liệu chính thống đáng tin cậy, tác giả Ðặng Hoàng Sang đã nêu bật việc quân và dân Ðồng Tháp Mười với những nỗ lực vượt bậc đã ra sức xây dựng, phát triển nơi đây thành hậu phương kháng chiến tại chỗ vững chắc giữa lòng dân, hoạt động trong mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa quân với dân, đồng thời cũng nổi danh là “Việt Bắc của Nam Bộ”. Trên cơ sở đó, công trình của nhà giáo trẻ đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu từ quá khứ để xây dựng vùng đất Ðồng Tháp Mười của cách mạng năm xưa thành khu vực phòng thủ vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc. PGS.TS. Trần Nam Tiến (Trường Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Tuy là một giáo viên đang giảng dạy ở trường phổ thông, nhưng bằng niềm đam mê nghiên cứu lịch sử, tác giả Ðặng Hoàng Sang đã có đóng góp khoa học quan trọng thông qua tập sách “Căn cứ địa Ðồng Tháp Mười (1946-1949)””.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết