19/05/2012 - 21:17

Nguy cơ nhiễm khuẩn từ các vật dụng hàng ngày

Hàng ngày, khi dọn dẹp nhà cửa, chúng ta thường chú trọng lau dọn sạch sẽ những nơi như nhà vệ sinh và bồn rửa chén. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết những vật dụng nhỏ trong gia đình có thể đã trở thành “ổ chứa vi khuẩn” mà bấy lâu nay chúng ta không hề biết. Chẳng hạn:

1. Túi đi chợ:

Dùng túi sử dụng nhiều lần để đi chợ thay cho túi ni lông vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường. Nhưng bạn có biết túi đi chợ cũng chứa đựng những nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe? Một cuộc khảo sát cho thấy có đến 97% số người được phỏng vấn tiết lộ họ hiếm khi giặt túi đi chợ. Trong khi đó, nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Arizona (Mỹ) phát hiện có hơn 50% số túi đi chợ chứa nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm, trong đó có 12% vi khuẩn E. coli gây ngộ độc thực phẩm, cặn phân và nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Giáo sư Charles Gerba, nhà vi trùng học môi trường và là tác giả nghiên cứu, cho biết các chất bẩn này bắt nguồn từ thực phẩm sống, ví dụ như dịch tiết ra từ thịt sống.

Lời khuyên: Để riêng các túi đựng thịt hoặc cá sống, giặt túi 2 tuần/lần và thay túi mới sau 6 tháng.

2. Bao tay làm vườn:

Bao tay có thể giúp bạn tránh bị gai đâm khi làm vườn, nhưng Tiến sĩ Ron Cutler ở Đại học Luân Đôn (Anh) cho biết các vi trùng, vi-rút và mầm bệnh trong đất có thể dễ dàng truyền từ tay người dùng sang mắt hoặc miệng sau khi mang các bao tay bẩn.

Lời khuyên: Chúng ta nên giặt bao tay 2 tuần/lần bằng dung dịch sát khuẩn và hãy vứt bỏ ngay nếu thấy chúng bị rách hoặc thủng.

3. Các vật dụng đựng trái cây và rau củ:

Ngay cả trước khi trái cây và rau củ chín muồi và thối rữa, chúng vẫn có thể là nơi để vi khuẩn pseudomonas (vi khuẩn gây rối loạn tiêu hóa và nhiễm trùng ruột) phát triển, Tiến sĩ Cutler cho biết. Ngoài ra, các vật đựng trái cây và củ quá bẩn cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn khác như E. coli, salmonella và listeris sinh sôi.

Lời khuyên: Thường xuyên vệ sinh túi đựng rau củ, tô hoặc dĩa đựng trái cây mỗi tuần.

4. Chai đựng nước:

Một nghiên cứu gần đây của Đại học Calgary (Canada) phát hiện nhiều vi khuẩn có hại hiện diện trong chai đựng nước uống ở một trường tiểu học, trong đó có 30% mẫu nước bị nhiễm khuẩn với hàm lượng cao. Nguyên nhân được xác định là do các chai nước không được súc rửa kỹ trước khi tái sử dụng.

Lời khuyên: Nếu muốn dùng lại các chai đựng nước, tốt nhất bạn nên súc rửa trong ngoài và trụng nước sôi trước khi châm nước mới.

5. Xốp rửa chén và vòi nước:

Giáo sư Gerba cho biết chỉ sau một tuần sử dụng, miếng xốp rửa chén của bạn có thể trở thành “bến đỗ” của hơn 1 triệu vi khuẩn. Ngoài ra, một nghiên cứu của Hội đồng Vệ sinh Thế giới còn phát hiện vòi nước trong nhà bếp chứa nhiều vi khuẩn hơn cả cần gạt bồn cầu.

Lời khuyên: Ngâm miếng xốp rửa chén và khăn lau bếp trong nước sát khuẩn đồng thời chùi rửa bồn rửa chén và vòi nước mỗi ngày.

6. Ô tô:

Khuẩn tụ cầu vàng gây viêm nhiễm hệ tiêu hóa thường được tìm thấy ở cửa, vô-lăng hoặc dưới ghế ngồi trong xe hơi. Một nghiên cứu gần đây cho thấy vô-lăng xe hơi chứa hàm lượng vi khuẩn cao gấp 9 lần bồn cầu. Các chuyên gia cũng phát hiện có đến 42% tài xế thường ăn uống khi ngồi sau tay lái - yếu tố giúp vi khuẩn phát triển và sinh sôi từ các mẩu thực phẩm thừa bị rơi vãi.

Lời khuyên: Thường xuyên hút bụi và rửa xe, dọn sạch giấy gói thức ăn và rác sau mỗi chuyến đi.

7. Đồ chơi mềm:

Theo các nhà khoa học ở Đại học Otago (New Zealand), hơn 50% thú nhồi bông mà họ kiểm tra có chứa mạc bụi, thứ có thể làm trầm trọng hơn các cơn sốt, chàm bội nhiễm (eczema) hoặc hen suyễn.

Lời khuyên: “Sấy các con thú nhồi bông trong máy giặt khoảng 1 tiếng hoặc đông đá các món đồ chơi mềm qua 1 đêm, sau đó rửa rạch chúng bằng nước lạnh để loại bỏ chất gây dị ứng”, Tiến sĩ Steve Turner ở Đại học Dundee (Anh) đề nghị.

8. Thảm lót trong nhà tắm:

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành vi trùng học môi trường của Mỹ phát hiện các tấm lót dùng cho nhà vệ sinh và nhà tắm là nơi ẩn náu của các mầm bệnh liên quan đến nhiễm trùng và tiêu hóa, như vi khuẩn sphingomonas và methylobacterium.

Lời khuyên: Dùng nước sát khuẩn xịt lên các tấm lót sau mỗi lần sử dụng và giặt sạch chúng mỗi tuần ở nhiệt độ 600C.

9. Kệ để giày dép:

Đây rõ ràng là nơi tập trung mọi thứ dơ bẩn, từ thức ăn vụn cho đến phân động vật, và có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh chéo ở người, Tiến sĩ Cutler giải thích.

Lời khuyên: Lau chùi kệ để giày dép mỗi tuần, loại bỏ đất và rác bám dưới đế giày, dép trước khi cho lên kệ và rửa sạch tay sau khi cầm giày, dép.

NGUYỆT CÁT (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết