01/03/2024 - 23:16

Nguy cơ bỏ lỡ thỏa thuận ngừng bắn tạm thời 

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 29-2 cho rằng vụ sát hại hơn 100 người đang tìm kiếm viện trợ nhân đạo ở Dải Gaza là một tình huống đòi hỏi cuộc điều tra độc lập hiệu quả. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) lên án cuộc tấn công, gọi đây là hành động “không thể chấp nhận được”.

Quân đội Jordan thả hàng viện trợ nhân đạo xuống miền Bắc Gaza hôm 29-2. Ảnh: Getty Images

Phát biểu tại St. Vincent và Grenadines (một quốc đảo ở vùng Caribe) hôm 29-2, ông Guterres cho biết cảm thấy “sốc” trước vụ việc mới nhất trong cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas. Trước đó, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric cho biết ông Guterres kịch liệt lên án vụ tấn công đẫm máu này.

Cơ quan y tế tại Gaza cho biết lính Israel đã nổ súng vào đám đông đang chờ hàng viện trợ lương thực ở gần thành phố Gaza thuộc phía Bắc Gaza, khiến ít nhất 112 người thiệt mạng và 760 người bị thương. Hamas cảnh báo vụ việc này có thể dẫn đến thất bại trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin.

Trong khi đó, quân đội Israel nói rằng một vụ “giẫm đạp” đã xảy ra khi hàng ngàn người dân Gaza bao vây đoàn xe viện trợ gồm 38 xe tải, khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương, bao gồm một số nạn nhân bị xe tải cán qua. Hãng AFP dẫn một nguồn tin của Israel thừa nhận quân đội đã nổ súng vào đám đông vì cảm thấy bị đe dọa.

Theo cơ quan y tế tại Gaza, sự cố trên đã nâng tổng số người Palestine thiệt mạng tại đây trong cuộc xung đột kéo dài gần 5 tháng qua lên 30.000 người, chủ yếu phụ nữ và trẻ em.

Theo đề nghị của Algeria, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp kín chiều 29-2 để thảo luận vụ pháo kích trên. Phát biểu ngay trước cuộc họp, Phó Ðại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood bày tỏ chia buồn với gia đình các nạn nhân trong vụ pháo kích và gọi đây là “một ngày bi thảm”.

Thỏa thuận ngừng bắn khó thành hiện thực

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng vụ nổ súng ở miền Bắc Gaza sẽ làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán ngừng bắn, nhưng vụ này cũng nhấn mạnh sự cấp bách của một thỏa thuận giữa Israel và Hamas. Chủ nhân Nhà Trắng cho biết thỏa thuận ngừng bắn khó có thể xảy ra vào ngày 4-3 như kỳ vọng trước đó, nhưng ông vẫn hy vọng về một thỏa thuận cho phép tạm dừng giao tranh trong 6 tuần để đổi lấy việc thả các con tin còn lại trong tay nhóm chiến binh Palestine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller thông báo nước này biết Israel đang tiến hành một cuộc điều tra, đồng thời Washington sẽ thúc đẩy tìm ra các câu trả lời và tiếp tục nói rõ với Tel Aviv rằng phải thực hiện mọi biện pháp khả thi để có thêm hàng viện trợ vào được Gaza.

Ðại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell cũng lên án vụ sát hại hàng chục người Palestine, gọi đây là hành động “không thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lưu ý tình hình tại Gaza rất xấu và kêu gọi lệnh ngừng bắn lập tức tại đây. “Tôi bày tỏ lên án mạnh mẽ nhất đối với những vụ xả súng này và kêu gọi sự thật, công lý và tôn trọng luật pháp quốc tế”, ông Macron viết trên mạng xã hội X ngày 1-3.

