23/11/2019 - 09:27

Nguy cơ Nga, Mỹ đụng độ ở Syria 

Nga được cho đang thiết lập một căn cứ quân sự mới tại phía Đông Bắc Syria, gần với khu vực mà binh sĩ Mỹ được lệnh bảo vệ, làm tăng nguy cơ đụng độ giữa Mát-xcơ-va và Washington sau khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng rồi vội vàng quyết định rút quân ra khỏi nơi đây.

Binh sĩ Nga tại căn cứ Qamishli. Ảnh: US News

Theo lệnh của Tổng thống Trump, nhằm bảo vệ các mỏ dầu ở phía Đông Bắc Syria khỏi rơi vào tay tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), quân đội Mỹ hồi tuần rồi đã bắt đầu tuần tra thị trấn chiến lược Qamishli giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều đáng nói là Qamishli cũng là nơi Nga phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ đặt căn cứ không quân mới kể từ khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria. Trong những ngày gần đây, Mát-xcơ-va tuyên bố sử dụng căn cứ này để triển khai các hoạt động nhân đạo nhằm giúp người dân địa phương trở về nhà, xem đây là căn cứ quan trọng để bảo vệ các hoạt động quân sự mà họ đã triển khai, vốn thường được phối hợp với lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Như vậy, cùng với căn cứ không quân Kmeimim và căn cứ hải quân Tartus, Qamishli là căn cứ quân sự thứ 3 mà Nga thiết lập ở Syria. Một số nguồn tin cho biết, Mát-xcơ-va đã thuê khu vực này trong vòng 49 năm và hiện có kế hoạch chuyển đổi nó thành một căn cứ hải quân.

Căn cứ Qamishli được cho sẽ giúp Nga xử lý ít nhất 2 thách thức trước mắt, gồm giúp quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát khu vực và ngăn không cho lực lượng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận Qamishli. Ngoài ra, căn cứ quân sự mới cũng có thể giúp Nga đạt được mục tiêu dài hạn là kiểm soát bầu trời Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, cũng như theo dõi hoạt động của lực lượng Mỹ và đồng minh ở các vùng lãnh thổ lân cận.

Nga chỉ trích cách tiếp cận của Mỹ về Triều Tiên 

 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 21-11 cho rằng cách tiếp cận của Mỹ trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên theo kiểu “tất cả trong một” là nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán bị trì hoãn trong thế bế tắc hiện nay.

Ông Lavrov đưa ra nhận xét trên trong bối cảnh cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội. Hai bên đã tiến hành cuộc gặp cấp chuyên viên tại Thụy Điển hồi tháng trước, song cũng không đạt thỏa thuận. Triều Tiên cáo buộc Mỹ không đem đến bàn đàm phán một đề xuất mới. Đầu tuần này, giới chức cấp cao Triều Tiên liên tiếp kêu gọi Washington từ bỏ “chính sách thù địch” đối với Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo sẽ không có hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 nếu cuộc gặp như vậy “không đem lại điều gì”.

John Dunford, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ), lo ngại rằng bất kỳ sự tính toán sai lầm nhỏ nhất hay một sự cố  nào cũng có thể dẫn đến leo thang xung đột đe dọa lực lượng Mỹ tuần tra trong khu vực. Trong khi đó, một số chuyên gia quân sự khác cho rằng chính sự hội tụ các lực lượng đối lập tại khu vực sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ. Đáng quan ngại hơn khi mà lực lượng không quân ngày càng hùng hậu cũng như khả năng tác chiến điện tử mạnh mẽ của Nga có khả năng đe dọa sự thống trị về mặt công nghệ mà lực lượng Mỹ duy trì tại khu vực trong những năm gần đây.

Trước những nguy cơ trên, Đại tá Myles Caggins, phát ngôn viên của liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu trong một tuyên bố cho biết, Washington sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động quân sự với các lực lượng khác trong khu vực với mục đích là giữ an toàn cho tất cả các binh sĩ và tránh đưa ra những tính toán sai lầm. Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh địa phương như Lực lượng Dân chủ Syria nhằm ngăn chặn IS tiếp cận với nguồn tài nguyên và lãnh thổ trong khu vực. Ông Caggins cho hay, liên quân chống IS sẽ tránh đối đầu với Nga hoặc bất kỳ lực lượng nước ngoài nào đang hoạt động ở Syria. “Tất cả các hoạt động của liên quân đều không xung đột với các lực lượng khác đang hoạt động trong khu vực. Thông qua các kênh liên lạc và đội ngũ đối thoại có sẵn, chúng tôi cố gắng làm giảm nguy cơ can thiệp, tính toán sai lầm hoặc leo thang các hoạt động quân sự ngoài ý muốn” – Đại tá Caggins nói thêm.

Trên thực tế, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay Mỹ cũng đã bắt đầu xây dựng hai căn cứ quân sự mới tại tỉnh miền Đông Deir ez-Zor giàu dầu mỏ ở Syria, đồng thời Cơ quan giám sát nhân quyền Syria (SOHOR) nói rằng Washington có ý định thiết lập một trạm quân sự tại Qamishli. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thậm chí cáo buộc Mỹ đang cố thành lập “một quốc gia riêng” tại khu vực mà họ bảo vệ. 

TRÍ VĂN (Theo US News, al-Mornitor)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
NgaMỹSyria