16/07/2021 - 10:55

Nguy cơ trẻ em “trả giá” giữa đại dịch 

Trong bối cảnh virus Corona liên tục bùng phát, trẻ em cũng là đối tượng dễ bị tổn thương do không được tiêm chủng các loại vaccine, kể cả vaccine COVID-19.

Trẻ em tị nạn Nam Sudan được tiêm vaccine tại Ethiopia. Ảnh: Reuters

Trẻ em tị nạn Nam Sudan được tiêm vaccine tại Ethiopia. Ảnh: Reuters

Gần 23 triệu trẻ em không được tiêm chủng

Báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố hôm 15-7 cho thấy, đại dịch COVID-19 đã khiến gần 23 triệu trẻ em không được tiêm chủng định kỳ trong năm ngoái, chủ yếu là những trẻ sống ở các nước bị chiến tranh tàn phá hoặc các khu ổ chuột. Ðây là con số cao nhất trong hơn một thập kỷ qua và được xem là nguyên nhân thúc đẩy sự bùng phát các dịch bệnh như sởi, bại liệt cũng như nhiều dịch bệnh có thể phòng ngừa khác.

WHO và UNICEF cho rằng chính khoảng cách về tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu đã tạo ra “cơn bão nghiêm trọng”, khiến nhiều trẻ em bị nhiễm nhiều bệnh truyền nhiễm hơn trong bối cảnh nhiều nước nới lỏng các biện pháp phòng COVID-19. Theo báo cáo của WHO và UNICEF, trong số 10 nước có số trẻ em không được tiêm chủng định kỳ cao nhất, Ấn Ðộ và Nigeria là 2 quốc gia dẫn đầu, chiếm phần lớn trong số gần 22,7 triệu trẻ em chưa được tiêm vaccine phòng các bệnh như bạch hầu, uốn ván và ho gà trong năm ngoái. Cũng theo báo cáo, nhiều đợt bùng phát dịch sởi quy mô lớn đã được ghi nhận tại các “điểm nóng” như Afghanistan, Mali, Somalia và Yemen.

Ðáng lo ngại, khoảng 22,3 triệu trẻ em không được tiêm liều vaccine phòng bệnh sởi đầu tiên vào năm ngoái khi mà đây là một trong những căn bệnh dễ lây lan nhất thế giới, có thể gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là ở các nước châu Phi và châu Á có hệ thống y tế yếu kém. Kate O’Brien, Giám đốc phụ trách vấn đề vaccine và tiêm chủng của WHO, trong cuộc họp báo mới đây thừa nhận: “Ðại dịch COVID-19 là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại lớn trong kế hoạch tiêm chủng ở trẻ em, đưa chúng ta trở về hơn một thập kỷ qua”.

Trả giá vì tỷ lệ tiêm vaccine thấp của người lớn

Hầu hết các vaccine ngừa COVID-19 lưu hành hiện nay đều dành cho người lớn. Vì thế, trẻ em là đối tượng ít được tiêm loại vaccine này. Trong bối cảnh đó, Tiến sĩ Peter Hotez, Hiệu trưởng Trường Y học nhiệt đới quốc gia thuộc Ðại học Y Baylor (Mỹ), cảnh báo trẻ em xứ cờ hoa có thể sẽ phải trả giá nếu như tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 ở người trưởng thành nước này không đủ cao để làm chậm hoặc ngăn chặn sự lây lan của virus Corona, giữa lúc các ca nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng ở hầu hết các bang nước này.

Theo ông Hotez, nếu tỷ lệ tiêm vaccine ở người trưởng thành và trẻ từ 12 tuổi trở lên liên tục giảm trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành nhiều nước trên thế giới, trẻ em sẽ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Dữ liệu từ Ðại học Johns Hopkins cho thấy, tại 46 bang nước Mỹ, tỷ lệ các ca nhiễm mới trong tuần qua cao hơn ít nhất 10% so với tỷ lệ các ca nhiễm mới trong tuần trước. Ðáng chú ý, tại thành phố Los Angeles (bang California), số ca nhiễm mới tăng tới 500% trong tháng qua. Ða số họ đều chưa được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ.

Thế nhưng, trong bối cảnh các ca nhiễm mới gia tăng trên khắp nước Mỹ, chỉ 48,2% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ trong khi tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ là rất thấp vì cho rằng tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ là không cao.

Ông Hotez cho biết thêm, có tới hơn 30% trẻ bị nhiễm COVID-19 mắc hội chứng COVID-19 “đường trường”, có khi tới hàng tháng trời sau khi nhiễm bệnh, gồm mệt mỏi, buồn nôn, đau thắt ngực, đau đầu, mỏi cơ…Ông này cho hay, hiện các chuyên gia khoa học đang tìm hiểu về hậu quả đối với thần kinh trong thời gian dài ở những người bị nhiễm COVID-19. Một nghiên cứu hồi tháng 4 cho thấy, 34% những người sống sót sau khi bị nhiễm virus Corona mắc các vấn đề về thần kinh hoặc tâm lý trong vòng 6 tháng kể từ khi nhiễm bệnh.

Trong nghiên cứu được đăng tải trực tuyến mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, biến thể Delta có thể lây lan nhanh hơn các chủng virus Corona mới khác, bởi nó tạo ra nhiều bản sao của chính nó bên trong cơ thể người nhanh hơn so với các chủng virus Corona khác. WHO từng cho biết biến thể Delta lây lan nhanh hơn khoảng 55% so với biến thể Alpha được xác định lần đầu ở Anh.

TRÍ VĂN (Theo Reuters, CNN)

Chia sẻ bài viết