Cũng trong ngày 29-2, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã thảo luận về những nỗ lực chung của Ai Cập, Qatar và Mỹ nhằm xoa dịu tình hình ở Gaza, đạt được lệnh ngừng bắn, trao đổi tù nhân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho viện trợ nhân đạo vào Gaza.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Biden, ông El-Sisi nhấn mạnh phải đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Gaza, để cho phép thường dân Palestine tiếp cận đầy đủ và không bị cản trở đối với hàng viện trợ nhằm giảm thiểu cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một trầm trọng.

Ông El-Sisi cảnh báo hậu quả nguy hiểm của việc leo thang quân sự và nhắm mục tiêu vào dân thường, đồng thời khẳng định Ai Cập lên án mạnh việc nhắm mục tiêu vào thường dân không có khả năng tự vệ vì hành động này vi phạm rõ ràng luật pháp và các nghị quyết quốc tế.

Gaza đỐi diện “ngày tận thế nhân đạo”

Jordan đã thả các thùng hàng viện trợ nhân đạo xuống các bệnh viện mà nước này điều hành ở Gaza kể từ đầu tháng 11 năm ngoái. Nhưng tuần này, Jordan bắt đầu một hoạt động mới: thả các thùng nhỏ đựng thực phẩm, sản phẩm vệ sinh và các mặt hàng khác dọc theo bờ biển Ðịa Trung Hải.

Các phi công của lực lượng Không quân Jordan đã thả 33 tấn vật tư y tế, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác xuống Gaza hôm 29-2. Ðây là sự hỗ trợ quan trọng, nhưng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu lớn ở vùng đất bị bao vây này, nơi có 2,3 triệu dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và các mối nguy hiểm khác.

Theo tờ Washington Post, lượng viện trợ bằng đường bộ vào Gaza đã giảm trong tháng này sau khi các cuộc không kích của Israel nhắm vào các cảnh sát Palestine bảo vệ đoàn xe, buộc họ phải rút lui, khiến các tài xế xe tải phải tự đối phó với các cuộc tấn công và những người dân ngày càng tuyệt vọng. Hội đồng tị nạn Na Uy cho biết Gaza đang phải hứng chịu một “ngày tận thế nhân đạo”, trong khi LHQ cảnh báo nạn đói là “gần như không thể tránh khỏi”.

Khi áp lực buộc cộng đồng quốc tế phải hành động ngày càng tăng, các nước phương Tây và Arab đã nối gót Jordan. Các máy bay của Pháp, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong tuần này đã tham gia hoạt động thả hàng viện trợ dọc bờ biển Gaza. Mỹ cũng đang xem xét thả hàng viện trợ từ máy bay quân sự xuống Gaza và triển khai tàu bệnh viện hoặc tàu viện trợ.

Tuy nhiên, ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), đánh giá: “Thả hàng viện trợ xuống là giải pháp cuối cùng, cực kỳ tốn kém để cung cấp hỗ trợ. Giải pháp thực sự là mở các cửa khẩu và đưa các đoàn xe cùng hỗ trợ y tế vào Gaza”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây tiết lộ Israel đã đồng ý sẽ tạm ngừng chiến dịch tấn công trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 10-3 tới, để đổi lấy việc phong trào Hamas trao trả một số con tin. Thậm chí, ông Biden còn nói rằng một thỏa thuận ngừng bắn có thể đạt được ngay trong tuần tới. Thực tế, sau cuộc đàm phán thỏa thuận khung ở Paris giữa đại diện của Mỹ, Israel, Ai Cập và Qatar, ngày 25-2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Jake Sullivan xác nhận các bên đã đạt được nhận thức chung về một phác thảo sơ bộ cho một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước toàn dân tối 29-2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một lần nữa khẳng định “phản đối mọi sức ép quốc tế yêu cầu chấm dứt cuộc chiến trước khi chúng ta đạt được mọi mục tiêu chiến tranh”. Chính phủ Israel lo ngại chấp nhận thỏa thuận bằng mọi giá đồng nghĩa với việc Hamas sẽ tiếp tục nắm quyền, gây dựng lại cơ sở hạ tầng và xốc lại lực lượng để tiếp tục các cuộc tấn công mới nhằm vào Israel.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết