29/05/2015 - 20:26

Nguyên tắc, nội dung hòa giải trong tố tụng dân sự

Hỏi: Tôi gởi đơn đến Tòa án yêu cầu ly hôn và chia tài sản nhà, đất. Tòa chưa đưa vụ việc ra xử mà mời hai bên đương sự ra hòa giải. Xin giải thích cho tôi những việc liên quan đến hòa giải, nội dung hòa giải?

T.K.H. (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ)

Thắc mắc của bạn được Luật sư Nguyễn Thị Hoàng, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, giải đáp như sau:

Theo Điều 180, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Việc hòa giải được tiến hành theo nguyên tắc: tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình; nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán phổ biến cho các đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án (theo Điều 185, BLTTDS).

Việc hòa giải được Thư ký Tòa án ghi vào biên bản. Biên bản hòa giải phải có các nội dung chính sau: ngày, tháng, năm tiến hành phiên hòa giải; địa điểm tiến hành phiên hòa giải; thành phần tham gia phiên hòa giải; ý kiến của các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự; những nội dung đã được các đương sự thỏa thuận, không thỏa thuận. Ngoài ra, biên bản hòa giải phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của các đương sự có mặt trong phiên hòa giải, chữ ký của Thư ký Tòa án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải (áp dụng Điều 186, BLTTDS).

PHƯƠNG DUNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết